Một quầng sáng Hà Nội

Bùi Hải Ninh 16/10/2020 16:00

Quê gốc ở Hưng Yên, từng dạy các môn Văn, Sử, Địa, nhưng ông Nguyễn Vinh Phúc đã để lại một quầng sáng của mình qua những công trình nghiên cứu về Hà Nội. Bắt đầu bằng sự đam mê nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử của đất nước, rồi cứ thế, trải qua thời gian, những cuốn sách viết về Hà Nội của ông không chỉ cung cấp cho người đọc những kiến thức về phong cảnh, tập quán, phong tục của Hà Nội mà còn khiến người đương thời gọi ông với danh xưng trìu mến: Nhà Hà Nội học.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc(1926 - 2012)

1. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong buổi trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội hồi năm 2009. Khi đó, ở tuổi 83, sức không còn khỏe lắm nhưng ông vẫn đến dự và bước lên nhận giải thưởng “đầu tiên của đời mình”.

Cái tên Nguyễn Vinh Phúc khi đó đã được rất nhiều người biết đến. Các phương tiện truyền thông thời kỳ ấy cũng liên tục “mượn” ông để hỏi chuyện. Bởi ông được ví như một “bách khoa thư” về Hà Nội. Hơn thế, phong cách của một nhà giáo có nhiều năm đứng trên bục giảng đã tạo nên một Nguyễn Vinh Phúc rất chỉn chu, mực thước. Vì thế, lại càng có nhiều báo viết về ông. Giới truyền thông cũng gọi ông là “nhà Hà Nội học”, dù danh xưng ấy đôi khi chính ông cũng không thích lắm.

Ông Nguyễn Vinh Phúc sinh năm 1926 tại Hưng Yên, trong một gia đình công chức. Thời trẻ, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Hoàn cảnh chiến tranh, không có điều kiện học hành, ông cũng như một số lớn trí thức thế hệ đó đều tự học rất nhiều (bản thân ông sử dụng được tiếng Pháp, tiếng Hán) và cuối cùng lại trở thành ông giáo đi dạy học. Hòa bình lập lại, những năm 1950-1960, thầy Phúc dạy Văn, Sử, Địa ở nhiều trường tại Hà Nội: Thăng Long, Trưng Vương, Hà Nội B (nay là Trường THPT Việt-Đức)… Cũng bởi xuất phát điểm là người thầy dạy Văn, Sử, Địa nên ông dần đam mê nghiên cứu về Hà Nội.

Đam mê một cách tự nhiên, bằng tình yêu tha thiết với mảnh đất mà ông đang sống chứ đâu phải bởi những ích lợi vật chất hay những danh xưng mỹ miều. Trước hết, ông nghiên cứu tư liệu trên báo chí, qua sách vở rồi thực hiện những chuyến điền dã để làm phong phú hơn cho những bài giảng của mình. Sau đó, quãng những năm 1960, ông bắt đầu mạnh dạn gửi bài viết của mình cho các chuyên mục phù hợp ở các báo như Thủ đô Hà Nội, Độc lập, Lao động...

Cứ thế, ông mở rộng cộng tác với báo chí. Từ những bài báo, dần dà, ông dựng thành những cuốn sách đầu tay. Nếu tôi nhớ không nhầm, cuốn sách đầu tiên của tác giả Nguyễn Vinh Phúc là cuốn “Đất nước ta”, xuất bản năm 1962. Sau đó, ông tập trung nghiên cứu, đi thực địa nhiều vùng ở Hà Nội và quãng năm 1982, ông ra cuốn sách đầu tiên của mình về thủ đô: “Hà Nội”. Đến năm 1984, ông tiếp tục ra cuốn “Hà Nội - con đường, dòng sông, lịch sử”. Cho tới khi tạ thế (ngày 28/1/2012), nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã in riêng 15 tập sách về Hà Nội: Hà Nội; Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội; Hà Nội qua những năm tháng; Hà Nội con đường, dòng sông, lịch sử; Hà Nội thành phố nghìn năm; Hà Nội và phụ cận; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây Hồ; Phố và đường Hà Nội, Hà Nội - cõi đất con người. Ngoài ra, ông cũng đứng chủ biên 6 bộ sách: Đường Hà Nội; Hỏi đáp 1.000 năm Thăng Long; Du lịch Hà Nội; Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Trước Nguyễn Vinh Phúc, nghiên cứu về Hà Nội đã nhiều người thực hiện. Có thể kể đến những tên tuổi lớn như Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thúy, Trần Quốc Vượng... với nhiều công trình nghiên cứu sống động. Song mảnh đất nghìn năm văn hiến như Hà Nội vẫn còn biết bao điều chìm khuất, mà sức mỗi người chỉ có thể đi vào được một số vấn đề, đề tài cụ thể. Đến Nguyễn Vinh Phúc, người ta thấy sự bao quát của ông ở nhiều đề tài, nhiều vấn đề. Một số vấn đề được ông tâm huyết, dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu và tương đối toàn diện. Cuốn “Hà Nội - Cõi đất, con người”, một công trình khảo cứu dày dặn về Hà Nội đã kể bao điều thú vị về đất Thăng Long – Hà Nội, nó chứng thực một đam mê nghiên cứu của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng với cuốn “Hà Nội - Phong tục, văn chương”, NXB Trẻ đã tái bản cuốn “Hà Nội - Cõi đất, con người”. Ở phần “Cõi đất”, tác giả gây hứng thú cho người đọc ở các bài “Hà Nội 36 phố phường”, “Các cửa ô Hà Nội”, “Lộ trình dời đô”… Người đọc cũng thật bất ngờ trước những phát hiện: “Ô Cầu Giấy” và “Cầu Giấy” là 2 địa điểm cách nhau dăm cây số, hay đền Đồng Cổ ven Hồ Tây bắt nguồn từ ngôi đền cùng tên ở ven sông Mã (Thanh Hóa). Tới phần sau viết về “Con người”, tác giả tập trung nghiên cứu 13 danh nhân. Dù là nhân vật cổ đại hay cận đại, ông đều nêu nhiều kiến giải mới, nhất là ở trong phần phẩm bình về thơ, phú của Nguyễn Huy Lượng, Phạm Đình Hổ, Hà Tông Quyền, Nguyễn Tư Giản…

Hai cuốn sách “Hà Nội - Cõi đất, con người” và “Hà Nội - Phong tục, văn chương” vừa được tái bản.

2. Trở lại với cuộc trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội tổ chức vào tháng 8/2009. Khi ấy, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc được nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội về các thành tựu trong hơn 50 năm nghiên cứu và đã có các công trình, tác phẩm có giá trị về Hà Nội. Từ khi xuất hiện giải thưởng này, người ta đã thấy nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc được mời đứng trong Hội đồng giám khảo. Thậm chí, từ năm 2008, chính ông là người đã sửa từng câu từng chữ cho Quy chế giải thưởng. Những người trong BTC giải thưởng khi ấy còn nhớ rất rõ là nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã cẩn thận sửa từ “chấm giải” thành từ “định giải” với hàm ý rằng, Hội đồng giám khảo không phải là người “chấm” cho các tác giả giống như chấm cho các thí sinh dự thi, mà chỉ là người căn cứ vào Quy chế đã đề ra để “phân định” xem ai và tác phẩm nào đạt đủ tiêu chí để trao giải.

Thế nên, khi biết tin mình lọt vào danh sách dự kiến đề cử Giải thưởng Lớn đầu tiên của giải này vào năm 2009 vì các thành tựu hơn nửa thế kỷ nghiên cứu về Hà Nội, trong đó, đặc biệt là 2 cuốn sách lớn ra đời vào thời điểm đó, gây tiếng vang trong cả nước, là cuốn “1.000 câu hỏi đáp về 1.000 năm Thăng Long” và “Hà Nội - Cõi đất, con người”, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã tự nguyện rút ra khỏi Hội đồng giám khảo.

Năm ấy, ông bước vào tuổi 83, sức khỏe cũng yếu đi nhiều. Trong buổi nhận giải thưởng hôm ấy, ông rút trong túi ra một tờ giấy. Đó là một bài “diễn từ” nhận giải thưởng chân thành và cảm động. “Giải thưởng thật vô tư, đầy tinh thần cống hiến. Cao cả lạ lùng, chỉ một nỗi niềm vì tình yêu Hà Nội. Còn tôi sung sướng là vì từ khi nghiên cứu về Hà Nội tới nay tôi chưa được một giải thưởng nào. Đến nay đã 83 tuổi mới được nhận một giải thưởng như đã nêu trên không chỉ cao quý mà còn là cao cả. Lần này niềm sung sướng ở tôi cũng tương tự như từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, bạn đọc, công chúng đã gọi tôi là “Nhà Hà Nội học” một danh hiệu dân dã không quyền lợi, không bổng lộc nhưng thân mật và đầy ưu ái... Tôi tuy đã già nhưng vẫn thấy lòng dạ xốn xang và cảm tạ trước hết là tấm lòng của gia đình cụ Phái..., khiến tôi như trẻ ra, như mạnh lên và phải chăng đây sẽ là nguồn sinh lực mới tài bồi cho tôi để có thể viết nhiều về Hà Nội và cho Hà Nội”- ông khảng khái.

3. Sau này, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc còn được vinh danh một lần nữa. Đó là năm 2010 khi ông nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” trong đợt phong tặng đầu tiên. Nhưng phẩm cách của một nhà giáo yêu Hà Nội bằng cả tấm lòng vẫn không hề thay đổi. Trong căn nhà ông trên phố Ngô Quyền lúc ông còn sống, sách báo la liệt. Những năm cuối đời, Nguyễn Vinh Phúc vẫn không thôi nung nấu dự định hoàn thành những công trình nghiên cứu của mình về Hà Nội. Dấu ấn của ông, tình yêu của ông với Hà Nội cho thấy sự tận tâm, tận lực, tận hiến cho văn hóa Hà Nội.

Không chỉ viết sách, ông Nguyễn Vinh Phúc còn có nhiều hoạt động khác đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo tồn văn hóa Hà Nội. Ông là thành viên hội đồng cố vấn đặt tên phố, tên đường Hà Nội. So với các đô thị khác ở Việt Nam, thủ đô Hà Nội có một cách đặt tên đường phố rất đặc biệt: Tên được đặt theo từng cụm, mỗi cụm tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử. Và ông Nguyễn Vinh Phúc là người tích cực bảo vệ cách đặt tên độc đáo này.

Nhà sử học Lê Văn Lan từng nhận xét: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc là sự tiếp nối dòng mạch công trình của những cây bút chuyên khảo như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng, Nguyễn Văn Tố, và lại chỉ khuôn các công trình của mình vào cho Hà Nội. Trong thời gian gần đây, miên man và cơ man nào là sách viết về Hà Nội nhưng lại thiếu vắng hẳn những công trình như của Nguyễn Vinh Phúc".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một quầng sáng Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO