Một mùa thi chưa có tiền lệ

Bắc Phong 23/05/2020 08:00

Mùa thi năm nay của bậc học phổ thông được xã hội đặc biệt chú ý. Vì rằng suốt mấy tháng qua, đại dịch Covid-19 đã khiến việc đến trường, việc học hành gặp nhiều khó khăn.

Phụ huynh băn khoăn không biết việc học trực tuyến (qua mạng internet) có bảo đảm chất lượng hay không, rồi thì thi cử thế nào, đánh giá học sinh của cả năm học thế nào. Đã thế, vụ án xét xử gian dối trong kỳ thi TPHT năm 2018 ở Hòa Bình mới diễn ra gần đây, càng khiến người ta suy nghĩ.

Một mùa thi chưa có tiền lệ

Hướng dẫn thí sinh làm thủ tục thi. Ảnh: Quang Vinh.

Sáng 21/5, sau một tuần xét xử và 4 ngày nghị án, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên án với 15 người trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình. Trong đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, cựu Trưởng phòng khảo thí) 8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, cựu Hiệu phó Trường nội trú huyện Lạc Thủy) bị phạt 3 năm tù. Ngoài ra, bị cáo còn chịu 7 năm tù về tội nhận hối lộ, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù. Bị cáo Khương Ngọc Chất (45 tuổi, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh) 6 năm tù. Các bị cáo khác là Diệp Thị Hồng Liên (46 tuổi, cựu Phó phòng khảo thí) 3 năm tù; Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên Phòng khảo thí) 5 năm tù; Nguyễn Thị Thu Loan (giáo viên) 2 năm tù, Nguyễn Thị Hồng Chung (giáo viên) 21 tháng tù.

Các bị cáo Bùi Thanh Trà (giáo viên) 18 tháng tù treo, Nguyễn Đức Hoàng (cựu thanh tra viên Phòng thanh tra) 18 tháng tù treo, Lê Thị Hồng (cựu Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) 30 tháng tù treo, Quách Thanh Phúc (cựu Hiệu phó Trường THPT 19/5) 18 tháng tù treo, Nguyễn Tân Hưng (cựu cán bộ Phòng khảo thí) 18 tháng tù treo, Đào Ngọc Thuật 30 tháng tù treo, Phùng Văn Thụ (cựu Trưởng phòng giáo dục thường xuyên) 15 tháng tù treo cùng về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Riêng bị cáo Hồ Chúc (cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy) lĩnh 30 tháng tù về tội đưa hối lộ.

Thật đáng lo ngại khi nhìn vào “danh sách” bị cáo, người ta thấy rằng có sự móc nối chặt chẽ, có sự tổ chức làm bậy hòng mưu lợi riêng. Trong môi trường được cho là rất sạch, buộc phải sạch là nhà trường thì nay cũng lộ ra những điều xấu xa của một nhóm người. Việc học tập, nhất là thi cử phải luôn đàng hoàng trong sáng, không thể mua bán đổi chác, không thể vì bất cứ lý do gì làm cho nó hoen ố. Vì rằng với kết quả thi được sửa chữa nâng không điểm sẽ tạo ra biết bao điều tàn tệ, không chỉ với những kẻ cầm tiền rồi nhắm mắt làm bậy mà lâu dài hơn là còn với những con người được học tiếp lên, có được bằng cấp để bước vào đời; cho dù không phải họ trực tiếp làm điều xấu.

Rồi đây cuộc đời của các em sẽ ra sao khi vết nhơ ấy bám theo suốt cuộc đời. Ý chí, khát vọng của các em có bị thui chột không khi mà cuộc đời phía trước còn quá dài.

Không chỉ vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình như đã nói mà trước đó, cũng đã có những vụ gian lận thi cử khác rất đình đám ở Hà Giang, Sơn La được đưa ra ánh sáng. Nói vậy để thấy thi cử đã có vấn đề, trong khi rất cần phải nghiêm túc. Không vội “nghi” mùa thi năm nay có vấn đề, nhưng cũng không thể không lo vì rằng cả mấy tháng trời việc dạy và học “tránh Covid-19” khó khăn đến thế. Liệu có vì thế mà “thông cảm”, mà xuê xoa, dễ dãi hay không? Nếu như vậy sẽ tạo ra lỗ hổng lớn trong thi cử, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông, để từ đó vào đại học.

Trong tình thế khó khăn thì việc thi cử cũng vẫn rất cần sự nghiêm ngắn. Khó khăn là khó khăn chung, nên nếu dễ dãi, buông lỏng, hoặc là lợi dụng tình thế để cấu kết làm sai thì sẽ tạo ra sự không công bằng đối với cả một thế hệ học sinh.

Nhân đây cũng cần nói thêm rằng bệnh thành tích trong giáo dục tuy đã từng bị lên án, siết lại nhưng vẫn còn. Với “những con số đẹp” của học sinh lên lớp, học sinh giỏi, tỉ lệ chuyển cấp, thi tốt nghiệp vẫn đang là băn khoăn của nhiều người. Tỉ lệ cao quá đến độ gần cả trăm phần trăm nên không ít ý kiến cho rằng đã thế thì không cần phải thi làm gì.

Trở lại việc thi trung học phổ thông năm nay trong “tình thế Covid-19” và bài học nhãn tiền vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình, thiết nghĩ cũng cần thiết đưa ra một lời cảnh báo. Cảnh báo để có biện pháp ngay từ đầu, mạch lạc trong tổ chức thi, coi thi, chấm thi. Chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng một mùa thi tốt đẹp, cho dù có nhiều khó khăn và chưa có tiền lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một mùa thi chưa có tiền lệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO