Một dự án bị lãng phí

Anh Tuấn 20/03/2017 09:55

Tỉnh Ninh Bình quyết định bỏ ra gần 10 tỷ đồng xây dựng cây cầu Hảo Nho chủ yếu nhằm phục vụ cho 90 hộ dân (hiện tại còn gần 40 hộ) và 100 héc ta đất sản xuất nông nghiệp của xã Yên Lâm.

Song bên cạnh đó, tỉnh này còn cho phép huyện Yên Mô được đầu tư thêm Dự án di dân với tổng nguồn vốn lên tới 60 tỷ đồng để di dời toàn bộ xóm Nhân Phẩm về bên đất liền. Câu hỏi đặt ra, phải chăng có một trong hai dự án bị lãng phí? Nếu đã lập dự án di dân thì rõ ràng việc xây dựng cây cầu Hảo Nho là không cần thiết.

Có cầu Hảo Nho nhưng người dân xóm Nhâm Phẩm vẫn qua lại kênh nhà Lê bằng đò.

Chưa trả hết tiền cho dân

Để thực hiện xây dựng cầu Hảo Nho, chính quyền huyện Yên Mô phải tổ chức giải phóng mặt bằng với tổng diện tích hơn 15.000m2 đất của 7 hộ dân và một tổ chức. Trong đó riêng phần đất ở chiếm 718m2 thuộc về 3 gia đình ông Nguyễn Văn Đạm, Nguyễn Văn Cương và Phùng Văn Thế.

Đáng nhẽ, công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước, người dân phải được cấp đất tại nơi tái định cư, khi đó mới tiến hành thực hiện dự án. Tuy nhiên, huyện Yên Mô làm ngược quy trình và tới thời điểm giữa tháng 3-2017 này, câu chuyện đền bù, hộ trợ dân vẫn chưa thực hiện xong.

Làm việc với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Hoa - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện Yên Mô, Phó ban thường trực quản lý Dự án cầu Hảo Nho xác nhận: Trong quyết định phê duyệt thiết kế, đầu tư, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên dự toán không có mục giải phóng mặt bằng. Tỉnh giao việc này cho huyện, xã thực hiện.

Chính vì vậy, trước khi xây cầu, huyện có khó khăn nên giao cho UBND xã Yên Lâm vay tiền của Doanh nghiệp Nhật Dung để hỗ trợ, bồi thường phần cây cối, kiến trúc trên đất cho dân! Phần đất 12.084m2 của Nhà nước quản lý thì chưa được nhận đồng nào. Hiện nay, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô đang giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng làm tờ trình báo cáo UBND tỉnh.

Đối với diện tích đất ở, các hộ dân có nguyện vọng đổi đất lấy đất. Ông Phùng Văn Thế cho biết: “Gia đình đã tách làm hai hộ, đất bàn giao cho Nhà nước từ năm 2012, nhưng sau nhiều lần đề nghị, xã đã xác nhận nhưng chúng tôi vẫn chưa được cấp 220m2 đất ở. 6-7 con người sống trong căn hộ không đầy 40m2 rất chật chội”.

Thực tế, đầu tháng 3, thời điểm làm việc với phóng viên, ông Phạm Văn Hoa hứa: “Sẽ giao đất cho dân trong thời gian sớm nhất”. Động thái tích cực của UBND huyện Yên Mô được ông Phùng Văn Thế, trú xã Yên Lâm khẳng định là chính quyền đã chia đất cho dân sau hơn 4 năm rời nơi ở cũ. Đất đã giao nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng chưa có. Hơn thế, về phần tiền đền bù còn lại mấy chục triệu đồng, huyện vẫn chưa chi trả.

Lãng phí!

Trong khi phần kinh phí để xây dựng cây cầu Hảo Nho còn eo hẹp thì UBND huyện Yên Mô lại tiếp tục lập một dự án di dân tại xã Yên Lâm để di dời toàn bộ xóm Nhân Phẩm về bên đất liền.

Dự án này cũng đã được phê duyệt với tổng kinh phí khoảng 60 tỷ đồng, quả rất khó hiểu. Bởi nếu thực hiện chương trình di dân thì có lẽ việc xây dựng cây cầu là chưa cần thiết để rồi dẫn tới cả hai dự án hiện vẫn đang dang dở.

Ông Nguyễn Đức Thận - Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: Khu tái định cư được xây dựng trên khu đất rộng 5ha, tổng nguồn vốn khoảng 60 tỷ đồng. Hiện, nhà thầu mới thực hiện phần san lấp mặt bằng, làm đường giao thông nội khu. Nguyên do chậm trễ trong xây dựng Dự án này là bởi nguồn vốn giai đoạn I mới chỉ được giải ngân khoảng 5 tỷ đồng.

Giải thích về sự lùng nhùng giữa hai dự án, ông Phạm Văn Hoa - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện Yên Mô cho biết: Cả hai dự án đều cần thiết. Thế mạnh của xã Yên Lâm là sản xuất vật liệu xây dựng từ nguồn đá núi. Mỏ đá Hảo Nho ra đời từ khá lâu nhưng trước đây phải vận chuyển tăng bo qua kênh nhà Lê bằng thuyền. Ngoài ra, cách đó không xa còn có mỏ đá Kim Phát…

Song có thể khẳng định, cây cầu Hảo Nho chủ yếu phục vụ cho việc vận chuyển đá của Doanh nghiệp Hảo Nho, bởi mỏ Kim Phát nằm cách xa cầu Hảo Nho khoảng hơn 1km, gần như không đi qua cây cầu này.

Mặt khác, đến khi dự án di dân hoàn thành, xóm Nhân Phẩm di dời về nơi ở mới thì cây cầu Hảo Nho gần như trở thành sở hữu riêng của Doanh nghiệp Hảo Nho.

Điều này đặt ra câu hỏi, đáng nhẽ cây cầu phải do chính doanh nghiệp này bỏ tiền ra đầu tư xây dựng, trong đó có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước sẽ hợp lý hơn.

Chính ông Phạm Văn Hoa cũng thừa nhận: “Trực quan nhìn vào, cây cầu Hảo Nho đâm thẳng vào mỏ đá của Doanh nghiệp Nhật Dung”. Như vậy, nếu doanh nghiệp muốn được tiếp tục sử dụng thì bỏ tiền ra thuê hoặc mua lại cây cầu do Nhà nước đầu tư mới đảm bảo tính khách quan và đảm bảo sự công bằng đối với hàng trăm doanh nghiệp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một dự án bị lãng phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO