Mạnh tay xử lý nạn cát tặc có bảo kê

Thành Luân 24/04/2019 08:00

Lần đầu tiên, lãnh đạo cao nhất của Thành ủy TP Hồ Chí Minh có mặt trực tiếp chỉ đạo Công an, Sở GTVT thành phố và lực lượng Biên phòng truy quét nạn khai thác cát trái phép tồn tại ngang nhiên, công khai, thậm chí có dấu hiệu của bảo kê trá hình. Thực trạng cát tặc lộng hành liên quan đến việc nhiều khu vực của thành phố bị sạt lở, gây thương vong người và thiệt hại tài sản thời gian qua.

Mạnh tay xử lý nạn cát tặc có bảo kê

Ngăn chặn “cát tặc” đang hoành hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Báo Biên phòng.

Bảo kê cho cát tặc, sẽ xử ngay!

Ngày 23/4, tại huyện Cần Giờ - TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với đại diện lãnh đạo Công an TP HCM, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP và các ban ngành, quận/huyện liên quan tới việc thông qua đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP HCM với các tỉnh”.

Lần đầu tiên TP HCM đã mạnh dạn áp dụng các cơ chế của Nghị quyết 54 của Quốc hội để xem xét áp dụng xử lý đối với thực trạng vi phạm này. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP HCM cho rằng, không loại trừ có tiêu cực trong việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn TP HCM, có bàn tay của chính các cán bộ, kể cả công an trong quản lý chuyên trách, nhưng thoái hóa biến chất. Bởi vậy nhất thiết phải có một cơ chế mạnh hơn để trấn áp cát tặc và tội phạm bảo kê cho cát tặc.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, đã có những sĩ quan cấp đội hoặc là bị kỷ luật hoặc đã cho nghỉ việc liên quan đến những tiêu cực trong việc xử lý các vi phạm trong khai thác cát trái phép. Công an TP HCM kiên quyết không bố trí các cán bộ có quê từ các địa phương vùng Duyên hải 3 (Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Giờ) tham gia xử lý các phương tiện vi phạm được đăng ký tại các địa phương này từ nay và các năm tiếp theo. Sau đó thành phố sẽ xử lý hết sức nghiêm khắc, nghiêm minh đối với các đối tượng cát tặc hoành hành lâu nay. Thiếu tướng Phan Anh Minh nói, theo luật hiện hành thì thời gian qua Công an TP HCM phối hợp BĐBP TP HCM bắt quả tang trên sông rồi mới xử lý, khiến cho công tác đấu tranh chống cát tặc không tạo được sự răn đe cao.

Giải pháp được Phó Giám đốc Công an TP HCM đề xuất với lãnh đạo TP, là áp dụng cơ chế đặc thù xử lý mạnh tay hơn. Cụ thể, khi các phương tiện này neo đậu, lực lượng chức năng chỉ cần kiểm soát bằng các thiết bị giám sát hành trình, khi những phương tiện này di chuyển đi đâu, khai thác cát ở chỗ nào, vận chuyển vào bờ ở khu vực nào, thì sẽ đưa lực lượng tới truy quét ngay.

Quan điểm của lãnh đạo Công an TP HCM là kể cả đối với những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước cũng nhất quyết “nói không” với các nguồn cung cấp từ cát tặc. Thế nhưng, ông Phan Anh Minh cũng thừa nhận, ngay cả công trình lớn như cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng bị phát hiện sử dụng cát trái phép.

Theo Công an TP HCM, thống kê thời gian qua cho thấy sản lượng cát xây dựng của TP HCM hiện chỉ vào khoảng trên 41 triệu khối cát; cát san lấp là trên 35 triệu khối cát. Với sản lượng cát dự trữ hiện nay thì dự báo chỉ trong vòng 2 năm tới, riêng TP HCM sẽ sử dụng hết cát của khu vực phía Nam. “Nếu thực hiện các giải pháp mạnh thì những công trình xây dựng sẽ không có cát để san lấp. Thậm chí dự án lấn biển Cần Giờ không có một hạt cát nào hợp pháp để san lấp. Thế nhưng chúng ta phải kiên quyết để bảo vệ tài nguyên và môi trường” – Thiếu tướng Phan Anh Minh nêu rõ.

Mạnh tay xử lý nạn cát tặc có bảo kê - 1

Một điểm khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn.

Mạnh tay xử lý cát tặc

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, khai thác cát nếu có quy luật thì phải tìm cách phá quy luật đó thì mới triệt tiêu được nạn khai thác cát trái phép hiện nay. “Mình cứ ra sông, ra biển dí họ thì rất vất vả. Mình có kiểm soát được nơi xuất phát không? Kiểm soát được nơi xuất phát thì mới tháo được nút thắt. Rồi kiểm tra các tàu có các giấy phép lưu thông với những thiết bị hút cát hay không? Nếu tàu này lưu thông thì vẫn có thể kiểm tra xử lý mà không cần phải chờ đến lúc họ hút cát” – ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.

Theo ông, trách nhiệm trước hết là Sở GTVT, Sở Tư pháp phải kiểm tra các quy định này có xử lý được không. Tiếp đó, người lái tàu, chủ phương tiện có được cấp phép hoạt động không, nếu không thì cũng phải xử lý ngay trên bờ. Giấy phép khai thác ở vùng mỏ nào, lộ trình di chuyển ra sao, phải kiểm tra gắt gao hơn. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu vấn đề xử lý cát tặc thì BĐBP TP và Bộ Tư lệnh Biên phòng TP phải phối hợp thực hiện “trơn tru”, kiên quyết hơn nữa.

Bí thư Thành ủy TP HCM gợi ý các ban ngành chức năng: “Có thể sử dụng máy bay không người lái, camera, trạm quan sát để kiểm tra, xử lý mà không phải sử dụng tàu đuổi theo như trước. Ủng hộ làm nhà giàn chốt ở ngoài biển (xây trong 3 tháng) vừa làm nhiệm vụ quốc phòng, vừa quan sát nạn khai thác cát. Chắc chắn sẽ có thay đổi”.

Lãnh đạo TP HCM ghi nhận những kết quả trong việc xử lý nạn khai thác cát trái phép thời gian qua của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, như những lo lắng đã phân tích, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM yêu cầu các cơ quan này cần phối hợp đồng bộ với nhau. Bởi dường như các lực lượng chưa nắm đúng quy luật của các đối tượng khai thác cát trái phép nên việc xử lý chưa đạt kết quả như mong đợi thời gian qua. Về vấn đề trữ lượng nguồn cát và nhu cầu sử dụng do lãnh đạo Công an TP HCM đặt ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP HCM sắp xếp một buổi làm việc với Bộ Xây dựng để nắm rõ nhu cầu xây dựng ở khu vực phía Nam. Đồng thời, cần nghiên cứu các nguồn vật liệu thay thế cát san lấp, tránh khai thác quá mức và gây thiếu hụt nguồn cung về cát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay xử lý nạn cát tặc có bảo kê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO