Mở rồi lại đóng cửa trường: Làm thế nào ổn định tâm lý cho học sinh?

Nguyễn Hoài 14/11/2021 09:41

Dạy học trực tuyến kéo dài như dạy trực tiếp đang khiến cho học sinh căng thẳng, ảnh hưởng tâm lý và chất lượng học tập. Nhiều em có dấu hiệu chán nản sau thời gian dài học trực tuyến.

Sau thời gian dạy học trực trực tuyến, phương thức dạy học này đang bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh. Dạy học trực tuyến kéo dài như dạy trực tiếp khiến học sinh căng thẳng, ảnh hưởng tâm lý và chất lượng học tập.


Mở cửa rồi lại đóng cửa

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, đến thời điểm này, nhiều địa phương đã phải điều chỉnh phương án dạy học cho học sinh, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.

Theo kế hoạch, học sinh TP Quy Nhơn (Bình Định) sẽ trở lại trường từ ngày 15/11. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Quy Nhơn hiện diễn biến phức tạp, UBND thành phố đã có quyết định tiếp tục tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và an toàn cho học sinh.

Cụ thể, các trường tiểu học, THCS tiếp tục tổ chức hoạt động dạy và học theo hình thức trực tuyến, hoặc cho bài tập. Các trường mầm non, mẫu giáo và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục tiếp tục cho các cháu nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Huyện Ba Vì là địa phương duy nhất của Hà Nội cho học sinh lớp 9 đến trường học trực tiếp.

Từ ngày 8/11, huyện Ba Vì là địa phương duy nhất được TP Hà Nội cho phép đón học sinh lớp 9 trở lại trường học. Tuy nhiên, do có công dân đến tham gia hát tại quán 3 karaoke là Diamon, Royal và Ngọc Lan từ ngày 6 đến 9/11, trong khi một nhân viên phục vụ của quán này được xác định mắc Covid-19, huyện Ba Vì đã yêu cầu khối học sinh lớp 9 của xã Đồng Thái và xã Vạn Thắng tạm dừng đến trường.

Đến thời điểm này, học sinh Hà Nội vẫn tiếp tục học trực tuyến kéo dài. Toàn thành phố có gần 3.000 trường học với khoảng 2,1 triệu học sinh nhưng đến nay đều chưa được tiêm vaccine. Việc đưa tất cả trường học trở lại đồng loạt trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng mỗi ngày vẫn tăng như hiện nay là rất rủi ro.

Vì vậy, theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, Thành ủy, UBND thành phố đã thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học. Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống GDĐT nhưng cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em.

Tại tỉnh Thái Bình, từ 12/11, tỉnh Thái Bình đã cho toàn bộ học sinh huyện Vũ Thư tạm dừng đến trường sau khi ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 là học sinh. Trước đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã dành một ngày để phối hợp với các địa phương truy vết, sau đó chuyển sang học trực tuyến.

Còn tại Hải Dương, ngay sau khi ghi nhận một ca mắc Covid-19 là học sinh lớp 9, Hải Dương đã cho học sinh 300 trường học tạm dừng việc dạy học trực tiếp, cho học sinh chuyển sang học trực tuyến.

Trước đó, quận Kiến An, TP Hải Phòng cũng đã cho hàng nghìn học sinh các cấp tạm dừng đến trường vì xuất hiện 2 học sinh là F0, liên quan ca bệnh từ Gia Lai trở về.

Lo lắng sức khỏe học sinh

Dạy học trực tuyến kéo dài như dạy trực tiếp đang khiến cho học sinh căng thẳng, ảnh hưởng tâm lý và chất lượng học tập. Nhiều em có dấu hiệu chán nản sau thời gian dài học trực tuyến.

Chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội) cảm thấy rất lo lắng về kết quả học tập của con sau nửa học kỳ I của năm học mới. Chị Phương cho biết: “Từ khi lên lớp 6, con tôi học sa sút hẳn. Năm đầu tiên học chương trình mới lại phải học bằng hình thức trực tuyến nên con tiếp thu kiến thức bị hạn chế, thị lực cũng giảm đi trông thấy. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi rất lo”.

Học trực tuyến kéo dài, nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý các học sinh trong thời gian không thể đến trường. PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, ở nhà quá lâu vì dịch, trẻ từ 3 đến 6 tuổi tiếp cận thiết bị điện tử nhiều dễ dẫn đến các hành vi thái quá; trẻ 6 đến 12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng dễ có cảm xúc tiêu cực. Học sinh có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe sau khi quay lại trường do phải đối diện quãng thời gian dài mắc kẹt trong không gian chật chội, bạo lực gia đình...

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi đến trường, có thể học sinh sẽ có những dấu hiệu như dễ khóc, dễ thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi. Vì vậy, trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường, thiết lập lại lịch ăn, ngủ phù hợp. Đồng thời, cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường để con sẵn sàng tâm lý chuyển từ trạng thái học trực tuyến sang học trực tiếp.

Cảnh báo khủng hoảng tâm lý học đường vì Covid-19 là vấn đề được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra. Mới đây, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2021, nhiều đại biểu cho biết, rất lo lắng về chất lượng dạy học trực tuyến cũng như sức khỏe của học sinh khi phải học trực tuyến trong thời gian dài.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn trong triển khai dạy học trực tuyến, bởi với quy mô, tính chất triển khai hình thức này trong 2 năm qua là chưa có tiền lệ. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ GDĐT đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, qua dịch bệnh cũng cho thấy nhiều việc cần phải làm tốt hơn.

Về lâu dài, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, chuyển đổi số sẽ là một trong những đột phá chiến lược của ngành. Trong đó, rất cần những giải pháp tổng thể để hình thành nền tảng đồng bộ đủ lớn, bền vững mang tính quốc gia. Ngay sau dịch bệnh, Bộ GDĐT sẽ có đánh giá sâu hơn, pháp chế hóa một số văn bản mang tính chất tạm thời. Đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng kho học liệu đủ lớn để việc dạy học trực tuyến đảm bảo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm tới nguồn lực con người cho chuyển đổi số trong GDĐT.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện 105/134 quốc gia mở cửa trường học, thích nghi với dịch COVID-19. Do đó, các địa phương ở nước ta cần linh hoạt trong việc quyết định cho học sinh trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến từng đơn vị cấp xã.

Học sinh đi học trở lại, nếu trường học xuất hiện F0, thì cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này. Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, thì chỉ nên phong tỏa lớp học, tầng học, tòa nhà có F0. Sau 24h khử khuẩn, vệ sinh lớp học, tầng học, tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rồi lại đóng cửa trường: Làm thế nào ổn định tâm lý cho học sinh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO