Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng phó thách thức để phát triển

Đoàn Xá 18/06/2019 07:10

Là vùng đất rộng lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nhưng những sự thay đổi bất thường của thiên nhiên (gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan) đã và đang đe doạ nghiêm trọng vùng ĐBSCL. Vì vậy, việc phát triển vùng đất rộng lớn này trước những thách thức của thiên nhiên là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng phó thách thức để phát triển

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với nhiều thách thức.

Phát triển nông nghiệp, thuỷ sản là trọng tâm

Do có điều kiện tự nhiên thích hợp nên ở ĐBSCL, việc tập trung chính sách để phát triển nông nghiệp, thuỷ sản là hướng đi đúng đắn và bền vững. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo định hướng tới năm 2025 sẽ có 3 sản phẩm chủ lực của vùng này là thuỷ sản, trái cây và lúa gạo. Tới năm 2030 phải làm chủ nguồn giống, vươn tầm sản phẩm đáp ứng thị trường quốc tế.

Lấy ví dụ, ngành nuôi tôm và cá tra ở khu vực ĐBSCL được định hướng phát triển từ nông nghiệp thành công nghiệp sản xuất quy mô lớn, xuất khẩu sản phẩm. Mục tiêu tới năm 2030 là 1 triệu ha mặt nước dành cho hai ngành nghề này. Theo thống kê, hiện toàn vùng ĐBSCL có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ dân ương cá tra giống với diện tích 3.500 ha tập trung chủ yếu ở An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp. Nguồn cá tra giống đủ để đảm bảo diện tích nuôi 5.200 ha với sản lượng thành phẩm là 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, dự báo nhu cầu sử dụng cá tra giống sẽ tăng vọt trong thời gian tới và nguồn cung chỉ có thể cung cấp được chưa tới 50%. Trong khi đó, diện tích vùng nuôi tôm ở ĐBSCL chiếm tới 92% diện tích cả nước, vào khoảng gần 700 ngàn ha, là thế mạnh quan trọng nhất của vùng này. Nhưng trở ngại là có tới 48% nhu cầu tôm giống lại đến từ các tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hoà, Ninh Thuận) khiến cho việc nuôi của người dân bị tăng chi phí đáng kể.

Với các sản phẩm trái cây, theo thống kê của Bộ NNPTNT thì diện tích trồng trái cây là 680 ngàn ha và có thể tăng thêm 200 ngàn ha trong thời gian tới. Đặc biệt, việc định hướng các loại cây ăn trái ở khu vực này là hết sức quan trọng bởi những diễn biến và thách thức của khí hậu. Mục đích là tạo ra những cây trồng chủ lực có khả năng chịu phèn mặn để không bị mất mùa khi thiên nhiên thay đổi. Những loại cây ghép như sầu riêng, bưởi, cam, chôm chôm… có khả năng chịu mặn được khuyến khích đưa vào gieo trồng nhằm tạo ra sản phẩm bền vững hơn. Tương tự, với cây lúa thì Bộ NNPTNT cũng đang dần thay thế các giống lúa kém chất lượng để thay thế bằng giống chất lượng cao, có khả năng chịu bệnh tật nhằm nâng cao năng suất cho người dân. Cũng như các loại cây ăn trái, giống lúa có khả năng chịu mặn cũng là giống được chính quyền ưu tiên, khuyến khích người dân phát triển.

Vẫn nhiều thách thức

Có thể nói, vùng ĐBSCL có lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn, khó lường hơn với những dự báo thời tiết cực đoan đang là thách thức rất lớn của khu vực này. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho biết, không có nơi nào nhạy cảm và dễ chịu tác động của thiên nhiên như vùng ĐBSCL. Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện bên ngoài biên giới Việt Nam, đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn sâu vào thượng nguồn. Bên cạnh đó là hệ luỵ của các hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng rõ rệt, gây nhiều hệ lụy như: Ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm bị chặt phá…

Vì thế, để khu vực ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Đặc biệt, cần xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra. Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục – thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng phó thách thức để phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO