Thiên tai ngày càng khốc liệt - Kỳ 1: Sống trong vùng sạt lở, động đất

Tấn Thành 30/07/2018 08:00

Nhiều năm qua, Quảng Nam, Quảng Ngãi là địa phương luôn đối diện với những trận bão, lũ lớn. Trong đó có những trận lũ quét và sạt lở núi kinh hoàng, quét sạch nhà cửa, của cải, ruộng vườn của người dân, thậm chí không ít người thiệt mạng vì thiên tai.

Thiên tai ngày càng khốc liệt - Kỳ 1: Sống trong vùng sạt lở, động đất

Sạt lở đất đe dọa mạng sống, người dân phải tìm nơi ở mới.

Tổn thất lớn lao về người và tài sản

Ông Đỗ Quang thôn Đàn Bộ (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) là con ruột ông Đỗ Mỹ chết vì sạt lở núi cho biết: “Suốt đời tôi không thể quên vụ lở đất đó. Đau thương lắm các anh ơi! Hay tin sạt lở núi tôi vội vã chạy về thì không phát hiện ba tôi cùng các em, cháu ở đâu. Sau đó lực lượng chức năng đã cứu được các em của tôi. Tuy nhiên ba và chị dâu của tôi đã ra đi mãi mãi. Nỗi đau này chắc chắn ám ảnh cả đời tôi”.

Đó là vụ sạt lở đất vào ngày 5/11/2017 tại khu vực Tổ Mậu Cà, thị trấn Trà My.

Còn ông Đinh Xuân Hùng cùng 78 hộ đồng bào Ca Dong ở nóc ông Tuân, thôn 2 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Hùng cho biết: “Vụ sạt lở đất diễn ra quá nhanh, làm mọi người trong nóc không kịp trở tay. Cả gia đình tôi bị vùi lấp dưới đống đất đá, rất may được bà con dân làng đào bới kịp thời nên 5 người trong nhà thoát chết trong gang tấc. Thật là kinh khủng, tôi không nghỉ mình còn sống, đau đớn, kinh hoàng quá”.

Đây là trận sạt lở núi ở thôn 2 xã Trà Vân vào chiều ngày 6/11/2017 đã làm cho 5 người chết, 9 người bị thương, hàng chục ngôi nhà sập hoàn toàn, hàng trăm kho thóc của bà con bị vùi lấp, hoặc cuốn trôi theo dòng nước lũ. Không chỉ có những trận sạt lở núi nói trên mà ở Quảng Nam, Quảng Ngãi những năm qua đã xảy ra rất nhiều vụ sạt lở đất khiến người dân kinh hoàng.

Tại huyện Nam Trà My, mưa lũ, sạt lở đất trong năm 2017 làm 7 người chết, trong đó có 6 người chết do bị sạt lở núi, 1 người nước cuốn trôi, 14 người bị thương. Thôn 3 xã Trà Vân có đến 144 ngôi nhà bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao buộc phải di dời khẩn đến Khe Chữ nơi an toàn xây dựng làng mới.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, chỉ riêng đợt mưa lũ từ ngày 3 đến 6/11/2017 trên địa bàn tỉnh đã làm 6 người chết và mất tích, 9 người bị thương, gần 4.600 hộ dân bị ngập sâu, hàng trăm con gia súc chết trôi và hàng nghìn ha rau, đậu, mía, sắn, cây ăn quả bị hư hại…

Không chỉ ở địa phương nói trên mà các huyện miền núi khác như Bắc Trà My, Tiên Phước (Quảng Nam), Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà,… (Quảng Ngãi) nhiều nơi người dân và chính quyền đối diện với tình trạng sạt lở núi. Ngay cả các vùng ven biển của 2 tỉnh nói trên cũng chịu tác động nặng nề của biển đổi khi hậu. Các vùng ven biển luôn bị triều cường uy hiếp. Như Cửa Đại của thành phố Hội An đã tốn rất nhiều tiền của, công sức cho trị thủy nhưng bờ biển vẫn mỗi ngày một sạt sở, cuốn trôi đất, các công trình ở nơi đây.

Hay những của biển bị sạt lở ở thượng nguồn đổ về cũng với đồi xói lở đã bồi lấp nặng nề, có nơi như Cửa Lở, Cửa Đại (Quảng Nam) cửa biển Mỹ Á, Sa Cần, Sa Kỳ Cửa Ðại, ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nhiều lúc bị bồi lấp gần như hoàn toàn, tàu thuyền ra vào khai thác hải sản rất khó khăn. Có lúc hàng nghìn tàu thuyền không thể ra khơi.

Động đất trong khu vực thủy điện

Tại huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thuộc khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2) từ khi xây dựng đến nay đã liên tiếp xảy ra động đất. Dù các cơ quan chức năng khẳng định, đây là động đất kích thích ngày càng giảm và hết đi. Thế nhưng thực tế thì ngược lại, động đất ngày càng nhiều. Có ngày đến 4 trận, khiến người dân bất an.

Mới đây nhất, ngày 26/7, Viện Vật lý địa cầu đã phát đi thông báo, khu vực TĐST2 đã xảy ra đến 4 trận động đất trong một ngày. Có trận lên đến 3,5 độ Richter. Những trận động đất đã làm rung chấn nhà cửa, người dân cảm thấy lo lắng bất an.

Thiên tai ngày càng khốc liệt - Kỳ 1: Sống trong vùng sạt lở, động đất - 1

Khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, nơi thường xuất hiện động đất.

Ông Hồ Văn Lợi- Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết: “Bà con rất lo lắng, không hiểu sao động đất xảy ra thường xuyên. Nhiều lúc xảy ra khi tối trời khiến nhiều người đang ngủ phải bật dậy, hoang mang lo lắng”. Không chỉ ông Lợi mà các địa phương thuộc khu vực TĐST2 từ chính quyền đến người dân lo lắng.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn 4, Trà Tân, Bắc Trà My cho biết: “Trước đây động đất xảy ra liên tục, có lúc 4 ngày xảy ra 13 trận. Mỗi lẫn nghe tiếng nổ ầm ầm, mọi người bỏ chạy tìm nơi trú ẩn chẳng làm được việc gì cả. Người dân cứ nơm nớp lo sợ vì không biết rồi sẽ xảy ra điều gì nữa. Thế rồi một thời gian nó tạm yên ắng. Không hiểu sao những ngày qua lại liên tiếp xảy ra”.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Doan (ở thôn tư xã Trà Đốc), có nhà ngay dưới chân đập chính ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My cho rằng: “Ở gần đập TĐST2 mà liên tiếp xảy ra động đất khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Thời gian qua thấy thi thoảng mới xảy ra động đất, nhưng gần đây lại liên tiếp xảy ra. Mưa càng lớn động đất càng nhiều. Lo thật đây, nhưng biết làm gì. Thế rồi phải lên nương lên rẫy mưu sinh thôi”.

Anh Hồ Văn Nam người địa phương cho biết: “Chúng tôi được cấp trên giải thích, đây là động đất kích thích do thủy điện tích nước một thời gian sẽ hết, nhưng hết đâu chưa thấy chỉ thấy động đất liên tục. Ngày càng có nhiều trận động đất. Trong khi đó mùa mưa, bão sắp về bà con lo lắng lắm!”.

Dù cán bộ, người dân nơi đây đã được tập huấn phòng chống động đất và đã có hơn 200 cán bộ từ cấp huyện đến xã, thôn, giáo viên các trường ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam được tập huấn kỹ năng đối phó và giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra. Cùng với đó là nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân cũng như công tác tuyên truyền để an dân.

Ông Trần Anh Tuấn- Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Từ khi xảy ra động đất, huyện đã kiến nghị các bên liên quan giải quyết thiệt hại do động đất và hỗ trợ người dân ở các khu tái định cư. Cụ thể, huyện đề nghị tỉnh Quảng Nam đã trợ cấp cho người dân 2 tháng lương thực với mức 25kg/người/tháng. Đồng thời đề nghị Tập đoàn Điện lực VN cấp thêm 24 tháng lương thực cho người dân thuộc diện trên. Cùng với đó, UBND huyện thành lập Tổ công tác kiểm tra tình hình thiệt hại do rung chấn động đất và đề xuất phương án khắc phục cũng như đã xây dựng xong phương án sơ tán dân vùng nguy hiểm khi có biến cố, thảm họa xảy ra”.

Nói về trận động đất ngày 26/7, ông Trương Tý (Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão) cho rằng, TĐST2 theo thiết kế chịu đựng đến 5.5 độ Richter. “Nếu xảy rung chấn ở độ Richter thấp hơn độ Richter cho phép của TĐST2 thì thôi. Nếu vượt ngưỡng lớn hơn thì ban sẽ báo cáo nhanh ra Viện Vật lý địa cầu để họ vào phân tích theo dõi. Nhưng trong lịch sử tại vùng này đã xảy ra trận động đất lớn nhất là 4.7 độ Richter”- ông Tý nói.

Dù làm tốt công tác an dân, từ hỗ trợ đời sống đến tái định cư cho những người dân bị ảnh hưởng của thủy điện. Cán bộ luôn có mặt ở những nơi xảy ra động đất, kịp thời chia sẻ, thống kê thiệt hại để đề ra những chính sách hay hành động cụ thể để giúp dân.

Thế nhưng, thực tế kể từ khi khởi công xây dựng TĐST2 cuộc sống người dân nơi đây đã bị xáo trộn, cho dù họ được đền bù, có người nhận được tiền tỉ, nhưng động đất liên tiếp xảy ra khiến bà con cảm thấy bất an.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiên tai ngày càng khốc liệt - Kỳ 1: Sống trong vùng sạt lở, động đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO