Một ngày trên phố Cảng

Hoài Dương 11/12/2016 11:25

Hải Phòng vốn nổi tiếng với Đồ Sơn, Cát Bà háp dẫn du khách bằng những tour du lịch biển đảo hấp dẫn. Nhưng đến thàng phố Cảng lang thang ở khu trung tâm, tìm hiểu nhịp sống thường dân nơi đây cũng là một trải nghiệm thú vị.

Bến sông Tam Bạc.

Nơi đây từng là thành phố quan trọng bậc nhất Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, đầu mối giao thông với cảng biển lớn. Cũng như Hà Nội, Sài Gòn (TP.HCM), đô thị Hải Phòng in đậm quy hoạch, kiến trúc của người Pháp.

Nhưng tốc độ phát triển đô thị của Hải Phòng không quá “nóng” như Hà Nội, TP HCM, hay Đà Nẵng, nên may mắn là thành phố Cảng vẫn giữ được những nét xưa cũ. Bởi vậy, du khách vẫn còn cơ hội ngắm nghía những công trình kiến trúc mang dấu ấn từ thời thuộc địa, công trình cũ gợi nét u hoài bên cạnh những tòa nhà cao tầng, hiện đại.

Chuyến hành trình thăm thú những con phố xưa cũ bắt đầu từ chân cầu Lạc Long- nơi tọa lạc tòa nhà cổ kính hàng trăm năm tuổi. Tòa nhà này được người Pháp xây từ năm 1885 nằm ở đầu phố Nguyễn Tri Phương ngày nay đặt trụ sở Ngân hàng Đông Dương.Giờ là trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Hải Phòng.

Một công trình kiến trúc Pháp còn nguyên vẹn.

Đối diện với tòa nhà này là 2 phố cổ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển đô thị của thành phố Cảng. Uốn lượn theo con sông Tam Bạc thơ mộng, phố Tam Bạc trước đây khá sầm uất với các bến tàu luôn tấp nập ngược xuôi thuyền bè. Chạy song song với phố Tam Bạc, phố Lý Thường Kiệt còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc xưa. Nhà ở đây xuyên từ phố Lý Thường Kiệt sang phố Tam Bạc.

Những bức tường vàng ố màu thời gian, những cánh cửa gỗ hẹp ngang và cao của các ngôi nhà ống lợp ngói âm dương theo phong cách kiến trúc cổ Trung Quốc (thời kỳ trước phố này được gọi là phố Khách vì có nhiều người Hoa đến đây sinh sống, buôn bán) xen lẫn với những ngôi biệt thự kiến trúc Gô-tích của Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 với những ô cửa sổ nhỏ nằm chót vót trên mái vòm. Nhà số 14 ngõ Gạo (nay là ngõ 61) từng là trạm giao liên quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời trước Cách mạng Tháng Tám.

Nhà hát thành phố Hải Phòng, niềm tự hào của phố Cảng. Quy hoạch xây dựng nhiều đô thị ở Việt Nam, song người Pháp chỉ để lại 3 nhà hát ở các thành phố: Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng. Đây là công trình trung tâm, là điểm nhấn đô thị; và cho đến giờ Nhà hát và quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng vẫn giữ được nguyên vẹn.

Qua những con đường dành cho cơ quan hành chính, đầy ắp những tòa nhà kiến trúc thuộc địa, những con đường buôn bán sầm uất của thành phố như phố Cầu Đất, chợ Ga, phố Quang Trung, phố Lãn Ông. Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ trước, ghi chú cả năm tháng, phủ rêu phong và bụi thời gian, nằm phía sau dãy hàng quán, như khẳng định sự hiện diện rất lâu ở thành phố.

Nhịp sống bình dị.

Một điều lạ là trung tâm thành phố không đông khách du lịch. Hầu hết là hoạt động thường ngày của người dân địa phương. Các dịch vụ hàng quán và các loại hình giải trí đầy đủ. Hải Phòng cũng có những con hẻm nhỏ giữa những khu dân cư, khu tập thể cũ kỹ như ở Hà Nội hay TP HCM. Các hàng quán bán những món đồ rất đặc trưng và gắn liền với đời sống người dân từ bao năm nay.

Không giống Quảng Ninh, Nha Trang, hay Vũng Tàu, từ trung tâm thành phố đã có thể cảm nhận được hương vị của biển. Nhưng từ trung tâm Hải Phòng, muốn tận hưởng hương vị biển thường phải ra Đồ Sơn, cách chừng 20 km hoặc ra các đảo Cát Bà, Lan Hạ.

Bởi thế những dòng sông nhỏ len lỏi trong thành phố hay những hồ nước tự nhiên và nhân tạo luôn là nơi lý tưởng để người dân cũng như du khách dừng chân.

Một trong những điều đặc biệt ở thành phố này là có rất nhiều di tích. Như đền Nghè, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, không chỉ là một điểm du lịch tâm linh thuộc hàng di sản, mà còn là nơi người dân thành phố đến viếng vào mỗi buổi chiều hàng ngày để cầu xin phước lộc.

Đình Hàng Kênh có tên chữ là Ðình Nhân Thọ, được coi là công trình kiến trúc mang đầy đủ dáng dấp của một ngôi đình cổ Việt Nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII, đến năm 1905 được mở rộng như ngày nay. Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý: Văn bia ghi tên tuổi những người của làng đỗ đạt từ năm 1460 đến năm 1693.

Hơn ba thế kỷ đã trôi qua, nhưng đỉnh Hàng Kênh vẫn còn nguyên vẹn nét cổ xưa: mái đình cong cong, cây đa cổ thụ nghiêng mình dưới làn nước trong xanh của hồ bán nguyệt. Đặc biệt là lễ hội tưởng niệm người anh hùng dân tộc Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng vào năm 938 vẫn được duy trì từ thế kỷ XVII tới nay.

Đã tới một thành phố thì dứt khoát phải thưởng thức một món đặc trưng ở nơi đây. Và nhắc tới Hải Phòng, chắc hẳn ai cũng đang nghĩ tới những món ốc, ốc hấp xả, ốc xào dừa, ốc xào me… với vô vàn các loại ốc, các cách chế biến khác nhau.

Có thể qua đường Lê Lợi, khu mặt đường, gần chợ Lương Văn Can, rất nhiều các hàng ốc đều sạch sẽ, ngon lành, giá cả phải chăng. Hàng ốc đầu đường Đình Đông, gần đoạn cắt với đường Tô Hiệu thì nổi tiếng hơn, đông hơn.

Ốc được bày trong những chậu to hoặc nhỏ thành cả một khu vực để khách có thể xem và chọn tùy thích. Cũng có nhiều loại tên lạ như ốc đỏ môi, khách thường không biết nên chủ hàng bày ra để có thể chỉ cho khách thấy các loại khác nhau như thế nào. Một nhóm vào hàng ốc chắc cũng chỉ mất khoảng 100.000 đồng/người.

Đặc biệt, mùa đông đến, các bạn còn có thể thưởng thức món giá bể xào. Giá biển (giá bể) là một loài nhuyễn thể, có 2 vỏ màu xanh, to bằng ngón tay nhưng ẩn chứa bên trong là một lớp thịt (giống như con hến) thơm ngọt, cùng với cọng chân trông giống như giá đỗ.

Ở thành phố này, du khác không bị hét giá khi vào cửa hàng ăn uống. Trái lại người bán hàng khá thân thiện, phong cách phục vụ đậm chất hào sảng của dân miền biển.

Dễ nhận thấy, dù là một thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, đầu mối giao thông đường biển, nhưng Hải Phòng ít ồn ã, xô bồ. Thành phố Cảng vẫn mang dáng vẻ trầm lắng xưa cũ mà có lẽ ít thành phố lớn nào còn giữ được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một ngày trên phố Cảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO