Mở hướng đi cho múa dân tộc

Phương Lan 16/03/2021 06:30

Trong bối cảnh xã hội đương đại với sự giao lưu, tiếp biến về văn hóa, múa dân tộc cũng được giao lưu và phát triển phù hợp với thẩm mỹ đương đại. Tuy nhiên, chính sự tiếp biến mà múa dân tộc đang dần mất đi hồn cốt, bản sắc văn hóa truyền thống.

Tác phẩm Nấm báo mưa.

Nguy cơ biến tướng

Trong năm qua, không thể phủ nhận thông qua các kỳ thi, liên hoan, hội diễn, múa dân tộc đã có sự xuất hiện nhiều hơn, song so với các loại hình múa khác thì tần suất xuất hiện của loại hình múa này vẫn còn quá ít. Một cuộc thi lớn cũng chỉ có vài ba tiết mục múa mang đúng chuẩn hồn cốt dân tộc, khiến cho khán giả chưa đã “cơn thèm”.

Bên cạnh đó, một số biên đạo lạm dụng quá nhiều các phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ hiệu ứng, còn chất liệu ngôn ngữ lại bị hạn chế. Một số khác lại sử dụng ngôn ngữ múa một cách pha trộn. Lẽ ra chỉ học hỏi về thủ pháp thôi thì một số biên đạo lại cẩu thả “copy” cả ngôn ngữ một cách vụng về.

Rồi đôi khi trong các sự kiện, múa nói chung và múa dân tộc nói riêng lại chỉ là thành phần phụ họa cho chương trình với các động tác bê đỡ, hoặc múa với hát không ăn nhập gì với nhau. Như vậy có thể nói, múa dân tộc vẫn chưa có được vị trí xứng đáng cho mình.

Bên cạnh đó, điều khiến khán giả yêu múa dân tộc cảm thấy “bức bối” nhất đó là khi biên đạo nhầm lẫn múa của dân tộc này với dân tộc khác, âm nhạc hay trang phục của dân tộc này với dân tộc khác rồi “chắp vá” một cách tùy tiện, đôi khi ngượng ngập khiến cho chương trình chỉ hoành tráng ở màu sắc bề ngoài.

Nếu những trường hợp này xảy ra thường xuyên mà không được các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên gia về nghệ thuật múa phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, dần dà sẽ khiến múa dân tộc bị biến tướng và mất dần nét đặc trưng của dân tộc đó.

Lỗ hổng lớn hơn, đáng đau xót hơn nữa là những bộ quần áo dân tộc “bỗng dưng” bị “thiếu vải”, các điệu múa dân tộc bỗng bị lai căng, phảng phất nét nhảy của sexy dance, hiphop, breakdance… Múa chỉ để khoe cơ thể, khoe trang phục, không có kỹ thuật; rồi múa đông người thì chỉ thấy đi ra, đi vào hoặc mạnh ai nấy múa… Nếu như múa của dân tộc Thái có nét mềm mại, đằm thắm; múa Khơ Me mang nét vui nhộn, hài hướ

c; múa dân tộc Kinh duyên dáng, tinh tế; múa dân tộc Chăm mềm mại, sâu lắng; múa của các dân tộc vùng Tây Nguyên sôi động, khỏe khoắn, hoang dã…thì do không hiểu biết nên một số biên đạo “vô tình” khiến múa của các dân tộc bị “mix” lại với nhau, trộn lẫn, rồi biến tướng, không mang được nét đặc trưng, đôi khi cứ có nét hao hao nhau khiến khán giả khó phân biệt.

Tiết mục Đi cày trên nương.

Chắt chiu từ nguồn cội

Xã hội ngày càng phát triển, các sân chơi nghệ thuật ngày càng nở rộ với nhiều loại hình mới lạ, đây là cơ hội không nhỏ cho nghệ thuật múa thể hiện mình. Nhìn ở bề nổi, có vẻ như nghệ thuật múa đang thăng hoa, phát triển rầm rộ, thế nhưng các tác phẩm độc lập hoặc đỉnh cao như thơ múa, kịch múa…lại khá khiêm tốn.

Khách quan mà nói, một vài năm gần đây, trong các kỳ liên hoan, hội diễn đã có nhiều biên đạo trẻ khai thác đề tài múa dân tộc. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của thế hệ trẻ tới các giá trị truyền thống của dân tộc. Chỉ mong sao các đơn vị chức năng, các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp có sự đồng hành với các biên đạo để họ có hướng đi đúng và không có những “nhầm lẫn”, những sự cẩu thả đến đáng tiếc.

Tác phẩm múa dân tộc dù tiếp thu thủ pháp từ múa đương đại để mang hơi thở mới, sức sống mới, tạo sự gần gũi với khán giả, song vẫn phải giữ được tính dân tộc trong đó. Tính dân tộc ở đây không phải chỉ là hình thức dân tộc (trang phục, âm nhạc, đạo cụ…), mà phải có nội dung dân tộc (bản sắc, khí phách, tâm hồn dân tộc).

Nội dung dân tộc ấy được thể hiện qua phong tục, tập quán, qua ngôn ngữ nghệ thuật… đủ để khán giả nhận biết dân tộc này với dân tộc khác. Suy cho cùng bản chất của một tác phẩm múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bao giờ cũng gồm ba yếu tố cơ bản: Nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật của tác phẩm và tính cội nguồn truyền thống. Ba yếu tố này tác động tới nhau sẽ tạo ra những sáng tạo mới mang một bộ mặt, tâm hồn dân tộc trong thời đại mới.

Dẫu thế nào múa dân tộc vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với khán giả yêu múa. Ngay trong các chương trình đối ngoại, các show biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách quốc tế thì các loại hình nghệ thuật dân tộc vẫn gây được sự tò mò, thích thú với khán giả hơn cả. Họ muốn tìm hiểu về cội nguồn, bản sắc văn hóa của quốc gia mà họ có cơ hội đặt chân tới, đó là nhu cầu chính đáng. Chúng ta làm nghệ thuật là để phục vụ khán giả, vậy thì phải xuất phát từ chính nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của khán giả.

Cần lắm những đợt bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, những trại sáng tác, những đợt thâm nhập thực tế… cho các biên đạo, các nghệ sĩ, đặc biệt là tạo điều kiện cho nghệ sĩ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các nghệ sĩ địa phương, vùng miền trên cả nước có cơ hội tham gia trải nghiệm, nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn để hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử các dân tộc.

Một khi ở đâu đó vẫn chưa coi văn học, nghệ thuật là cốt lõi, là lĩnh vực tinh tế của văn hóa, góp phần tạo nên nền tảng tinh thần của nhân dân, cội nguồn sức mạnh của dân tộc, thì ở đó vẫn còn những trở ngại, hạn chế cho quá trình phát triển của văn học, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở hướng đi cho múa dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO