'Mở cửa' nhà văn hóa cấp xã cho người dân

Hải Nhi 24/03/2017 16:58

Nhà văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, thường xuyên “đóng cửa” còn tồn tại ở nhiều địa phương, nhiều Trung tâm phát huy hiệu quả trong những năm đầu thành lập, nhưng sau đó không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng...

Đó là thực trạng được Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu tại Hội thảo: Xây dựng mô hình Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do UBTƯ MTTTQ Việt Nam tổ chức ngày 24/3, tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội thảo.

50% nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa “đắp chiếu”

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu thực trạng ở xã, phường, thị trấn hiện nay đang tồn tại nhiều mô hình hoạt động tự quản tại cộng đồng, trong đó ở cấp xã có 2 loại hình đang được duy trì thực hiện nhiều năm nay, đó là mô hình Trung tâm Văn hóa - Thể thao và mô hình Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn.

Các mô hình này là nơi để người dân đến tổ chức các hoạt động như văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức các lớp học nâng cao kiến thức... đã tạo nên sự gắn kết của người dân tại các cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn không ít các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa thôn, Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chưa đúng mục đích, các hoạt động chưa được tổ chức thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao nên chưa thu hút được người dân tham gia.

Tình trạng Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa thường xuyên “đóng cửa” vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, nhiều Trung tâm phát huy hiệu quả trong những năm đầu thành lập, nhưng sau đó không thu hút được người tham gia vì nội dung hoạt động trùng lắp và không đáp ứng được trước sự thay đổi trong nhu cầu học tập của cộng đồng.

Bà Phạm Thị Hòe, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Hội Khuyến học, đến nay, tất cả các xã đều có Trung tâm, có nơi gọi là Trung tâm Văn hóa - Thể thao, có nơi gọi là Trung tâm học tập cộng đồng, có nơi sáp nhập vào Trung tâm Thể thao-văn hóa và học tập cộng đồng. Và có khoảng 11.000 Trung tâm phủ 97% các xã.

Nếu nói về số lượng thì không cần phải bàn, ngoài ra còn câu chuyện mỗi xã còn có 1-2 điểm bưu điện văn hóa xã, chưa kể là các đoàn thể. Nhưng khi chúng ta làm xong rồi thì trên 50% các Trung tâm không phát huy được, gây lãng phí.

Có những Trung tâm “đắp chiếu”, hay lên vùng Tây Nguyên nhiều nhà Rông rất đẹp bị bỏ không.

“Chúng đề nghị Mặt trận phải làm thế nào để có cơ chế phối hợp hoạt động cho các Trung tâm có mặt trên địa bàn xã: Tập trung quản lý ra sao, phát huy hoạt động của Trung tâm ra sao. Người dân cần gì thì mình giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm thứ nấy. Làm sao để dân nhận thức và tham gia với số lượng lớn nhất và hiệu quả nhất” - bà Hòe nhấn mạnh.

Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương có nhiều trung râm, nhà văn hóa hoạt động có hiệu quả. Bà Đỗ Thị Ngọc Hân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, hiện có 95,8% các thôn, làng ở Vĩnh Phúc có nhà văn hóa và nhà văn hóa ở khu dân cư có ý nghĩa tác động lớn trong việc sinh hoạt các khu dân cư, ngày lễ được tổ chức sôi nổi.

Nhưng cũng theo bà Hân, nhà văn hóa ở xã, phường, thị trấn tại Vĩnh Phúc hiện hoạt động chưa hiệu quả và chưa phát huy được tác dụng và công suất mong muốn, thực tế cho thấy, mỗi khu dân cư đều có một nhà văn hóa và nhà văn hóa xã phường chỉ phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn và các cuộc thi.

Mỗi nhà văn hóa xã, phường đều có cán bộ quản lý, khi có nhu cầu sinh hoạt thì cần liên hệ với cán bộ quản lý. Bà Hân đề xuất huy động xã hội hóa và đóng lệ phí cho nhà văn hóa nếu người dân muốn sử dụng như mở lớp học. Hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, liên hoan văn hóa văn nghệ thể thao lớn thì tổ chức ở nhà văn hóa xã.

Nhiều nhà văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng chưa phát huy hết tác dụng. Ảnh minh họa.

Sáp nhập các Trung tâm thành một

Từ thực trạng đó khiến cho hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao và Trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn đang ngày càng trở nên không đáp ứng được với nhu cầu của cộng đồng dân cư do hoạt động thiếu tính ổn định, cơ sở vật chất nghèo nàn, nội dung đơn điệu, chậm đổi mới.

Vì vậy, yêu cầu đổi mới cả về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, mô hình hoạt động, cơ chế vận hành của các thiết chế này là một đòi hỏi thực tế khách quan và ý tưởng xây dựng Trung tâm hoạt động cộng đồng được đưa ra để khắc phục những nhược điểm trên và tận dụng những giá trị tích cực của các thiết chế hiện có, đồng thời đổi mới nội dung, hình thức hoạt động.

Đóng góp ý kiến từ phía cơ sở, ông Vũ Văn Pho, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên cho biết, ở Hưng Yên hiện có rất nhiều Trung tâm như Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm đào tạo nghề, Trung tâm hướng nghiệp… nên đề tài cần bao quát được hết các Trung tâm.

Trung tâm hoạt động cộng đồng là nơi sinh hoạt của dân cư và là tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Hưng Yên hỗ trợ mỗi nhà văn hóa thôn từ 20-50 triệu đồng. Ông Pho cũng nêu hạn chế về cơ sở vật chất hiện rất chật hẹp, xuống cấp và phương tiện thông tin, truyền đạt hình ảnh chưa có và chưa có chủ thể thống nhất giữa nhà văn hóa xã và Trung tâm học tập cộng đồng và chưa xác định được kế hoạch học tập làm sao cho thống nhất.

“Cần sáp nhập Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm văn hóa xã để tái thiết lại Trung tâm hoạt động cộng đồng và cần cụ thể hóa văn bản trên toàn quốc. Phải có chủ thể quản lý và kinh phí để tạo cơ chế quản lý cụ thể”- ông Pho đề xuất.

Đồng tình với những ý kiến kết hợp 2 Trung tâm, ông Lê Xuân Chiển - Trưởng ban Phong trào, Uỷ ban MTTQ Việ Nam thành phố Hà Nội khẳng định, các xã phấn đấu nông thôn mới đều phải có nhà văn hóa. Từ đó thống nhất quản lý ở xã và kết hợp hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng vào nhà văn hóa để thống nhất một đầu mối quản lý ở xã.

Cùng với đó, cần tích cực quan tâm, đầu tư, xây dựng mô hình vì ở Hà Nội, xã phường nhiều nơi chưa có nhà văn hóa cấp xã vì thực tế khu vực nội thành kinh phí đầu tư có nhưng đất không có và ngoại thành ngược lại. Chính vì vậy ở các xã đang tích cực triển khai việc hình thành nhà văn hóa và Trung tâm sinh hoạt cộng đồng theo hướng xã hội hóa.

“MTTQ và các đoàn thể cần tăng cường hơn nữa vì vai trò của MTTQ ở cấp xã hiện khá mờ nhạt vì chủ yếu nhà văn hóa và Trung tâm này hầu hết là cho thuê, bên cạnh đó cũng phải đề cao vai trò quản lý của nhà nước, đại diện Mặt trận có thể làm Phó giám đốc Trung tâm này để tăng cường khả năng phối hợp của MTTQ và các đoàn thể vì nếu Mặt trận đứng ngoài thì việc tham gia này không hiệu quả” - ông Triển nói.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thực tế trong thời gian gần đây, một số tỉnh phía Nam (Tây Ninh, Long An, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Bình Phước...) đã có cách làm sáng tạo bằng việc xây dựng đề án mạnh dạn sáp nhập các thiết chế hiện đã có tại xã, phường là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Trung tâm học tập cộng đồng thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng, đồng thời xây dựng mới quy chế tổ chức hoạt động, đổi mới nội dung phương thức điều hành của mô hình Trung tâm này.

“Cách làm mới, sáng tạo của các địa phương này đã giúp nâng cao rõ rệt hiệu quả hoạt động của Trung tâm, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân ở cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Mở cửa' nhà văn hóa cấp xã cho người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO