Tây Nam bộ chưa hết nóng

Quốc Trung 14/05/2020 07:30

Mặc dù đã bước vào mùa mưa, nhưng những ngày qua miền Tây Nam bộ vẫn phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt, thậm chí là bất thường. Hệ thống kênh rạch vẫn cạn trơ đáy, nông nghiệp tiếp tục bị thiệt hại nặng nề. Người dân vẫn khát nước sạch.

Tây Nam bộ chưa hết nóng

Tiền Giang khẩn trương cải tạo và mở thêm các đường ống nước cho người dân. Ảnh: Quốc Trung.

Hồ chứa nước “khổng lồ” đã cạn

Đến thời điểm này tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn từ đầu mùa khô năm 2019 – 2020 ở Bến Tre là rất lớn, tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh này. Ước tính thiệt hại có thể cao hơn nhiều so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2015- 2016 (trong khi 2015 - 2016 thiệt hại 1.800 tỉ đồng).

Theo thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre, hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, cụ thể: Vụ đông xuân 2019 – 2020 (vụ 3) bị ảnh hưởng 5.287 ha, rau màu bị ảnh hưởng 168 ha; diện tích dừa bị ảnh hưởng 23.277 ha, diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng 11.969 ha (chủ yếu chôm chôm, sầu riêng, các loại cây có múi..); khoảng 600 ha cây giống và 1,2 triệu ha cây hoa kiểng... Diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng là 1.890 ha.

Đặc biệt hạn mặn kéo dài trong khi hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn chưa được khép kín nên nước bị nhiễm mặn ở trên mức 4‰ gây thiếu nước ngọt nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống người dân nhiều nơi trong tỉnh, có lúc số hộ thiếu nước của Bến Tre lên tới 86.896 hộ.
Trước tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cung cấp nước ngọt phục vụ đời sống, sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô. Đặc biệt, trong những ngày qua, nhờ có sự chung tay, góp sức từ các ngành, các cấp, các đơn vị hữu quan và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhiều nơi cũng đã được cung cấp nước ngọt để dùng. Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã trao tặng 500 thiết bị trữ nước chất lượng cao cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh để trữ nước sạch, phục vụ ăn uống, sinh hoạt trước đợt hạn mặn nghiêm trọng mùa khô năm 2020.

Hồ Kênh Lấp hay còn gọi là hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây ở huyện Ba Tri (Bến Tre) có chiều dài trên 4,6km, chiều ngang thấp nhất 40m, dài 90m có sức chứa lên đến gần 800 ngàn m3 nước nhưng khoảng 1 tuần qua đã cạn kiệt hoàn toàn, trơ đáy. Mặc dù có những trận mưa nhưng chỉ như tráng qua mặt đất.

Trao đổi với PV Đại Đoàn kết, ông Hồ Ngọc Hậu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre cho biết: Hiện nay nguồn nước ở hồ Kênh Lấp đã cạn kiệt hoàn toàn, nhà máy nước phải lấy nước bên ngoài từ kênh dẫn nguồn nước từ Ba Lai vào (độ mặn khoảng 8‰), chỉ để sử dụng tạm. Do năm nay thời tiết cực đoan khắc nghiệt, lượng sử dụng nước tăng nên dẫn tới thiếu nước, hiện UBND tỉnh và ngành chức năng đang bàn và sẽ có giải pháp để “giải nhiệt” trong những ngày tới.

Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu hiện cũng đang khát nước ngọt. Các địa phương ngoài tích cực cải tạo hệ thống nước, còn sử dụng các biện pháp như vận chuyển nước ngọt đến tận nơi cho người dân…

Bài học trong việc dự báo và ứng phó

Trước tình hình thời tiết ngày càng cực đoan, vấn đề đặt ra là ứng phó hay là thuận thiên chung sống. Cũng có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên phần lớn cho rằng thuận thiên là giải pháp tốt nhất, đây cũng là hướng đi chung của Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới.

T.S Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: Để chủ động về lâu dài cần chuyển dịch sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới như nước biển dâng, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), lũ, hạn hán, xâm nhập mặn tiến sâu vào các tỉnh ven biển. Do đó, cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang thích ứng với nguồn nước mới, tức là vùng ven biển chuyển sang sản xuất nước mặn, nước lợ và giảm sản xuất nông nghiệp sử dụng nước ngọt vùng ven biển. Đối với vùng nước ngọt, vùng nào thiếu nước chuyển cơ cấu cây trồng sang cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước và có biện pháp sử dụng nước tiết kiệm.

Tây Nam bộ chưa hết nóng - 1

Tiền Giang khẩn trương cải tạo và mở thêm các đường ống nước cho người dân.

Còn GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam từng đưa ra 3 giải pháp: Đầu tiên là khôi phục hệ thống các ao hồ nhỏ tại những khu dân cư. Thứ 2 là tận dụng cải tạo, nạo vét các nhánh sông kênh rạch để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên. Việc duy trì được nguồn nước trong các nhánh sông này ngoài giúp giữ ổn định mực nước ngầm, còn giảm thiểu nguy cơ sụt lún đất. Cuối cùng mới tính tới chuyện xây dựng các hồ chứa nước lớn (nhân tạo) tại các vùng khan hiếm nước, mỗi vùng miền có đặc điểm khác nhau nên cần tính toán sao cho hợp lý.

GS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất: Trong khi không có đất trống để xây hồ chứa lớn nên trồng lúa vụ 3 ở những vùng thường ngập lũ vừa phù hợp điều kiện làm nơi tích trữ nước ngọt trong mùa mưa lũ. Các vùng lúa còn lại có thể xây dựng lại với hệ thống mương liếp cao, thiết lập vùng cây ăn trái. Những mương sâu giữa các liếp cây ăn trái sẽ là những hồ chứa nước ngọt để sử dụng qua mùa nắng hạn. Quanh nhà nông dân, mỗi hộ có thể mua bồn chứa nước mưa sử dụng suốt mùa nắng.

Ghi nhận thực tế từ 2 đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 – 2016 và năm 2019 – 2020 hầu như ngành chức năng, nhất là các địa phương vẫn chưa đưa ra được kịch bản tốt nhất, thậm chí là bị động trong việc ứng phó và đưa ra các giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi.

Qua bài học của 2 đợt hạn mặn này bài học cần rút ra là chủ động trong trường hợp thiếu nước, hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và xây dựng quy trình vận hành các công trình kiểm soát triều một cách hợp lý. Cần có những nghiên cứu đánh giá, phân vùng chi tiết khả năng thích ứng của các đối tượng sử dụng nước trong trường hợp hạn mặn cực đoan xảy ra. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước, đặc biệt trong điều kiện hiện nay là.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nam bộ chưa hết nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO