Nguyên nhân nào khiến nước đập dâng Vũ Quang chuyển màu bất thường?

Hạnh Nguyên 08/08/2019 19:52

Tối 8/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp công bố nguyên nhân bước đầu về hiện tượng nước đập dâng Vũ Quang (thuộc Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang) chuyển màu bất thường, bốc mùi hôi thối trong thời gian gần đây. Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Hải Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Hưng chủ trì cuộc họp.

Nguyên nhân nào khiến nước đập dâng Vũ Quang chuyển màu bất thường?

Quang cảnh cuộc họp.

Nhiều chỉ số trùng hợp, vượt ngưỡng

Ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh, đại diện tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đập dâng Vũ Quang có 2 nguồn chính có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Một là nước từ hồ Ngàn Trươi (Công trình đầu mối) của Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, qua cửa xả của hồ Ngàn Trươi xuống đập dâng. Hai là nguồn nước từ Khe Trươi, bắt nguồn từ xã Hương Điền, xã Sơn Thọ, trên Nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt, chảy qua cầu Trươi xuống đập dâng.

Từ kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT Hà Tĩnh), mạng lưới của tỉnh Hà Tĩnh và báo cáo của Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4, tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận định chất lượng nước ở đập dâng Vũ Quang và hồ Ngàn Trươi (tầng giữa và tầng đáy) có nhiều điểm tương đồng so với cột A2 - QCVN 08-2015/BTNMT.

Trong đó, các thông số như: BOD5 vượt 1,2 đến 1,63 lần; COD vượt 1,06 đến 1,86 lần; TSS vượt từ 2,06 đến 5,43 lần; Amoni (NH4+) vượt từ 1,03 đến 3,6 lần; Fe vượt từ 2 đến 10,35 lần; Mn vượt từ 1,05 đến 2,15 lần; ngày 28/7 (tầng đáy) vượt 1,2 lần. Nước ở Khe Trươi, ngoài Fe và Mn có biểu hiện giống ở đập dâng Vũ Quang và ở hồ Ngàn Trươi (vượt 1,1 đến 3,3 lần) thì chỉ có TSS vượt từ 2,8 đến 5,13 lần và COD vượt 1,06 lần.

Bước đầu, tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận định nước ở đập dâng chuyển màu, nguyên nhân một phần là do trong nước có hàm lượng Fe (III) hydroxit và một số muối Fe (III) khá cao. “Do khu vực đáy lòng hồ Ngàn Trươi còn nhiều xác thực vật đang bị phân hủy yếm khí nên nước ở tầng đáy có chứa nhiều hợp chất hữu cơ (thể hiện ở giá trị TSS cao). Các hợp chất hữu cơ trong nước tầng đáy lòng hồ Ngàn Trươi chủ yếu là các hợp chất hữu cơ bền, khó phân hủy bằng sinh học và hóa học (thể hiện ở hàm lượng TSS cao tuy nhiên các giá trị BOD5, COD lại không quá cao) có màu (quá trình lọc mẫu nước lấy tại các vị trí đập dâng, kênh trục để định lượng hàm lượng TSS bằng giấy lọc sợi thủy tinh thì mẫu nước thu được sau lọc không có màu (các hợp chất gây màu bị giữ lại trên giấy lọc); tan trong nước, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nước đập dâng có màu. Mùi tanh, hôi là do khí sinh ra trong quá trình phân hủy yếm khí ở tầng đáy như sunfua, amoniac v.v.. ở điều kiện pH thấp tồn tại ở dạng ion hòa tan, khi chuyển qua đập dâng do điều kiện (pH, DO tăng cao) nên chuyển sang dạng khí sufua, amoniac hòa tan trong nước, khi nhiệt độ tăng thì bay hơi và phát tán vào môi trường không khí gây mùi” – báo cáo của tổ công tác nêu rõ.

Nguyên nhân bất ngờ

Như vậy, theo tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tác nhân khiến nước đập dâng Vũ Quang chuyển màu và có mùi hôi thối là do lòng hồ Ngàn Trươi. Ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh khẳng định Sở chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả điều tra, quan trắc.

Về phương án xử lý nguồn nước ở đập dâng, tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4, đơn vị liên quan có phương án cụ thể đảm bảo chất lượng nước ở hồ Ngàn Trươi và đập dâng trong đó có kế hoạch điều tiết cống xả nước từ hồ Ngàn Trươi. Chỉ xả nước ở tầng mặt, không xả nước ở tầng giữa và tầng đáy. Phải tính toán kỹ để có biện pháp xử lý bùn, cặn trong hồ Ngàn Trươi, đập dâng Vũ Quang.

Để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là giảm chi phí xử lý nước sạch, tổ công tác đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phương án lấy nguồn nước đầu vào sản xuất của Nhà máy nước Vũ Quang từ tầng nước mặt hồ Ngàn Trươi thay vì lấy nước đầu vào sản xuất của Nhà máy ở vị trí hiện tại - ở Đập dâng.

Mặt khác, tổ công tác kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ TNMT tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng nước và công tác bảo vệ môi trường của Dự án hệ thống công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang trước khi đưa vào vận hành, khai thác sử dụng.

Nguyên nhân nào khiến nước đập dâng Vũ Quang chuyển màu bất thường? - 1

Nước chuyển màu tại đập dâng Vũ Quang.

Từ kết luận này, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 “phản pháo” và cho rằng nguyên nhân không phải do hồ Ngàn Trươi mà do nhiều tác nhân gây ra biến đổi màu nước trên dòng dẫn Vũ Quang. Ông Thịnh cho biết, gói thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi trị giá hơn 35 tỷ đồng, chỉ thu dọn hơn 1.659 ha/4.610 ha, thuộc phạm vi cao trình 12 m đến 52 m, do Tổng công ty Trường Sơn (bộ Quốc phòng) thi công. Mục tiêu của gói thu dọn lòng hồ là nhằm đảm bảo nguồn nước tưới thủy lợi. “Theo các chuyên gia về môi trường, nước bốc mùi hôi thối là yếu tố tất yếu khách quan, khó tránh khỏi, do thời gian đầu tích nước, quá trình phân hủy thực vật nên có mùi hôi. Sau một thời gian hiện tượng này sẽ giảm dần và hết” – ông Thịnh khẳng định. Vị Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 cho rằng, nguyên nhân có thể là tổng hợp các yếu tố khác, trong đó có tác nhân cần chú ý là lượng sắt ở nhà máy sắt Vũ Quang.

“Theo nhận định ban đầu về tác nhân hiện tượng biến đổi màu nước nêu trên, với thực tế cây trồng và thủy sinh sinh trưởng bình thường, không thấy hiện tượng cá hay sinh vật sống trong nước chết xảy ra. Vì vậy cần tuyên truyền để nhân dân yên tâm. Sau đó cần tiếp tục xả kiệt dòng dẫn Vũ Quang để đánh giá trầm tích trên lòng dẫn. Nếu lòng dẫn bị ô nhiễm cần thau rửa hoặc bóc bỏ lớp trầm tích. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước trên Khe Trươi, có giải pháp kiểm soát lượng Fe từ Nhà máy chế biến quặng sắt Vũ Quang xả xuống Khe Trươi” – Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 kiến nghị.

Ý kiến của các nhà khoa học cũng thiên về nguyên nhân khiến nước đập dâng Vũ Quang chuyển màu là do lượng sắt phía thượng nguồn phân hủy, gặp mưa, rửa trôi xuống đập dâng Vũ Quang. Tuy nhiên, giữa tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh với Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 chưa có sự thống nhất, do hai bên phân tích, áp dụng 2 chỉ tiêu khác nhau. Theo ông Nguyễn Thiều Quang, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, nhà máy sắt Vũ Quang đã ngừng hoạt động hàng chục năm, từ khi ngừng hoạt động đến nay không có hiện tượng nước đập dâng Vũ Quang chuyển màu. Vì thế cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn để có kết luận chính xác, khách quan.

Chủ trì cuộc họp kết luận, nước đập dâng chuyển màu chủ yếu là do chỉ số Fe và TSS. Đối với kiến nghị liên quan đến cơ chế vận hành xả nguồn nước mặt để tưới tiêu, Cục trưởng Cục quản lý công trình xây dựng Nguyễn Hải Thanh khẳng định đây là việc không thể thực hiện được trong dự án thủy lợi. Nguồn nước tại đập dâng sử dụng cho xử lý nước sinh hoạt và tưới tiêu đều đảm bảo. Việc xác định tác nhân gây ra hiện tượng nước chuyển màu cần thuê đơn vị chuyên môn độc lập kiểm tra, phân tích để có kết quả công tâm, chính xác, khách quan hơn. Từ đó đưa ra phương án xử lý tốt nhất, hiệu quả nhất.

Đại diện các nhà khoa học và các sở, ngành Hà Tĩnh khẳng định nguồn nước được lấy từ dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Kết quả phân tích mẫu nước sạch do Nhà máy nước Vũ Quang xử lý, cả 26 chỉ số nước sinh hoạt không có chỉ số nào vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế, người dân sử dụng nguồn nước này đều đảm bảo sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyên nhân nào khiến nước đập dâng Vũ Quang chuyển màu bất thường?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO