Một nhà báo 'viết trong lửa đạn'

Linh Phong 29/04/2020 08:00

Đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), một ấn phẩm mới của nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành. Cuốn sách có tựa đề “Viết trong lửa đạn”.

Một nhà báo 'viết trong lửa đạn'

Ấn phẩm “Viết trong lửa đạn” của nhà báo Cao Kim vừa ra mắt bạn đọc.

“Viết trong lửa đạn” là cuốn sách thứ ba của nhà báo Cao Kim. Sau hai cuốn “Làm báo ở chiến trường – chuyện những người trong cuộc” và “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch”. Mỗi cuốn sách là một cách tiếp cận riêng của tác giả và kho tư liệu quý hiếm ở nơi ông sau bao năm tháng tìm kiếm và cặm cụi thu gom, cứ thế được mở ra để lại cho bạn đọc sự cảm kích và nhiều suy ngẫm. Ý nghĩa hơn, cuốn sách được xuất bản đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 45 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, trong đó có kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Một phần cũng bởi nhà báo Cao Kim – tác giả của cuốn sách, từng là phóng viên Báo Giải phóng, vừa cầm bút, vừa cầm súng cùng đồng đội chiến đấu với quân thù. Ông cũng từng có “giấy báo tử” sau trận chiến đấu ác liệt chống địch phản kích ở cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Cơ quan Báo Giải Phóng đã tổ chức truy điệu “liệt sĩ” Cao Kim. Ngôi mộ với tấm bia khắc tên ông đặt tại xã Long Định, huyện Cần Đước (tỉnh Long An), từng được đồng đội và người dân gìn giữ như một phần ký ức về Quân Giải Phóng.

Cuốn sách được chia làm 2 phần. Ở phần 1, sau lời giới thiệu của Nhà xuất bản và bài viết của nhà báo trẻ về câu chuyện với nhà báo Cao Kim trước khi cuốn sách hình thành là 23 bài viết của nhà báo, gồm nhiều thể loại, được chính tác giả tập hợp. Cùng với đó có nhiều hình ảnh tư liệu: các bản thảo viết tay, các trang đánh máy, những bài báo đã đăng trên các báo xuất bản tại mặt trận và phát trên sóng của Đài phát thanh Giải phóng. Có những bài đang viết dở, mới được viết tiếp và có bài chưa đăng, bây giờ mới in. Trong phần 2 – phần Phụ lục của cuốn sách, lần đầu nhà báo Cao Kim giới thiệu vở kịch vui “Ngày giáp Tết ở nhà xã trưởng” (phát trên Đài phát thanh Giải phóng) cùng bài và tranh đả kích Mỹ - ngụy do ông viết và vẽ, đã đăng báo. Ông tiếp tục giới thiệu về Báo Giải phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - nơi ông và nhiều đồng nghiệp từng gắn bó, phục vụ trong những năm kháng chiến gian khổ chống Mỹ, cứu nước, cùng một số bài viết của các nhà báo nói về tác giả.

Theo như chia sẻ, những bài viết và hình ảnh tư liệu giới thiệu trong cuốn sách này đều là những bản thảo và một số bài viết tại chiến trường còn lưu giữ được từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Trừ một số bản ông gói trong ba lô mang về, hầu hết do các đồng nghiệp thân thiết và một số đồng bào từng cưu mang, đùm bọc trong thời gian ông hoạt động tại chiến trường cất giấu giúp. Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, thỉnh thoảng ông lại nhận được một số bản thảo các bài viết hoặc sổ ghi chép của mình bị thất lạc do bạn bè và bà con từng là cơ sở của ta tìm thấy và gửi về tác giả.

Hình ảnh tư liệu được giới thiệu trong cuốn sách gồm những trang bản thảo cũ. Có bản viết trên giấy tận dụng từ phần thừa cắt ra từ loại giấy in báo đã ố vàng; có bản là giấy vở học sinh; có bản là giấy gói trà; cũng có những trang viết trên giấy pơ-luya mỏng tang...

Một nhà báo 'viết trong lửa đạn' - 1

Nhà báo Cao Kim (Kim Toàn).

Nhắc tới việc tìm lại những tài liệu thất lạc trong chiến tranh, nhà báo Cao Kim kể: “Việc tìm kiếm những tài liệu này rất công phu, không khác đi tìm hài cốt liệt sĩ. Có trường hợp tài liệu còn, nhưng người giữ đã mất. Có trường hợp người giữ còn, nhưng tài liệu không còn, do bị bom đạn hủy hoại hoặc khi gặp địch càn quét, khủng bố, người giữ tài liệu buộc phải hủy để bảo đảm an toàn. Rất nhiều nguyên nhân khiến tài liệu bị thất lạc, không thể kiếm tìm. Một số tài liệu hiếm hoi tôi nhận lại được ở đây thực sự là tình cảm của đồng đội và đồng bào với cách mạng. Họ không nề nguy hiểm, khó khăn, thậm chí đối mặt với quân địch và đánh đổi cả tính mạng của mình để giữ gìn những bài báo và bản thảo mà phóng viên báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam gửi gắm. Thế mới biết, bà con mình tin yêu cách mạng, tin vào lẽ phải và chính nghĩa như thế nào”.

Đặc biệt hơn, trong cuốn sách có những bài và ảnh đăng trên báo Giải phóng, báo Quân Giải phóng, Phụ nữ Giải phóng và các ấn phẩm khác xuất bản tại chiến trường. Một số bài của nhà báo Cao Kim gửi từ miền Nam ra Bắc, đăng trên báo chí xuất bản tại Hà Nội trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, được người anh ruột của ông cắt từ các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Cứu Quốc, Lao động, Tiền phong, Thống nhất... rồi gửi vào cho em giữa tiền tuyến lớn.

Trong thời điểm cả nước tưng bừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ấn phẩm “Viết trong lửa đạn” của nhà báo Cao Kim ra mắt công chúng góp thêm tư liệu quý, nhất là đối với những người làm báo. Qua cuốn sách này, các nhà báo trẻ hôm nay, trong đó có các nhà báo Báo Đại Đoàn kết, càng hiểu rõ và thêm tự hào về báo chí cách mạng và sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của các nhà báo – chiến sĩ trên chiến trường trong cuộc kháng chiến vĩ đại vì độc lập, tự do của Tổ quốc, từ đó càng trân trọng hơn công việc và nghề nghiệp cao quý của mình, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, hết lòng phục vụ đất nước và nhân dân trong thời kỳ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một nhà báo 'viết trong lửa đạn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO