Minh bạch tài sản để phòng, chống tham nhũng

V.Thắng 29/06/2016 05:05

"MTTQ Việt Nam cần xúc tiến việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng đồng thời cần chủ động hơn trong việc lập các đoàn giám sát khi phát hiện các vụ việc tham nhũng”.

Quang cảnh buổi hội thảo. nguồn: sggp.org.vn.

Hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) qua một số lĩnh vực” do Viện Chính sách công và pháp luật (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và Tổ chức hướng tới minh bạch, diễn ra vào ngày 28/6, tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ.

Nạn tham nhũng chưa giảm

Chuyên gia pháp luật hình sự Tạ Thị Minh Lý, nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp bày tỏ băn khoăn khi luật “đẹp”, nhưng trong thực tế tham nhũng vẫn nhiều. Bà Lý cũng bày tỏ băn khoăn khi tiếng nói của người dân về vấn đề này thường bị rơi vào vòng “im lặng”; cùng đó là thủ tục hành chính khi phải đăng ký việc gì đó vẫn khó khăn.

Đưa ra 2 dẫn chứng cụ thể nhất đó là Chỉ thị 50-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã nhận định “tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng nhu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý tham nhũng còn kéo dài chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp”; hay Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng nhận định “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí chưa được đẩy lùi”- TS Nguyễn Quốc Văn (Thanh tra Chính phủ) cho biết, tham nhũng vặt diễn ra phổ biến, hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu gây khó khăn cho nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ cũng vậy, nhất tại cấp cơ sở. Công khai dân chủ còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như hoạt động cấp phép, thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư dự án, xây dựng... còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện công khai minh bạch.

Ông Văn cũng đặt vấn đề xử lý vi phạm quy định về công khai, minh bạch như thế nào và cho rằng: “Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ quyền hạn hiện rất yếu. Việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện một cách tràn lan, hình thức, kiểu trống giong cờ mở mà không có sự lựa chọn, pháp luật chưa xử lý được tình huống tài sản tăng thêm mà không giải trình rõ nguồn gốc. Có đến 87,3% người dân được hỏi đề nghị sửa đổi căn bản các quy định về kê khai tài sản thu nhập theo hướng “thà ít mà tốt”, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản”.

TS Nguyễn Quốc Văn (Thanh tra Chính phủ) cho biết, theo kế hoạch của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN, đến nay các bộ, ngành địa phương đã hoàn thành việc tổng kết 10 năm thi hành luật PCTN. Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm thi hành Luật PCTN sẽ được Chính phủ tổ chức đầu tháng 7/2016. Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV, tại phiên họp cuối năm 2016 Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về Luật PCTN sửa đổi. Dự án Luật này dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp cuối năm 2017.

Mặt trận chủ động giám sát tham nhũng

Đó là giải pháp được bà Đào Nga- Giám đốc Tổ chức hướng tới minh bạch đưa ra nhằm đấu tranh PCTN hữu hiệu hơn.

Bà Nga nói: “Luật PCTN và các văn bản pháp luật liên quan cần bổ sung các quy định hướng dẫn cụ thể và khả thi để khuyến khích các tổ chức xã hội và người dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng. MTTQ Việt Nam cần xúc tiến việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác PCTN đồng thời cần chủ động hơn trong việc lập các đoàn giám sát khi phát hiện các vụ việc tham nhũng”.

Cũng theo bà Nga, thực tế tham nhũng ở nước ta những vụ được xử lý kịp thời là do nhiều tổ chức xã hội, báo chí, và nhân dân phát hiện, nhưng cơ chế hiện nay chưa khuyến khích được họ tham gia. Để hướng tới việc toàn dân vào cuộc chống tham nhũng cần cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng và tạo điều kiện cho họ trong tố cáo tham nhũng.

Còn bà Đỗ Thanh Huyền (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam) cho rằng Luật PCTN đang thiếu những quy định về vấn đề thu hồi tài sản, làm giàu bất minh, mâu thuẫn lợi ích, vì thế cần chế tài cho có hiệu quả hơn.

“Làm thế nào cho “hổ có răng” chứ đừng là “hổ giấy”. Nên tách riêng ra 2 phần là phòng và chống. “Cần xây dựng Luật Chống tham nhũng như các nước trên thế giới. Hiện tham nhũng không còn nhạy cảm nữa mà là vấn đề nổi cộm cho nên cần phải giải quyết ngay tức khắc”- bà Huyền nêu ý kiến.

Chỉ rõ các quy định của chúng ta hiện nay không biết giám sát đến đâu khi ngay Luật xử phạt vi phạm hành chính có đến 57 nghị định hướng dẫn trong đó có hàng nghìn điều khoản, bà Tạ Thị Minh Lý cho rằng, xử phạt hành chính còn nhiều như vậy thì làm sao mà giám sát được tham nhũng? Và đó chính những kẽ hở cho tham nhũng.

Từ đó bà Lý cho rằng cần cơ quan PCTN độc lập, đồng thời phải bảo vệ người chống tham nhũng. “Phải bảo vệ người chống tham nhũng, đơn tố cáo tham nhũng dù ẩn danh hay nặc danh đều phải được xem xét”- theo bà Lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch tài sản để phòng, chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO