Minh bạch vì sức khỏe người dân

Minh Quang 08/08/2018 09:00

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập với sự tham dự của đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ, BHXH Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiệp hội, hội và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và phân phối trong lĩnh vực Dược.

Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Thông tư lần này- theo như Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Thuốc đã được đấu thầu đưa vào bệnh viện thì phải là thuốc tốt. Các cơ sở y tế cần đặt ưu tiên trong mọi trường hợp phải sử dụng nhóm thuốc cao nhất (nhóm thuốc generic) và chỉ khi nào nhóm thuốc generic không có thì mới sử dụng nhóm thuốc thấp hơn. Điều này nhằm để đảm bảo nguồn cung ứng chất lượng thuốc tốt nhất trong điều trị khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Hội thảo đã lắng nghe ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của văn bản, cũng như trực tiếp triển khai các quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, để giúp Bộ Y tế ban hành Thông tư mới khắc phục cơ bản được các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ thuốc có chất lượng tốt với giá hợp lý để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Cục Quản lý Dược, Dự thảo lần này có các điểm mới nổi bật là việc xác định các tiêu chí kỹ thuật của các nhóm thuốc tại Điều 5 Chương II về phân chia gói thầu, nhóm thuốc gồm: Gói thầu thuốc generic, gói thầu thuốc biệt dược gốc và tương đương điều trị, gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và gói thầu dược liệu, gói thầu vị thuốc cổ truyền. Mỗi gói thầu thuốc đều có tiêu chí cụ thể đối với các nhóm thuốc.

Cụ thể, tại gói thầu thuốc generic xác định các tiêu chí kỹ thuật chi tiết, rõ ràng với việc mỗi danh mục thuốc generic được phân chia thành 5 nhóm thuốc. Nhà thầu có thuốc đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của nhóm nào thì được dự thầu vào nhóm đó. Các nhóm thuốc trên đều phải đáp ứng các tiêu chí có nguồn gốc, nguồn cung cấp nguyên liệu rõ ràng; có cùng công thức bào chế; quy trình sản xuất phải giám sát được tiêu chuẩn chất lượng đối với cả sản phẩm thuốc của nước ngoài hay do Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, các tiêu chí đưa ra một mặt đảm bảo chất lượng thuốc tốt nhất, mặt khác nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước tham gia...

Hoạt động đấu thầu thuốc thời gian qua luôn là mối quan tâm của người tiêu dùng, người bệnh. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế nhằm đảm bảo việc lựa chọn được các thuốc có chất lượng tốt để phục vụ công tác điều trị bệnh cho nhân dân; nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo có giá hợp lý để tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho người bệnh, cho quỹ BHYT và ngân sách nhà nước.

Hiện thực trạng đấu thầu thuốc mỗi nơi mỗi giá- theo phản ánh của người bệnh là có thật. Thời gian qua, để triển khai công tác mua sắm thuốc đối với các bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, BHXH liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật Đấu thầu, tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế, giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc. Trong năm 2017, lần đầu tiên BHXH tổ chức đấu thầu mua thuốc tập trung quốc gia đối với 6 loại thuốc của 5 hoạt chất thuộc danh mục chi trả của Bảo hiểm Y tế (BHYT). Kết quả là đã chọn được các mặt hàng thuốc có chất lượng, ưu tiên thuốc sản xuất trong nước và tổng giá trị các mặt hàng trúng thầu giảm 21,1%.

Tuy nhiên, việc quản lý giá thuốc và vật tư y tế hiệu quả, chặt chẽ hiện vẫn là thách thức không nhỏ. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam dẫn chứng, cùng một loại vật tư y tế nhưng giá chênh nhau quá nhiều. Trong năm 2017, Quỹ BHYT thanh toán gần 900 tỷ đồng đối với loại vật tư thủy tinh thể nhân tạo, giá của vật tư này dao động từ 200 nghìn đồng đến 28 triệu đồng/cái. Cùng là vật tư stent mạch vành của Đức nhưng ở Bệnh viện Thanh Hóa có giá hơn 58 triệu đồng/cái, ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai là 38,5 triệu đồng/cái, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang thì chỉ 29 triệu đồng/cái…

Theo phản ánh từ các bệnh viện, do hiện nay có quá nhiều nhà cung cấp đến từ nhiều quốc gia, thậm chí cùng một nước lại có nhiều tiêu chí khác nhau, nhiều hãng khác nhau, chưa kể các hãng còn liên doanh với các nước khác... nên kiểm soát về giá và chất lượng của thuốc, vật tư y tế rất khó khăn. Vì vậy, khi đấu thầu, nếu không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật.

Trước đó, trong tháng 4/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về những vướng mắc trong BHYT, giá dịch vụ y tế và đấu thầu thuốc v.v... Tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Y tế cần xác định và phân biệt rõ ràng, thuốc nào sẽ thực hiện đàm phán, thuốc nào sẽ thực hiện đấu thầu. Hiện nay, việc thực hiện đấu thầu thuốc đã có quy định, có cơ sở pháp lý, nhưng đàm phán giá thuốc thì chưa có cơ sở, tiêu chí cụ thể, nên khó quy định được trách nhiệm của ai, đơn vị nào. Rồi vấn đề quan trọng là biệt dược gốc có thứ khác tương đương, tại sao không dùng, mà lại để cho độc quyền?

Vấn đề giá thuốc chạm đến quyền lợi của hàng triệu người, của người bệnh, doanh nghiệp, khả năng thanh toán quỹ BHYT… Nhưng rõ ràng, việc quản lý giá thuốc và vật tư y tế hiện vẫn là thách thức lớn của ngành y tế. Theo nhiều chuyên gia, để bảo đảm mục tiêu giảm giá thuốc, giảm chi phí khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng “mỗi nơi một giá”, phải tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu tập trung, công khai, minh bạch quy trình, tiêu chí đấu thầu thuốc và vật tư y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch vì sức khỏe người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO