Mỏ đá hành dân

Đức Sơn 09/06/2017 09:00

Sau tiếng nổ mìn nhức óc đinh tai, đất đá từ các mỏ đá bay tới tấp, kèm theo cơn bão bụi mù mịt phủ xuống ruộng đồng, làng mạc; kéo theo đó là sức khỏe, tài sản, tính mạng của người dân bị đe dọa; đường giao thông bị băm nát... Đó là thực trạng nhức nhối diễn ra nhiều năm tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn khiến nhân dân vô cùng bức xúc.

Nổ mìn khiến cuộc sống của người dân xung quanh các mỏ đá ở Hữu Lũng bị ảnh hưởng.

Khốn khổ nơi mỏ đá

Mặc dù hơn 30 mỏ đá ở nhiều xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều được cấp phép hoạt động, nhưng với việc các doanh nghiệp khai thác đá không chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và ngành chức năng buông lỏng quản lý, nên các mỏ đá gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Tại xã Đồng Tiến, nơi 6 doanh nghiệp đua nhau khai thác đá khiến người dân địa phương khốn khổ và vô cùng bức xúc. “Mỗi lần các mỏ cho nổ mìn và nghiềnđá thì khói bụi bay khắp làng. Hầu như các nhà gần mỏ đá và gần đường cả ngày phải đóng kín cửa để tránh bụi, nhưng vẫn không ăn thua. Bụi đá vẫn phủ kín trong nhà, khiến cuộc sống người dân trở nên ngộp thở. Đã vậy, tiếng nổ mìn phá đá, tiếng máy chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm, cứ dội thẳng vào nhà dân khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Dân chúng tôi muốn ngủ phải đeo cả khẩu trang nếu không thì chỉ có ngồi ho cả đêm. Dân cư muốn chuyển đi nơi khác lắm, nhưng không có tiền, đành phải cắn răng chịu khổ thôi”- bà Lan, trú tại thôn Lân Luông, xã Đồng Tiến bức xúc cho biết.

Tại khu vực gần các mỏ đá ở xã Đồng Tiến, các ngôi nhà mái ngói đều nhuốm màu xám bạc bởi lớp bụi đá dày đặc. Đã vậy, theo người dân phản ánh, nhiều hộ dân sinh sống gần các mỏ đá do bị ảnh hưởng rung chấn của việc nổ mìn phá đá nên nhiều nhà có hiện tượng rạn nứt. Trao đổi về vấn đề trên, ông Đàm Văn Học- Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến xác nhận, các mỏ đá hoạt động khai thác đá gây ra tiếng ồn, khói bụi và rung chấn có ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Về khói bụi do công nghệ khai thác chế biến cũ, chắp vá.

Có doanh nghiệp tận dụng dàn máy thậm chí người ta đã bỏ đi. Mặt khác, các doanh nghiệp khai thác đá lại hay đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, họ lách được bao nhiêu hay bấy nhiêu. “Cách đây 2 năm, huyện đã tổ chức cuộc làm việc với doanh nghiệp riêng về khai thác đá. Các doanh nghiệp ký cam kết bán hàng đúng tải trọng xe. Nhưng các doanh nghiệp chỉ thực hiện thời gian đầu thôi, sau đó lại tái diễn. Xã cũng chỉ biết nhắc nhở các doanh nghiệp chấp hành”- ông Học thở dài.

Tiếp tục tới xã Minh Tiến, xã Đồng Tân, xã Yên Vượng… nơi tập trung nhiều mỏ đá hoạt động, chúng tôi nhận thấy người dân xung quanh các mỏ đá cũng bức xúc không kém. Ngoài việc gây rung chấn, khói bụi, nứt nhà dân, hoạt động khai thác đá cũng tàn phá đường giao thông. Người dân các địa phương này đã nhiều lần kiến nghị doanh nghiệp khai thác các mỏ đá và các cấp chính quyền địa phương nhưng tình hình không được cải thiện.

Xe tải chở đá chạy rầm rập suốt ngày đêm khiến Tỉnh lộ 242 ở huyện Hữu Lũng bị băm nát.

Tỉnh lộ biến thành “ao lộ”

Năm 2008, tỉnh Lạng Sơn đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cải tạo tuyến Tỉnh lộ 242 chạy qua địa bàn các xã Minh Tiến, Nhật Tiến, Vân Nham và Đồng Tiến thuộc huyện Hữu Lũng. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, tuyến đường này nhanh chóng bị “băm nát”, dọc đường chi chít ổ voi, ổ trâu do các xe tải chở đá từ các mỏ đá quần thảo suốt ngày đêm.

Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ tuyến đường dài hơn 10 km đã xuống cấp trầm trọng, khiến việc giao thông của người dân đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Ngày nắng thì toàn bộ tuyến đường bụi mù mịt, còn ngày mưa trên đường xuất hiện các hố bùn lầy lội, trơn trượt. Quá bức xúc, người dân liên tục kiến nghị các ngành chức năng địa phương nhưng không được giải quyết triệt để. Mới đây, người dân các xã Nhật Tiến và Minh Tiến đã hò nhau chặn xe ô tô chở đá của Công ty TNHH An Sơn để phản đối.

“Cả ngày lẫn đêm, quanh năm suốt tháng, mỗi ngày có cả trăm lượt xe có trọng tải lớn 70-80 tấn rầm rập, nối đuôi nhau, quần nát đường tỉnh lộ. Mỗi khi xe chở đá chạy qua, bụi bay mù mịt, đá bay rơi cả vào nhà dân. Đã có rất nhiều vụ tai nạn chết người do các xe chở đá gây ra. Người dân kêu cứu mãi nhưng không thấy bất cứ lực lượng nào kiểm tra, xử lý… chỉ thấy đường giao thông ngày càng hư hỏng nặng”- ông Hoàng, một người dân sống sát Tỉnh lộ 242 bức xúc cho biết.

Nói về vấn đề đường xuống cấp, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến khẳng định, hầu hết các xe chở đá đều quá tải. Người dân quá bức xúc đến mức không chịu đựng được dẫn đến có hành động cực đoan. Thẩm quyền xã có hạn không thể ra đường ngăn xe, kiểm tra xe được. “Đường xuống cấp nên đi họp là một cực hình đối với anh em cán bộ chúng tôi. Đi ra chỉ cần gặp vài xe tải lớn thôi là quần áo bẩn nhơ nhớp hết. Cán bộ đi họp mà trông như nông dân mới từ ruộng cày lên”- ông Học nói.

Tương tự, tại tuyến Tỉnh lộ 243 nối từ Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn các xã Yên Vượng, Yên Thịnh, cũng vẫn tình trạng xe tải chở đá đua nhau “bức tử” đường giao thông. Theo khảo sát, hàng ngày trên tuyến đường này có hàng trăm lượt xe tải chở đá làm mặt đường bị bong tróc nham nhở.

Người dân đã kiến nghị, thậm chí nhiều lần tổ chức ra đường chặn xe để phản đối nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. “Nhiều người sống hai bên đường mất ăn mất ngủ. Trong những lần họp tiếp xúc cử tri tại địa phương, tôi và nhân dân đều phản ánh về vấn đề này nhưng chờ mãi mà không có ý kiến trả lời nào” - bà Nga là người dân xã Yên Vượng bày tỏ.

Để kết lại bài viết, xin mượn lời của ông Lê Văn Lãng- Trưởng đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng nói về sự xuống cấp của hai tuyến đường này: “Đường tỉnh lộ 242 và 243 nối từ thị trấn Hữu Lũng và sang thị trấn Bố Hạ (Bắc Giang) đặc biệt xuống cấp (nhiều chỗ sâu từ 30 cm đến 70 cm), trời nắng thì đặc biệt bụi, trời mưa thì lầy lội ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân hai bên đường và việc di chuyển hàng ngày của người dân. Đoàn Thanh tra đã đi nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng chưa thấy có tuyến tỉnh lộ nào xuống cấp như hai tuyến đường này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỏ đá hành dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO