Mở rộng phương án thi đánh giá năng lực: Có làm khó thí sinh?

Nguyễn Hoài 11/01/2022 14:10

Năm nay, các trường đại học lớn giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, chủ yếu tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực. Sự thay đổi này liệu có làm khó cho học sinh lớp 12 trong điều kiện học trực tuyến kéo dài?

Khác với các mùa tuyển sinh trước, mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực, cùng với đó đưa ra nhiều phương thức xét tuyển để tạo cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, việc vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, vừa ôn thi bài thi riêng của các trường đại học khiến nhiều học sinh lo lắng.

Sức nóng của thi đánh giá năng lực

Để bảm đảm về chất lượng, số lượng và công bằng trong tuyển sinh, Bộ GDĐT đã khuyến cáo các trường đại học nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để sàng lọc, sơ tuyển; đồng thời, có những hình thức xét tuyển mang tính phân loại thí sinh cao hơn.

Theo khuyến cáo trên, năm nay, phương án tuyển sinh của nhiều trường top trên giảm mạnh tỷ lệ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh dự bài kiểm tra tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2020.

Năm nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến chỉ tuyển từ 10 đến 15% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Còn lại, trường sẽ xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường. Trong đó dành nhiều chỉ tiêu cho thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 100 điểm trở lên hoặc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt từ 800 điểm trở lên.

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng tăng chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lên 40-60% tổng chỉ tiêu của trường. Ngược lại, phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 30-60% chỉ tiêu.

Phương án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về cơ bản vẫn giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như các năm 2020, 2021. Nhà trường dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 7.500 thí sinh. Trong đó, trường dành khoảng 20-30% số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, 60-70% chỉ tiêu xét tuyển dưa vào kết quả thi đánh giá tư duy và chỉ còn khoảng 10-20% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đã có gần 50 trường đại học quyết định sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển đại học.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 16 đợt thi đánh giá năng lực năm 2022, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8. Tuy nhiên, ông lưu ý thí sinh không nên đăng ký thi nhiều lần gần nhau. Nghiên cứu về đo lường của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, một học sinh dự thi nhiều lần gần nhau, kết quả không thay đổi nhiều do thiết kế bài thi đánh giá năng lực khác với bài thi kiểm tra kiến thức thông thường, không chỉ kiểm tra kiến thức thuần túy mà kiểm tra nhiều năng lực khác nhau.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực khiến học sinh lớp 12 lo lắng, thay đổi phương án ôn tập.

Em Nguyễn Gia Huy, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Em cảm thất rất lo lắng cho kỳ tuyển sinh sắp tới. Năm nay học trực tuyến kéo dài, chất lượng học bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi, các trường lại giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Em sợ rằng điểm chuẩn các trường sẽ tăng, tỉ lệ chọi sẽ càng cao hơn. Chúng em cũng phải chuẩn bị phương án ôn tập cho kỳ thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mong muốn”.

Thí sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trước một số thay đổi trong phương án tuyển sinh của các trường đại học năm 2022, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, trường phải xây dựng phương án dạy học phù hợp. Trường thường xuyên định hướng và tư vấn cho học sinh khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các em cần lựa chọn thêm một số phương thức khác như học bạ, chứng chỉ quốc tế, bài thi riêng để tăng cơ hội đỗ. Đồng thời, trường thường xuyên cập nhật thông tin đề án tuyển sinh của các trường để kịp thời có sự điều chỉnh trong phương pháp ôn tập.

Để không làm khó học sinh, bà Quỳnh nêu quan điểm, Bộ GDĐT nên có hướng dẫn, định hướng chung cho các trường đại học, cao đẳng khi thiết kế nội dung đề thi đánh giá năng lực hoặc bài thi riêng gồm bao nhiêu phần trăm kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông và kiến thức đặc thù của ngành. Làm như vậy sẽ thuận lợi cho học sinh hơn trong quá trình ôn tập.

Bà Quỳnh cũng mong muốn, các trường đại học tổ chức các bài thi riêng, phương thức tuyển sinh kết hợp sớm đưa ra hướng dẫn tỉ mỉ hơn để thí sinh, giáo viên và phụ huynh nắm rõ, tránh tình trạng mơ hồ, đăng ký bừa để sau này bị trượt oan.

Lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022, nhiều học sinh chọn cách tham gia nhiều cuộc thi thử của trường cũng như các trung tâm luyện thi online trong giai đoạn học trực tuyến phòng Covid-19. Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng, việc tham dự một vài cuộc thi thử sau khi đã hoàn thành chương trình và ôn tập đầy đủ có thể giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài thi... nhưng không nên lạm dụng thi thử trong giai đoạn ôn tập.

Điều quan trọng nhất là học sinh cần phải chủ động trong việc hệ thống hóa kiến thức và luyện tập các kỹ năng khai thác, vận dụng kiến thức theo hệ thống câu hỏi, các dạng bài tập theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; qua đó nắm vững kiến thức một cách có hệ thống và làm chủ kiến thức để khai thác, sử dụng trong các tình huống khác nhau của đề kiểm tra, đánh giá, thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng phương án thi đánh giá năng lực: Có làm khó thí sinh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO