Mịt mùng Xa Mang

Nguyễn Chung 12/02/2022 13:16

Mỗi lần nghe ai đó nhắc đến Xa Mang - một bản của xã Sơn Điện, huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa - trong tôi lại cồn lên cảm xúc khó tả. Nó như gió mùa thổi qua những vạt ruộng bậc thang sau vụ gặt chỉ còn trơ lại gốc rạ. Xa Mang còn mịt mùng quá!

100% hộ dân ở Xa Mang thuộc diện hộ nghèo.

Những tiếng thở dài!

Lâu lắm rồi, vùng cao xứ Thanh mới lại phải chứng kiến và đi qua một mùa Đông dài và lạnh lẽo đến thế. Thường thì cứ sau Tết, mưa Xuân đã bắt đầu đem những tia nắng ấm áp đầu tiên trải lên núi, bản làng nhưng năm nay thì không. Mùa Đông vẫn dai dẳng ngự trị. Gió mùa vẫn thổi buôn buốt, sắc lẹm như dao làm nan, dằn dọc chà xát qua những bản vùng biên viễn Quan Sơn…

Mới gần 6 giờ chiều mà Xa Mang đã chìm gần hết vào bóng tối. Vài ngọn vầu đong đưa như những bàn tay gầy nhẳng vươn lên giữa nền trời màu xám, cố níu lại chút ánh sáng cuối ngày. Vài nhà dân trong bản đã bắt đầu lên đèn. Ánh sáng le lói, yếu ớt từ những cây đèn dầu lọt qua khe liếp càng làm cho Xa Mang như co mình lại trong đêm lạnh.

Bao đời rồi, người dân bản Xa Mang cùng chung một mơ ước có được ánh điện lưới chiếu sáng? Có điện, đồng nghĩa với việc dân bản có thêm động lực để thoát nghèo, bà con được xem tivi, con trẻ học bài không còn phải cắm cúi trong ánh đèn dầu tù mù… Chỉ một câu hỏi tưởng như đơn giản ấy thôi nhưng bao lâu rồi vẫn không có lời đáp.

Hơn 10 năm trước, tôi đã có lần ghé thăm Xa Mang. Ngày ấy, con đường đất dẫn từ QL217 vào bản như sợi dây rừng, nằm vắt qua các triền núi, quanh co, khúc khuỷu.

Chỉ dài chừng 6 cây số, nhưng con đường có tới 18 đoạn bị suối cắt ngang, vào mùa mưa, lũ về, có hôm nước lồng lên, suối như con ngựa bất kham, không một ai dám liều mình vượt qua. Cũng vì giao thông đi lại khó khăn, bản có gần 150 hộ dân thì tất thảy cùng nằm trong diện… nghèo.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Xa Mang Phạm Bá Tiệp tiếc rẻ chiếc tivi hiện đại được tặng mà không thể sử dụng.

10 năm sau tôi trở lại Xa Mang. Con đường vào bản đã được làm rộng hơn, với những khối tràn được đúc bằng bê tông kiên cố vượt qua những dòng suối sâu. Nhưng cái nghèo thì vẫn còn nguyên vẹn.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Xa Mang Phạm Bá Tiệp đón tôi bằng nụ cười có phần ngượng nghịu. Trong căn nhà của anh có một chiếc tivi đen trắng được đặt ở một vị trí trang trọng và được phủ một tấm von mỏng. Chỉ có điều, tấm von đã ngả màu vì phủ bụi, chứng tỏ lâu rồi nó không được chủ dỡ ra để sử dụng.

Ý như hiểu được thắc mắc của tôi, Phạm Bá Tiệp đưa tay vỗ bồm bộp lên cái tivi bảo: “Để làm cảnh thôi, chứ có mấy khi được xem. Khi có điện tua bin hoặc bình ắc quy thì không có sóng, khi bắt được sóng thì không có điện. Cơn khát điện với dân bản mình coi vậy mà dài dẳng quá nhà báo ạ!”.

Tiệp còn làm tôi ngạc nhiên hơn khi anh đi về phía buồng tối, khệ nệ lôi ra một cái tivi màn hình phẳng cỡ lớn còn nguyên hộp, bảo: “Tivi do một tổ chức từ thiện tặng cho bà con dân bản xem chung từ 2 năm trước. Không có điện lưới nên vẫn cứ phải cất đi cho mới. Tiếc lắm đấy nhưng chả làm gì được!” - Tiệp thở dài nói.

Cũng theo Bí thư Chi bộ Phạm Bá Tiệp, trước đây bà con trong bản dùng dầu thắp sáng, sau chuyển sang bình ắc quy nhưng do bất tiện nên gần đây một số hộ có điều kiện đã lắp tua bin điện nước, nhưng rồi nguồn nước phập phù, không đủ cung cấp cho tua bin vận hành, họ đành quay lại với ánh sáng “truyền thống” - đèn dầu.

“Dùng điện tua bin mùa khô thì cái bóng điện lập lòe đủ thời gian cho ăn bữa cơm, dăm bữa nửa tháng, bóng cháy. Mùa mưa, suối nhiều nước, tua bin quay mạnh, cái quạt điện chạy được số thấp nhất. Nhiều hôm nước chảy xiết, đàn ông trong bản phải ra đắp lại bờ dẫn nước vào tua bin. Có hôm bì bõm cả đêm ở ngoài suối vì điện sáng!”- giọng Tiệp trở nên bi hài.

Tạm gác lại câu chuyện với Bí thư Chi bộ Tiệp, tôi một mình đi sâu vào bản. Ở đây, cái nghèo khó hiển hiện từng ngóc ngách. Vài đứa trẻ xanh xao trong bộ quần áo mỏng ngơ ngác sau bậu cửa, lom lom nhìn khách lạ.

Do không có điện lưới, đời sống sản xuất, phát triển kinh tế của người dân bản Xa Mang cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Vi Văn Luyến - người dân trong bản, cho biết: “Điện chưa về nên nghèo chưa đi. Cũng làm nan nứa, nan vầu, nhưng ở bản bên, nhà có cưa điện mỗi ngày làm đạt công từ 500 đến 600 nghìn đồng, còn dân bản mình làm thủ công bằng cưa tay nên chỉ đạt từ 100 đến 200 nghìn đồng/ngày. Cơ cực lắm!”- cũng như Tiệp, sau câu nói của mình, anh Luyến buông tiếng thờ dài thõng thượt.

Tìm khắp bản Xa Mang, tôi chỉ thấy có 3 hàng tạp hóa. Ngoài các nhu yếu phẩm như: Mì tôm, muối, mì chính, cá khô... thì xăng, dầu vẫn là mặt hàng được bà con tiêu thụ nhiều nhất. Vì có dầu mới có được ánh sáng về đêm, dầu để chạy máy xát gạo, máy nghiền bột cho gia súc, gia cầm…

Câu hỏi chưa có lời đáp!

Mới hơn 3 giờ chiều mà bóng tối đã phủ gần hết khu điểm lẻ Trường Mầm non Sơn Điện 1. Trong bóng chiều chạng vạng, tiếng cô giáo giảng bài, tiếng đám trẻ ê, a đánh vần theo, không có ánh sáng, khiến cả cô và trò như đang chơi trò cút bắt, trốn tìm trong đêm tối.

Điểm trường gồm 2 phòng học được chia cho 3 nhóm lớp theo độ tuổi, với đầy đủ công năng, tiện ích để dạy học mầm non, như điện sáng, quạt mát… nhưng không phát huy được hết, bởi lý do đơn giản là không có điện lưới. Phía bên kia đường là điểm lẻ Trường Tiểu học Sơn Điện 1, bức tường đã cũ, phòng học cũng đã bị bóng tối bao phủ tự lúc nào.

Cô giáo mầm non Trương Hồng Quan - một người có thâm niên cắm bản đã nói như khóc và hỏi tôi rằng: “Những hôm trời mù mây, thiếu ánh sáng, học sinh của cả hai điểm trường đều phải ra sân học bài. Thương các cháu, nhưng chúng tôi cũng chẳng làm được gì hơn. Bao giờ thì ánh sáng của điện lưới quốc gia mới đến được Xa Mang hở anh?”.

Có thể thấy, chưa bao giờ khát khao có điện lưới quốc gia tại Xa Mang lại ám ảnh đến thế. Bà con dân bản đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến các cấp chính quyền, ngành chức năng, nhưng chưa bao giờ có được câu trả lời chính xác.

Cả bản có 3 điểm có sóng điện thoại phập phù.

Đem những tâm tư của người dân Xa Mang đến UBND xã Sơn Điện để tìm hiểu, tôi được ông Lương Văn Chiên - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Hiện nay toàn bản có 33 hộ với 165 nhân khẩu, nhưng tất cả đều là hộ nghèo, mà nguyên nhân chính dẫn đến thảm cảnh ấy ngoài thiếu điện, sóng vô tuyến, sóng điện thoại; bên cạnh dó đất sản xuất của bà con cũng là một nguyên nhân nữa rất đáng nói đến.

Theo ông Chiên, trước đây bà con có đất canh tác bình thường, nhưng đến khoảng năm 2010, khi hoàn thành quy hoạch 3 loại rừng, không hiểu do vô tình hay tắc trách, ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đưa toàn bộ diện tích đất tự nhiên của Xa Mang vào quy hoạch rừng phòng hộ. Đang yên lành thì cả bản thành rừng phòng hộ, nhà phòng hộ, ao phòng hộ, vườn phòng hộ, đường phòng hộ… nên bà con gặp nhiều khó khăn.

Mãi đến năm 2017, sau nhiều lần đề nghị, diện tích này được trả lại cho người dân bản Xa Mang sản xuất, nhưng phải nộp sản lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn như một sự giao khoán.

“Hiện UBND huyện Quan Sơn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi hơn 146ha đất này để giao cho huyện quản lý, làm nguồn sinh kế lâu dài cho bà con Xa Mang. Chúng tôi không mong gì hơn là trong thời gian tới bà con có điện sáng, có đất canh tác hợp pháp, để có thêm động lực chiến thắng đói nghèo và cùng nhau bảo vệ gần 2km đường biên giới qua bản!” - ông Chiên bày tỏ.

Theo UBND huyện Quan Sơn, trên địa bàn huyện còn 3 bản chưa có điện lưới gồm: Xa Mang (Sơn Điện), Khà, Xía Nọi (Sơn Thủy). Để đưa lưới điện đến 3 bản này cần nguồn vốn khoảng 20 tỷ đồng. UBND huyện Quan Sơn đang đề nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư, mang điện sáng về cho bà con nhằm giúp đồng bào giảm nghèo, thoát nghèo, góp phần giữ gìn an ninh, chủ quyền trên tuyến biên giới với nước bạn Lào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mịt mùng Xa Mang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO