Minh bạch vay tiêu dùng

Hà Linh 21/12/2016 08:14

Việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng sẽ tạo thuận lợi khi xử lý các tranh chấp liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng.

Cần có quy định chặt chẽ cho vay tiêu dùng để tránh thiệt hại cho người vay.

Các bên đều có quyền khởi kiện

Do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, chị Lê Thị D. (Thanh Xuân, Hà Nội) phải vay vốn mua trả góp xe máy tại một công ty tài chính (CTTC) trong thời hạn 18 tháng. Thời gian đầu, chị trả cả lãi và gốc đúng hạn như cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, do tình hình làm ăn kinh doanh không thuận lợi, chị D. không còn khả năng trả nợ đúng hạn trong 9 tháng còn lại.

Chị D. đã gửi đơn thư với mong muốn CTTC gia hạn thêm hợp đồng vay vốn để chị tìm việc, đi làm và trả nợ. Tuy nhiên, do năng lực và tính chất đặc thù của công việc nên chị vẫn chưa thể tìm được công việc có mức thu nhập đủ để trang trải cuộc sống và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng vay tiêu dùng.

Trước tình hình này, CTTC đã gia hạn và gửi thông báo yêu cầu chị D. tất toán hợp đồng, thậm chí cho biết sẽ khởi kiện nếu chị không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo như cam kết trong hợp đồng.

Anh Hoàng Văn M. (Hiệp Hòa, Bắc Giang) lại là một hoàn cảnh khác, anh M. cho biết đã thỏa thuận vay vốn tại một CTTC với mức lãi suất 6%/tháng cho khoản trả góp 35 triệu đồng trong vòng 24 tháng. Vị chi, mỗi tháng anh M. phải trả cho CTTC hơn 3 triệu đồng cộng thêm lãi suất hàng tháng, chưa kể tiền bảo hiểm khoản vay và phí trả chậm nếu có.

Anh M. đã đóng được 10 tháng nhưng do điều kiện kinh tế tốt hơn nên anh muốn tất toán trước hạn. Tuy nhiên theo thỏa thuận ban đầu nếu khách hàng tất toán sớm hợp đồng sẽ phải trả thêm một khoản phí phạt là 5% trên tổng số tiền còn lại.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm pháp chế và tuân thủ FE Credit cho rằng “Khung pháp lý cho hoạt động cho vay của các CTTC đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các CTTC. Quyền và nghĩa vụ của người đi vay và các CTTC luôn được pháp luật bảo vệ khi các bên tuân thủ thỏa thuận của mình.

Nội dung thỏa thuận ngoài những điều khoản chính về lãi suất, tổng số tiền trả góp mỗi tháng, thời hạn thực hiện hợp đồng, thì những thông tin khác như phí phạt thanh toán khoản vay trước hạn hợp đồng, phí phạt trả chậm… luôn luôn được nêu rõ trong tất cả các hợp đồng vay tiêu dùng.

Khách hàng trước khi ký hợp đồng vay tiêu dùng cần tham khảo và tìm hiểu kỹ mọi thông tin của hợp đồng và tuân thủ trách nhiệm thực hiện hợp đồng và các CTTC có nghĩa vụ phổ biến đầy đủ thông tin đến khách hàng của mình.”

Theo các chuyên gia, các trường hợp trên chỉ là số ít trong số các vụ tranh chấp khi vay vốn tín dụng tại các CTTC. Mặc dù các vụ việc trên chỉ là quan hệ dân sự, chưa có dấu hiệu tội phạm nhưng trong cả hai trường hợp, các bên đều có quyền khởi kiện lên tòa án để được giải quyết thỏa đáng.

Kiện toàn pháp lý

Liên quan tới hai trường hợp nêu trên, đại diện Công ty Luật Dương Gia cho rằng, CTTC và người tiêu dùng có quyền khởi kiện ra tòa với tư cách là bị đơn theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.

Tuy nhiên, việc khởi kiện theo luật nói thì dễ nhưng để thực thi thì lại khá khó khăn do thiếu cơ chế. Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Hưng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng), Khoản 5, Điều 9 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định, chỉ trong trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì tòa án mới thụ lý để giải quyết.

Bản thân Tòa án khi phán xử các vụ tranh chấp tín dụng cũng tỏ ra lúng túng trong việc, dựa vào luật này lại vướng luật kia, luật chồng luật,… khiến việc giải quyết các trường hợp tranh chấp tín dụng bị kéo dài thời gian thụ lý.

Từ những bất cập trên, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này đã và đang xây dựng một cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại. Cơ chế này sẽ được vận hành đồng thời tại doanh nghiệp và ở cả các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tiếp nhận khiếu nại nhanh chóng, kịp thời giải đáp những vướng mắc.

Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tố tụng và giải quyết khiếu nại nhanh chóng, để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm không chỉ của người tiêu dùng mà cả các CTTC. Tạo niềm tin cho người dân khi tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng và giúp hoạt động cho vay tiêu dùng minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch vay tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO