PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÀNG NGHỀ: Hai mặt của một vấn đề

Minh Phương 30/12/2019 06:09

Kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, các sản phẩm làng nghề có mặt ở 160 quốc gia trên thế giới - có thể khẳng định, các sản phẩm làng nghề có sự đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động nông thôn… Tuy nhiên, để phát triển kinh tế làng nghề bền vững, còn khá nhiều rào cản cần bước qua.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÀNG NGHỀ: Hai mặt của một vấn đề

Làng nghề làm mành trúc (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: K.V.

Vấn nạn ô nhiễm

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Sự phát triển của các làng nghề đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đồng thời là một trong những động lực để tạo đà cho mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những cái tên gỗ Đồng Kỵ, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, gốm Thổ Hà… đã trở thành những thương hiệu được người dân trong nước và quốc tế biết đến. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những làng nghề nổi tiếng với sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, doanh thu ngày càng lớn... lại đang lâm vào tình trạng ô nhiễm khó kiểm soát.

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên và có đến 27% số làng nghề bị ô nhiễm dạng vừa. Nếu không có những hành động cụ thể và thích hợp trong bảo vệ môi trường, chính những hoạt động của làng nghề sẽ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển mạnh mẽ của nó.

Chia sẻ về những bất cập liên quan đến môi trường tại các làng nghề hiện nay, một nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức hàng đầu là duy trì bản sắc làng nghề, hội nhập mà không mất bản sắc riêng nhưng phải bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. “Ô nhiễm chất vô cơ tại các làng nghề dệt nhuộm tạo ra nước thải có hàm lượng cặn lớn, nhưng hầu hết chưa được thu gom xử lý mà xả thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và các nguồn nước mặt, nước ngầm tại các địa phương”- nghệ nhân này cho hay.

Tương tự, tình trạng ô nhiễm tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ cũng không phải ngoại lệ. Theo số liệu của cơ quan chức năng đưa ra, ô nhiễm tại làng nghề này vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,0 - 1,67 lần. Theo đó, bụi từ các máy chà, máy đánh giấy ráp có kích thước nhỏ và dễ phân tán nên là nguồn gây ô nhiễm bụi không chỉ đối với khu vực sản xuất mà còn đối với môi trường không khí xung quanh làng nghề.

Hướng đến phát triển bền vững

Có thể thấy, càng ngày sự phát triển của kinh tế làng nghề càng bộc lộ rõ tính hai mặt của nó, một mặt, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân các vùng nông thôn, cũng là giải pháp để người nông dân “ly nông không ly hương”, nhưng mặt khác, câu chuyện về ô nhiễm môi trường, sản xuất nhỏ lẻ manh mún của các làng nghề cũng là một bài toán rất khó cho nhà làm chính sách. Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, các sản phẩm làng nghề còn đang đối diện với điểm nghẽn đó là khó tìm đầu ra, nhiều hộ kinh tế làng nghề rất khó khăn trong tiếp cận vốn nên việc đầu tư sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường cũng đang gặp rào cản lớn. Nêu lên thực trạng này, ông Vũ Văn Quý- Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Hưng Long cho hay, làng nghề gỗ Đồng Kỵ với trên 16.000 dân, trong đó có khoảng trên 200 doanh nghiệp và hàng nghìn xưởng sản xuất hộ gia đình. Song, hiện nay do thị trường xuất khẩu đang đóng băng, số lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu chỉ là một phần nhỏ so với trước đây, các doanh nghiệp tại làng nghề gỗ rơi vào tình trạng khó khăn, một phần đóng cửa, một phần đi vào phục vụ khách nội địa, một phần tìm tòi các mẫu mới để phục vụ nhu cầu dân dụng theo xu thế thị trường...

Để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong thời gian tới, theo ông Lê Anh Dũng- Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Bắc Ninh), quy hoạch được xem là yếu tố hàng đầu. Theo vị này, cần đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp tập trung. Bên cạnh đó, di dời các cơ sở sản xuất, các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi làng nghề và đưa vào khu quy hoạch khu sản xuất tập trung; quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái. Ngoài ra, nhà quản lý cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời, giảm tiêu hao nguyên nhiên, vật liệu và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, ưu tiên các hạng mục xử lý ô nhiễm môi trường.

Bàn về cơ chế để người dân tiếp cận vốn phát triển kinh tế làng nghề, ông Hồ Xuân Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phải bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với các hộ gia đình, các cá thể trực tiếp sản xuất để họ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn. Ngoài ra cần phải giảm phí, thuế hoặc lãi suất đối với các khoản vay để mua sắm các thiết bị, công nghệ mới dùng cho sản xuất sản phẩm làng nghề. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ và phát huy được thế mạnh của kinh tế làng nghề và đưa kinh tế làng nghề bứt phá trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÀNG NGHỀ: Hai mặt của một vấn đề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO