Minh bạch thu chi ngân sách

Thúy Hằng 13/10/2017 09:05

Ngày 12/10, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành tài chính. Giới chuyên gia cho rằng, đối với doanh nghiệp (DN) nhà nước, cơ hội nhìn từ cách mạng 4.0 là thay đổi cách thức cung cấp và quản lý dịch vụ công.


Ngành tài chính đang đẩy mạnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Chu Khánh Hòa, phó tổng giám đốc Khối Tài chính công, công ty Hệ thống thông tin FPT chia sẻ, hành vi gian lận truyền thống có thể xảy ra tại tất cả các khâu của quy trình thuế, từ đăng ký thuế, đến nộp thuế, nợ thuế. Ở lĩnh vực thuế nội địa, việc gian lận thể hiện ở nhiều khía cạnh như DN hạch toán kế toán về kê khai thuế sai, tạo giao dịch bán hàng giả mạo, ghi bán giá thấp hơn giá thực tế. Như vậy, nhà nước bị thất thu thuế.

Nhưng cuộc cách mạng 4.0, với sự chuyển đổi mạnh từ văn bản giấy sang số hóa, “ sổ cái điện tử”, cơ quan quản lý sẽ phát hiện dễ hơn các bất thường của dữ liệu theo chuỗi. Cơ quan thuế, hay hải quan có thể chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm bớt phiền hà, chi phí cho DN trong các khâu thanh kiểm tra mà lại không bị thất thu thuế. Một kết quả khảo sát cũng đưa ra, có 55% DN khẳng định cuộc cách mạng 4.0 tác động lớn đến DN, do vậy DN phải xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh đáp ứng với xu thế công nghệ.

Giới chuyên gia cũng cho rằng sự dịch chuyển tất yếu từ số hóa đơn giản (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3) sang sự sáng tạo dựa trên sự kết hợp giữa các công nghệ (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) đang đặt mỗi ngành trước yêu cầu phải từng bước hoàn thiện để thích nghi. Theo ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính, thời gian tới Bộ Tài chính cho rằng phải xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính mở, ứng dụng các công cụ phân tích dữ liệu.

Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm cải cách mạnh mẽ để phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nhiều lần đưa ra thông điệp với các DN, người dân và bạn bè quốc tế về Việt Nam đang phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao; quan tâm, chú trọng vào giáo dục đầu tư, phát triển con người và bày tỏ mong muốn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của các nước phát triển vào các lĩnh vực này.

Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính cho biết, một trong những điểm khác biệt là Chính phủ điện tử tập trung cung cấp dịch vụ truyền thống qua kênh trực tuyến trong khi Chính phủ số chú trọng chất lượng dữ liệu trực tuyến… để hỗ trợ quản lý của Chính phủ. Riêng với Bộ Tài chính, kế hoạch tới năm 2020, phấn đấu 100% thủ tục hành chính được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến và hoàn thành hệ thống “đám mây Bộ Tài chính” (MOF-Cloud). Tới năm 2025, 50% dữ liệu ngành tài chính sẽ được công khai tới người dân, DN trong đó tập trung lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thu chi ngân sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO