Mở một hướng đi

Nam Việt 24/07/2020 14:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại trực tiếp với nông dân, đây là sự kiện rất được trông đợi, không chỉ với bà con nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản mà còn là cả nước.

Mùa cà phê ở Tây Nguyên.

Theo kế hoạch, tháng 8 này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại trực tiếp với nông dân. Đây là sự kiện rất được trông đợi, không chỉ với bà con nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản mà còn là cả nước. Vì rằng thực tế cho thấy nông nghiệp nước ta trước nay vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. An ninh lương thực, an ninh nông nghiệp chính là nền móng cho sự phát triển, bứt phá của những lĩnh vực khác, ngành nghề khác.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì. Hội nghị lần đầu được tổ chức vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương, với sự tham dự của 800 đại biểu, nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc; khơi dòng động lực; tiếp đà 30 năm đổi mới”. Hội nghị đối thoại lần thứ hai diễn ra vào tháng 12/2019 tại thành phố Cần Thơ với sự tham dự của 600 đại biểu, nông dân; với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.

Được biết, đầu tháng 8 tới, sự kiện Thủ tướng trực tiếp đối thoại với nông dân lần thứ ba sẽ diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Chủ đề của đối thoại lần này là “Miền Trung - Tây Nguyên: Vượt thách thức, tăng trưởng giá trị nông sản, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Theo Ban Tổ chức, ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo về việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 (ngày 24/6/2020), Ban Tổ chức đã mở các kênh tiếp nhận để bạn đọc, bà con nông dân gửi câu hỏi tới Thủ tướng. Tính đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được hơn 1.500 câu hỏi khác nhau.

Sự “dồi dào” của các câu hỏi cho thấy bà con trông chờ cuộc đối thoại với Thủ tướng như thế nào.

Nhiều năm qua, nông nghiệp Việt Nam xứng đáng được ngợi ca khi mà bất chấp biến đổi khí hậu, sự cực đoan của thời tiết và cả sự thiệt thòi (rõ nhất là trong lĩnh vực đầu tư) thì từ trồng trọt cho đến chăn nuôi đều có những thành tựu. Về trồng trọt, lĩnh vực chịu tác động lớn từ tự nhiên thì cũng rất khả quan. Từ đầu năm tới nay, đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đình trệ, nhưng “lúa vẫn vượt lên tươi tốt”.

Vụ vừa qua, cho dù khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt thì nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phấn khởi vì được mùa được giá. Ở miền Trung, nông dân tỉnh Phú Yên cũng nở nụ cười khi mà cánh đồng lúa Tuy Hòa trĩu bông. Trong đại dịch, phải bảo đảm an ninh lương thực, nhưng chúng ta vẫn có dư dể xuất khẩu.

Cũng ở lĩnh vực trồng trọt, tới nay trái cây của Việt Nam đã tạo được thương hiệu với thế giới, đó là nhãn lồng, vải thiều, thanh long, dưa hấu, xoài… Các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu… cũng làm đẹp cho nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng với chăn nuôi, từ đầu năm tới nay và sẽ còn kéo dài thêm, chúng ta gặp khó khăn. Dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn suy giảm, giá thịt lợn lên cao chót vót; buộc phải nhập khẩu thịt lợn cũng như con giống. Dịch dã thì phải chịu, nhưng cũng không thể vì thế mà đổ thừa, tránh trách nhiệm. Phải nhận thấy rằng ở đây chúng ta đã thiếu chủ động, nhận định không sát tình hình, chủ quan. Ví dụ, với việc các doanh nghiệp lớn từng vài ba lần cam kết kéo giá thịt lợn xuống, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Và rồi họ cũng… không bị làm sao. Vậy thì, vai trò của doanh nghiệp lớn là can thiệp để điều tiết thị trường ở đâu?

Trở lại với Hội nghị đối thoại trực tiếp của Thủ tướng với nông dân tới đây, chắc chắn có nhiều việc được bà con nêu lên, được Thủ tướng giải quyết. Tất cả đều vì một nền nông nghiệp Việt Nam tiên tiến, phát triển bền vững. Bà con nông dân miền Trung - Tây Nguyên chắc chắn sẽ được cởi mở tấm lòng. Từ đó, bà con nông dân cả nước cũng sẽ rút ra được nhiều vấn đề quý giá cho mình.

Miền Trung - Tây Nguyên nói là lợi thế thì lợi thế, nhưng đây cũng là vùng đất chịu nhiều thiệt thòi, trong chiến tranh cũng như cho tới bây giờ. Nơi đây số hộ nghèo vẫn cao, chủ yếu là nông dân. Từ nghèo mà ảnh hưởng tới nhiều mặt của cuộc sống, trong đó có việc học tập của thế hệ nối tiếp.

Những huyện miền núi cao của miền Trung; những buôn làng vùng sâu Tây Nguyên còn thiệt thòi nhiều lắm, trẻ phải nghỉ học giữa chừng nhiều lắm. Đã đến lúc khu vực này cần một chiến lược được đầu tư mạnh mẽ, cần mở một hướng đi để bước những bước vững chắc vào tương lai, không thể mãi tụt hậu.

…Mong sao mùa đến, nông dân Quảng Nam không còn phải xót xa nhìn những trái dưa chín nẫu ngoài ruộng; người trồng mía Quảng Ngãi không phải để mặc những cánh đồng mía trổ cờ vì không có người mua. Và, người nông dân Tây Nguyên không còn phải chặt bỏ những vườn cà phê, hồ tiêu như đang chặt hạ tương lai của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở một hướng đi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO