Mỗi đóng góp, một nụ cười

Lê Na 16/01/2017 09:05

Càng gần những ngày giáp Tết Đinh Dậu lại càng có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm đến Mặt trận để trao gửi tấm lòng ủng hộ đồng bào nghèo khó. Vì người nghèo, lo cho người yếu thế trong xã hội cũng chính là một dấu ấn nổi bật của Mặt trận bên cạnh việc thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng khác trong năm 2016.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng quà Tết cho các hộ gia đình nghèo
xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Không có gì là quá ít, không có sự hỗ trợ nào là quá muộn, thêm một đóng góp là thêm một nụ cười, góp phần giúp người dân quên đi khó khăn và cảm thấy ấm áp khi Tết đến Xuân về"- Chủ tịchNguyễn Thiện Nhân.

1. Năm 2016 khép lại với những thiên tai khắc nghiệt diễn ra ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. Theo bản đồ thiên tai của cả nước, không vùng miền nào không chịu thời tiết cực đoan, bất thường. Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn cả trăm năm mới gặp. 10/13 tỉnh thành phải công bố thiên tai.

Thiên tai xảy ra chồng lấn, đối lập. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đầu năm rét kỷ lục, tuyết phủ trắng xóa ở vùng cao 11 tỉnh, thành, đến cuối năm lại ấm bất thường. Nhưng tương phản, khốc liệt nhất là Trung Bộ, Tây Nguyên.

Khô hạn xảy ra nghiêm trọng, suốt 3 tháng hầu như không một giọt mưa. Cây cối, vật nuôi và cả con người đều quay quắt vì thiếu nước. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, mưa lũ sầm sập kéo tới. 5 trận mưa lũ lớn liên tiếp, càn quét trên phạm vi rộng và kéo dài.

Tại sông Vệ - Quảng Ngãi, xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử năm 2013. Mưa xối xả cộng với lượng nước điều tiết từ các hồ thủy điện đã khiến nước đổ về hạ du quá nhanh.

Ở Phú Yên, lũ lớn ập đến cô trò ở một trường mẫu giáo không kịp sơ tán đã bị mắc kẹt trong nước lũ. Các cô phải ngâm mình trong nước, giữ an toàn cho các em. Lũ lên đã vậy, đến khi rút cũng tàn phá không kém, nhà bê tông cũng không trụ nổi, nhiều người dân đã rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Biết bao gia đình lâm vào cảnh khốn khó.

Chưa kể, sự cố ảnh hưởng môi trường từ Công ty Formosa ở Hà Tĩnh đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho vùng biển của 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Vì vậy, nhu cầu cứu trợ là vô cùng lớn. Và trong gian khó càng thấm thía hơn tình cảm đồng bào.

Rất nhiều sự chung tay, hỗ trợ đã được gửi đến người nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi các sự cố thiên tai. Bởi vậy, nếu nói 2016 là năm của sự cố thiên tai thì cũng chính năm 2016 là năm của những tấm lòng nhân ái.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những tổ chức đầu tiên, bằng nhiều phương thức đã vận động kêu gọi cộng đồng hỗ trợ.

Thậm chí, quyết tâm chính trị này còn được UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam- thể hiện khi đặt bút ký kết Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt trong 2 tháng.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, khi tiến hành ký kết, các bên liên quan xác định còn gần nửa triệu hộ dân bị ảnh hưởng trong các vùng đó nên phấn đấu có ít nhất 10% số hộ sẽ được hỗ trợ.

Có thể nói, chỉ tiêu 45 nghìn hộ được hỗ trợ là một chỉ tiêu rất dũng cảm. Bởi lâu nay không có chuyện hỗ trợ theo chỉ tiêu cụ thể. Cùng với đó, trong vòng 2 tháng phải vận động khoảng 80 tỷ đồng để hỗ trợ- cũng không phải là việc có thể nói mà làm ngay được.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận và 8 tổ chức những tấm lòng nhân ái được nhân lên và chương trình đã đạt được kết quả rất tốt đẹp.

Qua tổng kết không phải 45 nghìn hộ mà 1.193 nghìn hộ đã được hỗ trợ - gấp 5 lần chỉ tiêu và số tiền không phải 80 tỷ đồng mà là 204 tỷ đồng

Điều này là một minh chứng rõ nét cho hoạt động phối hợp giữa Mặt trận và 8 tổ chức khi dựa vào lòng dân kịp thời. Đây cũng là tinh thần mà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng sẽ lan tỏa khi Mặt trận tiếp tục kêu gọi nhân dân ủng hộ đồng bào Nam Trung bộ, Tây Nguyên bị lũ lụt.

3. Những ngày giáp Tết Đinh Dậu, hầu như chiều muộn nào, trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở 46, Tràng Thi, Hà Nội cũng có khách đến thăm. Khi là một cơ quan báo chí, lúc lại là một đại diện của cộng đồng người Việt tại nước ngoài, nhiều khi lại là đoàn các chức sắc tôn giáo…

Họ tìm đến bởi một lẽ, Mặt trận là mái nhà chung của các tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước. Nói như Hòa thượng Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, “bất cứ ai mang trong mình dòng máu con dân đất Việt khi nghĩ về tình cảm dân tộc là nghĩ đến Mặt trận tổ quốc Việt Nam”.

Vì vậy, khi Mặt trận phát đi lời kêu gọi như Lời kêu gọi đồng bào cả nước chung tay ủng hộ người dân Nam Trung bộ, Tây Nguyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, ngay lập tức người dân và các tổ chức trong và ngoài nước đã tìm đến Mặt trận, thông qua Mặt trận để bày tỏ tình yêu nước, yêu đồng bào, gửi gắm tấm lòng của mình đến với những người Việt Nam đang gặp khó khăn.

Trân trọng muôn tấm lòng hướng về người nghèo khó, trong tất cả những lần tiếp nhận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đều xúc động chia sẻ, ''không có gì là quá ít, không có sự hỗ trợ nào là quá muộn, thêm một đóng góp là thêm một nụ cười, góp phần giúp người dân quên đi khó khăn và cảm thấy ấm áp khi Tết đến Xuân về".

Người đứng đầu Mặt trận cũng khẳng định, Mặt trận sẽ sớm chuyển tiền hỗ trợ đến các tỉnh bị lũ lụt, hướng tới mục tiêu lo nhà, tái tạo nhà cho đồng bào kịp đón Tết Nguyên đán.

4. Lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được MTTQ Việt Nam phát động từ tháng 10/2000 để kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, các nhà hảo tâm cho người nghèo. Từ đó đến nay MTTQ Việt Nam cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho người nghèo để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Những thành tựu mà cuộc vận động mang lại có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội và nhân văn.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, qua hơn 15 năm triển khai xây dựng, quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã huy động được số tiền trên 11.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở quỹ các cấp tỉnh, thành phố; còn quỹ “Vì người nghèo” Trung ương hàng năm cũng vận động được bình quân từ 8 đến 10.000 tỷ đồng. Những nguồn lực huy động được đã kịp thời hỗ trợ cho người nghèo.

Mục tiêu hỗ trợ của quỹ Vì người nghèo trong những năm tiếp theo không phải chỉ dừng lại ở chỗ xây cho người nghèo một căn nhà, hỗ trợ cho họ một khoản tiền mà còn phải giúp cho họ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội, cuộc sống để biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên.

Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6 đã xác định, nhiệm vụ đầu tiên trong 11 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 là triển khai quyết liệt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong đó, người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh tới mục tiêu: “không để một hộ nghèo, hộ gia đình chính sách nào mà không có một tổ chức, đoàn thể đứng ra hỗ trợ để người dân không bị rơi vào cùng cực”.

Sau một năm UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động này. Trước đó, MTTQ Việt Nam cũng đã ký Chương trình phối hợp với Chính phủ về Vận động Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một cuộc vận động trước yêu cầu đổi mới từ tư duy cho đến cách làm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đây là cuộc vận động đáp ứng được ý Đảng, lòng dân. Chính phủ có chương trình triển khai, Mặt trận và Chính phủ có Chương trình phối hợp, có chiều sâu thu hút tất cả nguồn lực của nhân dân cũng như kết hợp giữa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi đóng góp, một nụ cười

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO