Mở đường kết nối cung cầu cho nông - thuỷ sản

Nguyên Bảo 14/09/2021 12:23

Ngày 14/9, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM". Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì buổi tọa đàm.

Lưu thông nông sản đang gặp khó

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam điều đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên đội ngũ công nhân rất hạn chế, phương tiện lưu thông hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn; việc áp dụng phương án “3 tại chỗ”, “ một cung đường 2 điểm đến” cũng đang gặp nhiều khó khăn do nếp sống, thói quen sinh hoạt của đội ngũ lao động, khiến cho chi phí áp dụng 2 phương án này liên tục tăng.

Tọa đàm trực tuyến "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL.

Ông Hồng cho rằng cần nhanh chóng lập các phương án hỗ trợ sản xuất để hỗ trợ, chỉ đạo ngành công thương kết nối với các chuỗi cung – cầu để tiêu thụ các mặt hàng nông sản; để giải quyết hàng hóa còn tồn đọng: xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia “một cung đường nhiều điểm đến” ở “vùng xanh” để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Ông Lê Tấn Cận, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, để tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông thủy sản, tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành vận dụng mọi nguồn lực cho phép để hỗ trợ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Cụ thể tỉnh đã tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, công ty, doanh nghiệp lưu thông cung cấp giống, thức ăn đầu vào phục vụ sản xuất; máy móc phục vụ thu hoạch và vận chuyển, tiêu thụ nông sản để đảm bảo cung ứng lượng thực thực phẩm cho người dân…

Nông sản của vùng ĐBSCL đang rất cần được kết nố tiêu thụ.

Tuy nhiên, Lê Tấn Cận cho rằng, hiện nay trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, khó lường, việc sản xuất, chế biến, xuất, nhập khẩu lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều rủi ro. Việc tiêu thụ nông thủy sản ở mức thấp trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn tăng cao khiến người dân đối mặt với nhiều khó khăn. Tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng phương án trong sản xuất, kinh doanh tránh ứ đọng hàng hóa cục bộ, hỗ trợ doanh nghiệp các phương án duy trì sản xuất, chuẩn bị các điều kiện phục hồi sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trong nội tỉnh.

Ông Lê Tấn Cận cũng kiến nghị Bộ ngành tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm phí lưu kho, lưu bãi hàng hóa cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng; hỗ trợ vốn vay ưu đãi lãi xuất thấp cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo…

Đại diện Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp cho hay, để sớm khôi phục sản xuất thành lập chuỗi liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực cần có hướng dẫn đồng nhất giữa các tỉnh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong công tác thu mua, vận chuyển hàng hóa.

Bộ NN&PTNT nên có văn bản hướng dẫn cụ thể để tạo sự thông thoáng trong vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Đối với doanh nghiệp thủy sản, cần có định hướng dịch tể của ngành Y tế để căn cứ vào đó áp dụng việc tái sản xuất; cần phải nhìn nhận và đánh giá thực chất những khó khăn, thiệt hại của doanh nghiệp và người dân do dịch bệnh để có hướng hỗ trợ kịp thời, vực dậy, khôi phục sản xuất.

Đại diện UBND tỉnh Long An cho biết, việc đóng cửa các chợ đầu mối và các chợ truyền thống khiến nông sản bị ùn ứ, lưu thông đình trệ. Gần 90% các cơ sở giết mổ tập trung bị ảnh và phải ngừng hoạt động do không có đầu ra. Cần thống nhất nội dung chỉ đạo trong nội tỉnh và cả các tỉnh, thành lân cận; phải chủ động điều phối tình hình sản xuất tránh tình trạng sản xuất tập trung từ đó dẫn đến cung vượt cầu..

Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Tổ chức kết nối với các tỉnh, thành, các chuỗi tiêu thụ nông sản để mở rộng thị trường. Kiến nghị Bộ NN&PTNT, phối hợp với Bộ Công thương đàm phán với các thị trường trong khu vực và thế giới để khai thông bế tắc, tìm đầu ra ổn định lâu dài; kiến nghị Bộ Giao thông, quan tâm, đầu tư hạ tầng thiết yếu để khâu vận chuyển hàng hóa được thông suốt.

Cùng nhau kiến tạo phát triển hậu đại dịch

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Để tối thiểu hoá các rủi ro, thiệt hại do tình hình dịch bệnh gây ra, các địa phương cần nhìn nhận khu vực ĐBSCL phải là một thực thể không nên tư duy theo địa giới hành chính mà cần phải liên kết vùng liền mạch, không nên rập khuôn, cứng nhắc, cần có sự liên kết vùng mạnh hơn. Các tỉnh cần phối hợp, lắng nghe doanh nghiệp hiệp hội ngành hàng bàn bạc để đưa ra giải pháp trong tiêu thu nông thủy sản cùng kiến tạo một không gian phát triển sớm vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid -19 để cùng nhau kiến tạo sự phát triển hậu đại dịch.

Hệ thống siêu thị cũng là kênh tiêu thụ hiệu quả cho nguồn nông sản của vùng ĐBSCL.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh đã và đang đẩy mạnh đàm phán để tìm đầu ra cho nông sản. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, thấu cảm để cùng nhau chia sẻ, cùng nhau gỡ rối ngồi chung một xuồng để giữ cân bằng cho chiếc xuồng đó cân bằng, tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông thủy sản.

Tại buổi toạ đàm còn ghi nhận, các ý kiến chuyên gia cho rằng để giải quyết đầu ra cho nông sản ĐBSCL, các tỉnh, thành cùng TP HCM cần tạo khung hành chính như: giao thông thuận lợi, các giải pháp về thuế…cho doanh nghiệp thuận lợi vận hành. Các Bộ ngành liên quan nên có hệ thống phần mềm cập nhật liên tục những thông tin tình hình sản xuất ở các vùng, địa phương cũng như nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp lớn phải chủ động tìm kiếm thị trường hoặc ký hợp đồng cung ứng sản phẩm đối với các đối tác nước ngoài. Chính quyền địa phương cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách tập hợp các HTX cung ứng các sản phẩm đã có hoặc liên kết với DN để tạo vùng nguyên liệu đủ lớn phục vụ cho chế biến xuất khẩu..

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở đường kết nối cung cầu cho nông - thuỷ sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO