Mốc son trong lịch sử y văn

Cẩm Thúy 17/07/2020 08:00

GS.BS Trần Đông A đã gọi ca mổ tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi ngày 15/7/2020 là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam.

Còn TS.BS Trương Quang Định - trưởng kíp mổ của ca mổ lịch sử lần này, gọi đó là việc làm nốt sự dang dở của tạo hóa: “Các bác sĩ xin phép đấng Tạo hóa để khai sinh ra hai con một lần nữa với hình hài nguyên vẹn, trả lại cho hai con một cuộc đời lành lặn như bao đứa trẻ khác”.

Ca mổ ca mổ tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi là một kỳ tích y học.

Năm 1988, lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, ca mổ tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức đã thành công. Khi ấy, Giáo sư Trần Đông A là trưởng kíp phẫu thuật. 32 năm sau, ông tham gia vào sự kiện này với vai trò cố vấn. Từ ca mổ tách song sinh dính liền đầu tiên năm 1988 đến ca mổ lần này là chặng đường dài mà y học Việt Nam không ngừng viết lên những mốc son, viết lên những cổ tích...

Phải nhớ rằng ca mổ tách song sinh dính liền đầu tiên năm 1988 được thực hiện trong điều kiện đất nước vẫn đang còn bị cấm vận, gian khó trăm bề. Theo lời kể của Giáo sư Trần Đông A thì đến chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng da... đều thiếu. Thế mà chúng ta đã thực hiện thành công một ca khó, không chỉ với Việt Nam, mà với cả thế giới lúc ấy.

Nhưng nếu ca phẫu thuật đầu tiên ấy còn phải nhờ sự giúp đỡ vật chất của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, sự giúp đỡ chuyên môn của các bác sĩ Nhật Bản và một số nước khác, thì đến lần này, một ca phẫu thuật cực khó đã thành công hoàn toàn bằng thực lực của các bác sĩ Việt Nam.

32 năm qua, cặp song sinh Việt - Đức đã có đời sống riêng, đã lại sinh ra những đứa trẻ. 32 năm qua cũng đã có thêm những cặp song sinh dính liền một bộ phận nào đó được phẫu thuật tách rời thành công.

Trúc Nhi – Diệu Nhi là trường hợp hiếm gặp, một thách thức với y học và cổ tích vẫn được viết lên. Nguyện cầu Trúc Nhi - Diệu Nhi rồi sẽ lớn lên, có cuộc sống bình thường, trong những hình hài hoàn chỉnh. Lịch sử y văn Việt Nam điền thêm vào một dấu son.

Thực sự là từ khi có y học hiện đại, chúng ta có nhiều mốc lịch sử. Chỉ tính riêng những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều kỳ tích của nền y tế với những ca ghép tạng rất khó, những ca cấy ghép tế bào gốc, thụ tinh trong ống nghiệm, sản xuất vaccin...

Riêng về điều trị ung thư, cho dù có thể còn đâu đó có những người chưa hiểu hết, vẫn cho rằng phải đi ra nước ngoài điều trị mới hiệu quả, thì sự thật là việc điều trị bệnh ở Việt Nam đã không còn chênh lệch nhiều so với những trung tâm y tế hiện đại nhất của thế giới.

Khi một người thân của tôi đưa tên của một bác sĩ phẫu thuật hàng đầu về ung bướu của Singapore cho một bác sĩ Việt Nam để tham khảo ý kiến, ông đã cười để rồi giới thiệu tên của một giáo sư ở Việt Nam và quả quyết rằng, họ cũng chỉ chênh nhau một mười một chín.

Có một lần khi đến gặp Giáo sư M.T.K., Giám đốc một trung tâm ung bướu hàng đầu ở Việt Nam vào giờ cơm trưa, ông vừa ăn cơm hộp vừa kể với tôi là hôm ấy ở chỗ ông đang có một bệnh nhân VIP của nước ngoài điều trị. Ông bảo vì lý do ngoại giao phải giấu tên, họ không muốn tiết lộ thông tin cho báo chí.

Nhưng qua câu chuyện, tôi lờ mờ hiểu hình như hôm ấy bệnh nhân của ông là thái tử một quốc gia trong khu vực, vị khách bất đắc dĩ ấy đã chọn đến Việt Nam điều trị, sau khi đã chữa bệnh ở một quốc gia khác.

Chữa khỏi cho bệnh nhân 91 là một kỳ tích, tách rời cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi là một kỳ tích, ghép phổi thành công từ người cho chết não là kỳ tích, 4 người cho chết não và ghép thành công cho 16 bệnh nhân là kỳ tích... Những kỳ tích ấy vẫn tiếp tục được viết lên, để những sự sống được hồi sinh...

Chúng ta đang có một nền y tế đã không ngừng phát triển, liên tục chinh phục những đỉnh cao trong điều trị bệnh cứu người. Nhưng có lẽ còn cần có thời gian để khắc phục những tồn tại như quá tải bệnh viện, như y tế phát triển chưa đồng đều ở các vùng miền... để việc tiếp cận với thành tựu y học được chia đồng đều cho mọi người dân trong việc chăm sóc sức khỏe.

Việc chưa nâng cao chất lượng dịch vụ y tế khiến đôi khi trình độ chuyên môn của bác sĩ Việt Nam bị làm mờ. Một nền y học giải quyết được những ca rất khó, ngay cả với y văn thế giới, nếu được tổ chức tốt thì ít nhất người dân không còn phải nghĩ đến nước ngoài như một giải pháp để bám víu lấy sự hy vọng.

Ngay từ những tháng năm kháng chiến gian khổ, chúng ta đã có những thầy thuốc giỏi nổi tiếng thế giới như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Đặng Văn Ngữ... với những thành tựu y học được thế giới ghi nhận.

Nhiều năm qua, y học Việt Nam vẫn luôn có các bác sĩ giỏi, những thành tựu y học đáng ngạc nhiên. Những kỳ tích như ca mổ tách cặp song sinh thực sự đáng khâm phục và tự hào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mốc son trong lịch sử y văn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO