Một thời sân khấu Hà thành

1/2017 NSND Doãn Châu 20/01/2017 17:35

Ngày còn trẻ, nghe các cụ nói với nhau về “Cái thời xa xưa” mà nghĩ lại buồn cười vì tôi cứ tự hỏi: Chắc còn lâu lắm mới tới lúc mình giống các cụ khi nói về “Cái thời xa xưa” cùng những kỷ niệm của cả một thời trai trẻ vùng vẫy trong khung trời Nghệ thuật với bao nhiêu dấu ấn đọng lại trong cuộc đời... Ấy mà rồi thời điểm đó cũng đến... Điều mà chẳng ai cần “Phấn đấu “ cũng đến. Đó là tuổi già!

NSND Doãn Châu.

Tuổi già hay ngoái cổ nhìn lại những quãng đường đã đi qua để mà vui vẻ, tự hào, để mà yên tâm với những gì mình đã đóng góp cho cuộc đời, cho xã hội. Nhưng đồng thời cũng để thấy cả những kỷ niệm buồn, những điều nếu “đừng xảy ra” thì cõ lẽ tốt hơn nhiều..

Dịp cuối năm, xem chương trình Sing My song trên VTV 3, thấy cháu Trọng Hiếu sáng tác và hát bài Ông bà anh mà rồi giai điệu cũng như lời bài ca cứ day dứt, vấn vương mãi trong đầu óc tôi: Ông bà anh yêu nhau thời chưa có Tivi... Ông nói với anh, tình yêu ngày đó đẹp lắm con ơi... Cầm tay nhau một giây, nhớ nhau suốt cả đời...

Đấy là tác giả bài ca chỉ nhắc tới cái đẹp của một mối tình của ông bà thời xa xưa mà đã lay động tới biết bao con tim chúng ta...

Còn chúng tôi, chúng tôi là cả một thế hệ đã làm nên lịch sử chói sáng của Sân khấu nước nhà một thời với hàng chục cuộc tình cả trên sân khấu cũng như ngoài đời, với hàng trăm, hàng ngàn chiến tích trên Sân khấu, Điện ảnh thì bút nào tả xiết được hết sự phong phú và muôn màu muôn vẻ của lớp nghệ sĩ này....

Cứ mỗi độ Xuân về, cái thuở xa vắng đầy ắp yêu thương những ký ức cũ lại ùa về trong tôi với bao cảm xúc khó tả .

Đã từ lâu, Biên tập viên chương trình Văn hóa- Sự kiện – Nhân vật Mỹ Linh (con gái của Giáo sư-Tiến sĩ Đình Quang) đã muốn cùng đạo diễn Doãn Hoàng Giang làm một cuốn phim về một tập thể nghệ sĩ tạm gọi là Thế hệ thứ 3 của Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng có lẽ cũng còn lâu mới thực hiện được ...

Thôi thì nhân dịp Xuân về, tôi cứ mạnh dạn ôn lại những ký ức xưa để chúng ta cùng nhìn lại những hình ảnh, những chân dung, những đóng góp, những cay đắng, ngọt bùi, những nụ cười và nước mắt của một thế hệ Nghệ sĩ đã đi vào lòng công chúng suốt mấy chục năm qua ...

Cách đây đúng 55 năm (1961), tại Ngôi trường lợp lá gồi ở số 62 Thụy Khuê, Phân hiệu Kịch nói Trường Nghệ thuật Sân khấu Điện ảnh ra đời do Giáo sư-Tiến sĩ Đình Quang phụ trách.

Khi đó Trường có tên là Sân khấu và Điện ảnh và Khoa Sân khấu chúng tôi gồm bốn lớp A,B,C,D được hình thành với sự phân công phụ trách bới các bậc thày lão luyện về Nghệ thuật Sân khấu: Đình Quang, Đình Nghi, Chu Ngọc, Ngô Y Linh, Kim Oanh, Bửu Tiến...

Chúng tôi được học đủ các môn học với một giáo trình rất nghiêm ngặt và khắt khe để đào tạo ra những nghệ sĩ đầy đủ phẩm chất và tài năng nghệ thuật đích thực.

Ngoài chuyên môn về Nghệ thuật đạo diễn, biểu diễn, chúng tôi còn phải học đủ các bộ môn phụ khóa rất nghiêm chỉnh như: Mỹ học Mác - Lê, Chính trị kinh tế học, Triết học, Đảng Sử, Lịch sử Văn học Thế giới, Hội họa, Âm nhạc... với đội ngũ các Giáo sư danh tiếng của nước nhà như: Giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Vũ Hoàng Địch, Giáo sư Thành Thế Thái Binh, Giáo sư Nguyễn Hoàng Phong, Giáo sư Đinh Gia Khánh.. Các giáo sư tại Trường Chính trị Trung cao cấp, các giáo sư thuộc Học viện Âm nhạc Việt Nam như Qúy Dương, Gia Hội...

Với một chương trình học đầy đủ và nghiêm khắc như vậy nên số lượng một khóa học khi tuyển hàng ngàn thí sinh nhưng chỉ được khoảng 80 người và khi tốt nghiệp, con số này chỉ còn khoảng trên 50 người... và có thể tự hào nói rằng: Trong số 50 người nói trên , thày trò chúng tôi đã làm nên Huyền thoại một thời của Sân khấu Việt Nam với những tên tuổi lẫy lừng…

Những ký ức lộn xộn ùa về giữa ngày Xuân khiến tôi không thể nhớ hết được cũng như không thể kể được thứ tự mọi hình ảnh cũng như từng gương mặt thân quen…Thôi thì nhớ đến đâu nói đến đó và cũng mong người còn sống cũng như linh hồn những người đã đi xa hãy hiểu cho tấm lòng của tôi. Tôi yêu quý tất cả, trân trọng tất cả những gì đã làm nên quá khứ thân thương của chúng ta…

Người mà tôi muốn nhắc đến đầu tiên là Giáo sư-Tiến sĩ Đình Quang, người thày vô cùng yêu quý của chúng tôi, người đã cho tôi cả sự nghiệp cũng như hạnh phúc gia đình hôm nay. Với những thành tựu trong văn chương kịch nghệ, lý luận phê bình Sân khấu, giáo trình giảng dạy sân khấu cũng như những tác phẩm sân khấu do ông dàn dựng đã ghi tên ông vào một trong những người có công nhất trong lịch sử Sân khấu Việt Nam…

Tuy vậy, ông lại sống rất tình cảm thậm chí đôi lúc còn hơi ủy mị trước những tình huống nhạy cảm, xúc động. Tôi còn nhớ khi chúng tôi cùng ông đi biểu diễn tại chiến trường khu 4 năm 1965, khi đó cậu con trai đầu lòng mới chưa đầy năm…Đêm nào, sau những trận bom, sau những buổi diễn trên chiến trường, ông lại ngồi khóc nhớ con.

Ông đã có một mối tình đẹp với bà, một nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, một người phụ nữ đậm chất Hà Nội xưa.

Họ đã có những năm tháng rất tình cảm nồng thắm bên nhau và khi ông mất đi, ngày ngày, bà ngồi vào chiếc ghế ông vẫn ngồi thường ngày, mắt lướt qua từng cuốn sách trên tường và luôn nghĩ ông đi đâu đó sắp về…

Ông sống và gắn bó với chúng tôi tới những ngày cuối đời. Khi thì rong chơi ở Phú Quốc, lúc thì ăn Tết trên Đà lạt, lúc lại ở bãi biển Đà Nẵng... Ông ra đi trong vòng tay của những người thân và lũ học trò chúng tôi mà ông thường gọi là Niềm Tự hào của ông …

Trước ông, bao giờ chúng tôi cũng thấy mình bé nhỏ!

Vở “Hoa Anh Túc”.

Khắc khổ và lý trí hơn có lẽ là người thày thứ hai của tôi: Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, người đã cho tôi những bài học qúy giá nhất trong đời làm nghệ thuật. Đó là tính nghiêm túc và sáng tạo không ngừng khi là nghệ sĩ. Ông từng nói: Làm nghệ thuật bắt đầu từ cái cánh gà trên sân khấu, nếu chấp nhận chiếc cánh gà lệch lạc thì đừng làm sân khấu! Ông khắt khe tới mức đôi lúc làm cho người khác phật lòng nhưng hiểu ra thì mới thấy sự khắt khe đó chính là điều kỳ diệu làm nên thành công. Mỗi bước đi của tôi đều có dấu ấn của ông…

Một kỷ niệm không bao giờ tôi quên được là khi tôi cộng tác với ông trong vở kịch Vua Lia.

Suốt gần ba tháng trời, tôi bị ông phủ định những bản thiết kế của tôi, cho đến một buổi sáng, sau một đêm nghĩ ra một phương án rất hay cho sân khấu vở kịch Vua Lia, ông chỉ vào mô hình sân khấu của tôi và nói rất ngắn gọn: Đây chính là NÓ !

Đôi lúc bạn bè tôi thường giễu tôi là Châu… Lạ l..ắ..m! Nhưng họ nhầm vì tôi không thể nghĩ ra được ý tưởng đó mà đòi hỏi cái lạ trong mỗi vở diễn mới (luôn như vậy) chính là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Ông luôn nhắc nhở tôi: Hãy gắng tìm cái mới, cái LẠ trong từng vở diễn và đó chính là nhiệm vụ và hạnh phúc đích thực của người nghệ sĩ sáng tạo… Tôi sung sướng và tự hào khi 15 năm cuối đời ông, tôi được ở bên ông để làm nên nhưng vở diễn tên tuổi: Vua Lia; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Ông không phải là bố tôi; Điều không thể mất; Ai là thủ phạm; Rừng trúc; Hec na ni…

Người ta thường nói: Bên cạnh sự thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng một người dàn bà. Vâng! Đúng vậy! Sự thành công của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi không thể nào không nói đến người học trò đồng thời là người vợ hiền, người diễn viên “xịn” của ông: NSƯT Mỹ Dung.

Bà là một diễn viên giỏi với nhiều vai diễn xuất sắc Trương Ba trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Clementin trong vở Eroxtrat, Cụ bà Tham Trúc trong vở Âm mưu và hậu quả… Nhưng đồng thời cũng là người nâng giấc hàng ngày để chắp cánh cho đạo diễn Nguyễn Đình Nghi có thời giờ bay bổng. Họ sống với nhau rất hạnh phúc tới mức bà Mỹ Dung chỉ muốn khi bà mất đi, các con hãy nhớ trộn treo cốt của hai người và trải xuống của biển để mãi mãi họ được bên nhau…

Thủy chung với người vợ hiền NSƯT Mỹ Dung, ông đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu lắng trong lòng bè bạn cả về nhân cách cũng như tài năng nghệ thuật.

Lãng tử, tài hoa và đầy sức hấp dẫn thì lại là ông thày thứ ba của tôi: Đạo diễn Ngô Y Linh, một người có sức hút ghê gớm đối với cuộc đời nghệ thuật của tôi bởi sự đa tài và đầy ắp tri thức trong con người hào hoa của ông.

Ngô Y Linh giỏi ngoại ngữ, văn chương, đạo diễn, diễn viên, hội họa, âm nhạc… Ông đã có nhiều tác phẩm sân khấu nổi tiếng, đã dàn dựng vở kịch bất hủ Nila, cô bé đánh trống trận và điều tôi khâm phục là toàn bộ những vai diễn trong vở kịch Nila đều do ông khắc họa và diễn thị phạm cho tất cả các diễn viên trong vở diễn. Cuộc đời nghệ thuật của tôi bắt đầu sự nghiệp Thiết kế Sân khấu cũng là nhờ công ơn dạy dỗ bước đầu của ông khi hai thày trò đã cùng nhau thiết kế các vở kịch cho nhà trường sân khấu buổi sơ khai…

Chỉ tiếc ông mất sớm quá! Ngày chia tay ông, tôi ôm ông khóc còn ông thì vẫn cười tươi mà động viên tôi: Tao chưa chết được, còn phải sống để cộng tác với mày nhiều vở nữa…

Vậy là khi đã thành tài trong lĩnh vực Thiết kế Sân khấu, tôi lại không có dịp trả nghĩa thày!

Tôi chỉ được sống cùng ông hai năm 1961-1963 vì sau 1963, ông đã lên đường về Nam chiến đấu cho tới ngày thống nhất đất nước, nhưng hai năm đó đối với tôi là Vàng vì nó đã quyết định một phần vận mệnh của tôi với một lúc hai nghề trong tay: Biểu diễn và Thiết kế Sân khấu. Và nếu được nói một câu về thày Ngô Y Linh của tôi, tôi xin được nói: Tôi kính yêu, cảm phục và ơn thày mãi mãi…

Vở “Sống bằng tên người khác”.

Gọi tôi là Con mọt sách chính là thày Chu Ngọc. Chúng tôi thường gọi là “Cụ Chủ” vì thày cao tuổi nhất trong các thầy. Thầy không đi học Sân khấu như các thày Đình Quang, Đình Nghi, Ngô Y Linh, Kim Oanh… nhưng kinh lịch Sân khấu đã tạo nên một Chữ Ngọc đầy thâm thúy và sâu sắc. Thầy Chứ không thích lối sách vở của tôi và luôn đòi hòi trong mỗi hành động sân khấu của chúng tôi đều phải mang một ý tưởng thực tế nào đó. Là một đạo diễn và đồng thời là tác giả nên mỗi lời nói, mỗi hành động sân khấu của thày Chu Ngọc đều mang ẩn ý rất sâu sắc. Những vở diễn Người về, Đời thừa, Chiếc áo màu hoa cà…của thày ra đời đã được sự hưởng ứng rất nồng nhiệt của khán giả.

Đòi hỏi về đài từ sân khấu của thày Chu Ngọc đã khiến lũ chúng tôi vô cùng vất vả trong những giờ lên lớp về Tiếng nói Sân khấu. Thày bắt chúng tôi đứng bên này sân bóng phải nói thầm sao để người bên kia sân bóng nghe thấy không sót câu nào. Có lẽ chính vì vậy nên sau này, lứa diễn viên chúng tôi về Nhà hát đã có một kỹ thuật phát âm mà lớp trẻ ngày nay khó theo kịp...

Cô Kim Oanh là người lo dạy chúng tôi bộ môn Hình thể Sân khấu, một người đã uốn nắn chúng tôi từ dáng đi, dáng đứng, dáng ngã... đến các kỹ thuật hình thể trên sân khấu… Nhưng đó cũng là một mẫu người đặc biệt về tính cách. Có một câu chuyện về cô giáo của tôi luôn được nhắc tới như sau: Ngày cô yêu một kỹ sư làm khoa học, hai người rất yêu nhau nhưng rất có nguyên tắc và một lần, xa nhau hàng tháng trời, khi người yêu về thì đúng lúc cô đang đọc sách, cô nói với người yêu: Hãy bỏ ba lô xuống, nghỉ ngơi và đợi cô đọc hết chương sách đã …

Những thày, cô trên cùng với một đội ngũ các Giáo sư, thày giỏi của các bộ môn khác đã đào tạo nên một lứa nghệ sĩ tên tuổi, thực sự tài năng cùng với những thành tựu rất đáng tự hào...

Hai chữ Tự hào chúng tôi luôn dành để nói đến nhừng người thày yêu quý thì Giáo sư Đình Quang cũng luôn nói về chúng tôi như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của ông và quả thật chúng tôi đã không làm các bậc tiền bối của chúng tôi phải buồn lòng khi nhắc đến.

Đó là một NSND Doãn Hoàng Giang với hàng trăm vở diễn cho các Nhà hát, các Đoàn hát trong cả nước, một Doãn Hoàng Giang “sừng sững” như một Tượng đài Sân khấu Việt Nam cùng các tác phẩm Bài ca Điện Biên , Hà My của tôi , Nàng Sita…

Đó là cặp đôi TÀI TỬ ĐIỆN ẢNH sáng chói của nghệ thuật thứ bảy nước nhà với hàng chục vai diễn để đời: NSND Thế Anh và NSND Đoàn Dũng cùng những tác phẩm: Nổi gió, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Đề Thám, Mối tình đầu…

Một NSND Trọng Khôi đã làm tới chức Tổng Thư ký Hội NSSK cùng hàng chục vai diễn xuất sắc mà trong đó điển hình là vai Lão hàng thịt trong kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, vai Vua Lia trong kịch Vua Lia.

Một lứa nghệ sĩ nữ xuất sắc với những vai diễn mà tới nay, mỗi khi nhắc đến, khán giả yêu kịch trong cả nước vẫn còn cảm thấy xúc động và yêu qúy họ đến nghẹn ngào.

Đó là NSƯT Nguyệt Ánh trong vở kịch Nila, NSƯT Bích Thu trong vai Quyên vở Anh Trỗi, NSƯT Hoàng Yến trong vở Quê hương Việt Nam, NSƯT Tú Mai trong vai Chim sơn ca vở Đôi mắt, NSƯT Kim Thư trong vai Thị Hến vở Nghêu Sò, Ốc, Hến, NSƯT Tuyết Mai trong vai bà bẹ Maria vở Nila,

NSƯT Ngọc Hiền vai bà mẹ Maria vở Masa, nghệ sĩ Thu Hằng trong vai vợ anh hàng thịt trong vở Hồn Trương Ba…

Không thể không nhắc tới những người bạn tôi sau khóa học đã về các Đoàn địa phương nhưng cũng đã có những “chiến công” vang dội.

Vở “Thằng Láu”.

Đó là NSND Ngọc Thủy, Đoàn trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng với hàng chục vai diễn và đạo diễn, NSƯT Trọng Thịnh, Đoàn phó Đoàn Kịch Quảng Ninh với nhiều huy chương vàng bạc cho thành tích diễn xuất của anh qua các kỳ Hội diễn…

Có những người không làm nên tên tuổi trên màn ảnh, sàn diễn lớn những lại để lại tiếng thơm và sự ngưỡng mộ rất sâu sắc trong lòng công chúng như NSƯT Văn Hiệp, ông Trưởng thôn với chiếc còi trên tay đã làm nghiêng ngả khán giả cả nước với những trận cười bất tận..

Một NSƯT Hà Văn Trọng cao to, đẹp trai đã ghi dấu ấn của mình vào những trang sử đẹp của sân khấu nước nhà qua các vai diễn: Anh Trỗi trong kịch Anh Trỗi, Phê đo trong kịch Nila.

Người thiệt thòi nhiều trong việc ghi nhận danh hiệu nghệ sĩ cõ lẽ là nghệ sĩ Cao Khương. Anh đã đóng góp cho sân khấu và Điện ảnh nước nhà những vai diễn xuất sắc như: Venturiano trong hài kịch Đêm giông tố, anh họa sĩ trong vở Người cầm súng, vai tên Việt gian trong phim Đến hẹn lại lên.

Có những nghệ sĩ trưởng thành từ Khóa 1 Trường NTSKĐA với tấm bằng Diễn viên nhưng đã chọn cho mình những lĩnh vực khác để cống hiến cho Nghệ thuật Điện ảnh - Sân khấu nước nhà và thành công tốt đẹp trong sự nghiệp nghệ thuật của họ. Đó là NSƯT Trịnh Xuân Chính, Giải thưởng Nhà nước với hàng trăm mẫu hóa trang xuất sắc. Đó là NSND Doãn Châu với rất nhiều bản Thiết kế Sân khấu thành công cùng nhiều Giải thưởng quan trọng trong các kỳ Hội diễn Sân khấu Toàn quốc…

Cũng không thể không kể đến các nghệ sĩ khác như Phát Triệu, Hồng Chương, Văn Toản, Khắc Tâm… cũng đã xuất hiện thường xuyên trên màn ảnh nhỏ hàng đêm…

Ngày Xuân, ký ức lộn xộn như một bức tranh đẹp lại rộn ràng trong tôi một niềm tự hào xen lẫn “nuối tiếc” một thời xa xưa và tôi cảm giác như mình đang được bay giữa những người thày, người bạn về con đê Hoàng Hoa Thám với những ngôi nhà lợp lá gồi, và cũng từ những ngôi nhà đơn sơ này lại là nơi bắt đầu cho những TRANG CHÓI SÁNG của Sân khấu nước nhà...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một thời sân khấu Hà thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO