Một hội chợ đặc biệt

T.H 22/10/2022 08:00

Sáng 21/10, một Hội chợ được cho là khá đặc biệt đã diễn ra tại Cần Thơ. Nói đặc biệt, là vì ở đó các doanh nghiệp chỉ trưng bày các sản phẩm và giải pháp công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu; sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển cộng đồng;...

Biến đổi khí hậu đang được xem là một thách thức đối với nhân loại và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn. Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, biến đổi khí hậu và cụ thể là tình trạng nước biển dâng, xâm ngập mặn đang ngày nghiêm trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm thiệt hại nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu, nuôi trồng và chế biến nông thủy sản.

Hiện vùng ĐBSCL có diện tích gần 4 triệu ha (39.734 km2), trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản. Đây cũng được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp 55% sản lượng, hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.

Thế nhưng, biến đổi khí hậu đã và đang gây nhiều thiệt hại cho sản xuất ở ĐBSCL. Một kết quả khảo sát cho thấy, biến đổi khí hậu làm tăng chi phí sản xuất lúa thêm 18%; cây ăn quả 34,5%; nuôi trồng thủy sản 36,8% và cây trồng khác (như rau màu) 31,7% trong trường hợp bị xâm nhập mặn. Còn một khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, mùa vụ 2019 - 2020 vừa qua, thiệt hại vùng cây ăn trái tại một số tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang lên đến 30.000 ha.

Vì vậy, theo ông Lam, nếu như không có những giải pháp từ xa, nền tảng, căn cơ cho việc thích ứng thì ngành nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến nông sản nói riêng sẽ đổi mặt với nhiều khó khăn thách thức. Sự tham gia của cộng đồng, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để tránh những thiệt hại là rất cần thiết.

Hội chợ lần này cũng là một trong những hoạt động của Mạng lưới doanh nghiệp khu vực ĐBSCL, vừa được VCCI Cần Thơ thành lập vào tháng 5/2022. Đây là hội chợ đầu tiên mang tính chuyên để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Để tìm ra giải pháp thích ứng hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu thì chính các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động. Đó là sự chủ động liên kết, cùng nhau thích ứng, phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra. Vì vậy, mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng điều đáng mừng theo ông Lam là các doanh nghiệp đã quan tâm, nhận thức rõ hơn, tham gia một cách có trách nhiệm, mang sản phẩm dịch vụ, giải pháp mang tỉnh mở lối, độc đáo, có tính khả thi, thực tiễn cao, để các doanh nghiệp khác có thể hợp tác, nhận chuyển giao và ứng dụng để đầu tư kinh doanh một cách có hiệu quả.

Thông qua chuỗi sự kiện, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ hơn vào các hoạt động thích ứng biển đối khí hậu và phòng chống rủi ro thiên tai, tìm kiếm các giải pháp, mô hình sản xuất bền vững và thúc đẩy cơ hội kinh doanh, trao đổi giải pháp thích ứng cho nhiều thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị nông, thủy sản khu vực được mệnh danh là vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một hội chợ đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO