Món ngon từ rêu đá

Hương Giang 20/10/2016 21:39

Nếu bạn một lần được thưởng thức món rêu đá, chắc chắn sẽ không thể nào quên. Với nhiều dân tộc ở khu vực miền núi phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu… rêu đá từ lâu đã thành những món ăn đặc sản.

Nhiều món ngon được chế biến từ rêu đá.

Rêu đá có nhiều ở các con suối, đặc biệt, chúng chỉ sống ở những nơi nguồn nước trong lành, thường là ở thượng nguồn con suối. Người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang, tỉnh Hà Giang luôn coi đặc sản trong ẩm thực của họ. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.

Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt, sau đó có thể chế biến thành nhiều món. Theo kinh nghiệm của những người dân ở đây thì rêu chỉ sống trong 7 ngày, khi nó mọc lên 3 - 4 ngày là đi vớt được rồi, còn quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệch và không ăn được nữa”.

Rêu có thể được chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng. Sau khi xé tơi rêu thì trộn các gia vị như xả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ và có thể cho 1-2 hạt dổi vào để cho thơm cùng với muối, mì chính, sau khi trộn xong gói lá rồi nướng trên than bếp.

Khi nướng, người ta không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Có thể nhấm nháp rêu đá nướng với rượu sán lùng hoặc ăn kèm rêu đá nướng với xôi trắng cũng rất ngon. Vì rêu ăn được chỉ có theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ có khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.

Rêu đá cũng là món ăn đặc sản của người dân tộc Thái ở Tây Bắc và được người dân nơi đây chế biến thành rất nhiều món như xào, luộc, nấu canh, nộm. Tùy từng loại rêu để chế biến các món ăn khác nhau. Với những mẻ rêu non người Thái thường dùng để chế biến nộm. Sau khi rửa sạch rêu cho vào chõ đồ cho chín tới rồi trộn cùng mì chính và các gia vị như gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng)… Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ.

Rêu đá mọc theo mùa từ tháng 9, 10 âm lịch đến hết tháng 5. Các bờ suối quanh khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ, (Yên Bái), Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên) và sông Đà ở Lai Châu có rêu đá tươi non nổi tiếng. Rêu tự mọc lên từ tất cả các hòn đá trong suối như một quy luật tự nhiên. Để rồi vào những ngày nắng ấm, các cô gái Thái rủ nhau đi lấy rêu đem về chế biến thành món ăn đặc sản.

Theo kinh nghiệm dân gian thì thường xuyên ăn món rêu nướng sẽ giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và có tác dụng trị nhiều chứng bệnh mãn tính khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Món ngon từ rêu đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO