8.600 ha rừng ở TP HCM có nguy cơ cháy cao

Thành Luân 11/04/2018 16:44

Ngày 11/4, tại TP HCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

8.600 ha rừng ở TP HCM có nguy cơ cháy cao

Nguy cơ cháy được chính quyền TP HCM cảnh giác cao độ trong mùa khô năm 2018. Ảnh: Hồng Phúc.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza (Q.8), TP HCM) vừa diễn ra cuối quý I/2018, khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Cao điểm mùa khô đang đến, TP HCM lo ngại các vụ cháy sẽ còn tiếp diễn, dù đã “lên dây cót” các Sở ngành chức năng sau vụ cháy Carina Plaza ở Q.8.

Nhà chung cư cũ và cháy rừng là những vấn đề được nêu ra, trong đó mật độ các nhà thấp tầng, cao tầng và siêu cao tầng đang gia tăng nhanh ở các quận, huyện khiến lãnh đạo thành phố lo lắng.

Đáng lo ngại hơn, trong 1.037 chung cư hiện hữu của thành phố thì có đến 474 chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1975, đến nay đã hết niên hạn sử dụng.

Cháy rừng là những vấn đề mà các huyện có rừng, tập trung ở Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ đặt nhiều kiến nghị với lãnh đạo UBND TP HCM.

Tại Hội nghị, ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng TP HCM nói, mùa khô năm nay có khoảng 8.600 ha vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao gồm diện tích rừng, cây lâm nghiệp trồng phân tán và các loại cây trồng khác.

Điều này đặt ra nhiều lo ngại cho công tác phòng chống cháy rừng của thành phố.

Hiện diện tích rừng và đất lâm của TP HCM vào khoảng 35.600 ha, bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, phân bố trên địa bàn huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và Q.9.

“Vẫn còn nhiều hoạt động tiềm ẩn các yếu tố tác động đến rừng như đào bắt trái phép địa sâm,... Công tác quản lý lâm sản và động vật hoang dã, còn xảy ra các hoạt động mua bán gỗ, động vật hoang dã trái phép. Công tác phòng cháy, chữa cháy đối với diện tích cây lâm nghiệp trồng phân tán vẫn còn nhiều bất cập do chủ sử dụng đất có cây phân tán chưa quan tâm công tác phòng cháy, diện tích này xen cài với đất sản xuất khác và khu dân cư nên rất dễ bị ảnh hưởng”, ông Trần Tấn Quý báo cáo với lãnh đạo thành phố.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cũng cho rằng, ý thức của một bộ phận người dân, nhất là các đối tượng dân cư vãng lai chưa cao nên vẫn còn các hoạt động vô ý gây cháy chưa được kiểm soát.

Trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2 vụ cháy rừng với 1,8 ha ở diện tích đất có thảm thực vật thân cỏ và cây phân tán; xảy ra 3 vụ phá rừng trái phép và 7 vụ khai thác lâm sản trái phép.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, cháy nổ cần được cảnh giác cao trong mùa khô, vì các sự cố về cháy luôn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về đời sống, kinh tế và môi trường.

Ông Lê Thanh Liêm yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo không để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng trong mùa khô năm 2018.

“Phải bảo vệ chặt khu vực rừng và xử lý nghiêm nếu xảy ra hành vi xâm phạm rừng. Các quận, huyện có diện tích rừng, cây phân tán nằm trong khu vực có nguy cơ cháy cao phải tăng cường thực hiện các giải pháp PCCC”, ông Liêm đề nghị.

Các ý kiến của Sở ngành cũng nêu thực trạng các hộ dân được giao khoán rừng ở các địa phương chưa được quan tâm sâu sát, dẫn đến buông lỏng hoặc chủ quan trong PCCC.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng và thông tin dự báo cấp nguy cơ cháy rừng để mọi người biết và chủ động đề phòng.

Tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM kiến nghị với UBND TP HCM chỉ đạo các xã có rừng và Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; nhất là chỉ đạo các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nhất là tại các khu rừng trong vùng giáp ranh.

Các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Q.9 đề nghị phối hợp tốt hơn trong tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư chủ động phát dọn cỏ dại quanh nhà, quanh khu vực sản xuất tạo băng cản lửa để phòng, chống cháy lan khi xảy ra sự cố cháy.

Theo ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, riêng huyện này hiện có tới 30.000 ha rừng phòng hộ, nhưng xen kẽ trong đó là diện tích rừng tự nhiên với các loại cây như chà là, ráng, bạch đàn, cỏ dại, rất dễ phát sinh cháy vào mùa khô.

Ông Dũng cho biết, UBND TP HCM đã có chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ và các lực lượng chức năng tổ chức lực lượng tuần tra, trực ban, phát dọn thực bì phòng cháy, chữa cháy tại các tiểu khu của rừng phòng hộ Cần Giờ với tổng diện tích phát dọn, đốt có kiểm soát là 16,5 ha.

Tại Hội nghị, các ý kiến cũng đề nghị UBND TP HCM có sự phối hợp với các đơn vị chức năng của các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự trong rừng phòng hộ, chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm nay.

Trong khi diễn ra Hội nghị về triển khai giải pháp PCCC trong mùa khô 2018, trưa 11/4, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu dân cư tại quận Tân Bình (TP HCM) đã khiến hàng trăm người dân tháo chạy ra đường. Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy quận này đã đến và kịp thời giải cứu một người mắc kẹt trong nhà. Các lực lượng chức năng cũng đã điều 6 xe chữa cháy cùng 42 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường triển khai dập lửa và khống chế sơ bộ đám cháy. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    8.600 ha rừng ở TP HCM có nguy cơ cháy cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO