Moscow kêu gọi JIT điều tra khách quan thảm họa MH17

Ngân Anh (theo Sputnik) 17/07/2019 17:30

Ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Đội điều tra chung (JIT) đã phớt lờ sự thật để buộc tội Moscow trong vụ tai nạn của chuyến bay MH17 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines xảy ra năm 2014.

Moscow kêu gọi JIT điều tra khách quan thảm họa MH17

Hiện trường vụ tai nạn năm 2014. (Nguồn: Sputnik).

"Nga kêu gọi JIT tập trung vào mục tiêu chính, phân tích khách quan tất cả các dữ liệu sẵn có để xác định lý do thực sự của thảm họa và tìm ra ai thực sự đứng sau thảm kịch”, trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Brussels một lần nữa đổ lỗi cho Nga về thảm họa MH17, nhưng lại từ chối cung cấp các bằng chứng để chứng minh điều đó.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Nga đã đưa ra những dữ liệu “đắt giá” về vụ việc, nhưng các nhà điều tra liên tục bỏ qua thông tin quan trọng này và "che giấu nó trong các sự kiện báo chí của JIT".

Các nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định, Moscow sẵn sàng hợp tác với JIT, nhưng nhấn mạnh rằng, quá trình điều tra phải đảm bảo minh bạch và tránh những cáo buộc có động cơ chính trị, vô căn cứ.

Thảm họa MH17

Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã rơi xuống phía Đông Ukraine vào ngày 17/7/2014, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự ở khu vực đang leo thang bởi cuộc đảo chính ở Kiev.

Tất cả 298 hành khách trên máy bay, chủ yếu là công dân Hà Lan và Malaysia, đã tử vong trong vụ tai nạn.

Ngay sau vụ việc, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tuyên bố mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào rằng, Nga phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này.

Những cáo buộc này đã được Washington và Brussels sử dụng như một cái cớ để đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow, trong khi Nga liên tục bác bỏ các cáo buộc.

Một nhóm điều tra chung được thành lập ngay sau vụ tai nạn do Hà Lan dẫn đầu, đã mời Ukraine, Bỉ và Australia tham gia mà không có Nga.

Năm 2018, JIT tuyên bố rằng, chiếc máy bay đã bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa Buk, được cho là xuất phát từ Lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của quân đội Nga, trích dẫn thông tin mật do Chính phủ Hà Lan và Mỹ cung cấp. Ở thời điểm này, JIT đã sử dụng hình ảnh từ mạng xã hội để chứng minh cho tuyên bố.

Đáp lại các cáo buộc, Moscow đã tiến hành điều tra riêng cho thấy, tên lửa Buk tấn công chuyến bay được chế tạo tại Nhà máy Dolgoprudny ở Moscow năm 1986 đã được giao cho một đơn vị quân đội ở Ukraine và vẫn ở đó sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Tuy nhiên, bằng chứng đã hoàn toàn bị bỏ qua bởi cuộc điều tra do Hà Lan dẫn đầu.

Trong phát hiện mới nhất của mình, JIT đã gọi tên 3 công dân Nga và một người Ukraine là nghi phạm trong thảm họa MH17 và tuyên bố rằng, một phiên tòa xét xử vụ án sẽ bắt đầu ở Hà Lan vào tháng 3/2020.

Moscow một lần nữa dập tắt những lời buộc tội, kêu gọi một cuộc điều tra không thiên vị.

Theo Tổng thống Vladimir Putin, Nga sẽ chỉ công nhận kết quả của JIT nếu được phép tham gia vào nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Moscow kêu gọi JIT điều tra khách quan thảm họa MH17

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO