Một thuở… bách hóa

CHÂU NHI 27/07/2022 06:16

Xưa, phố huyện nào cũng có cửa hàng “Bách hóa”. Huyện lớn, thì đôi phố làng khác tiện đường sá giao thương cũng sẽ có những cửa hàng lớn nhỏ nữa để giảm tải thương mại trong các kỳ bán hàng phân phối.

Ảnh: VNN/Lê Anh Dũng.

Quầy là những tủ gỗ thịt kín bưng, chắc chắn. Phía trên là kính dày để bày biện hàng hóa. Mậu dịch viên đi giữa quầy ấy và dãy tủ phía sau cũng là những dãy tủ nửa dưới là tủ, trên là tủ kính. Bên trên dãy tủ này, gần sát trần cót ép là những tranh màu vừa kiểu cổ động, áp phích vừa kiểu sáng tác theo chủ đề hoặc phong trào. Đó là hình ảnh những cô mậu dịch viên xinh đẹp, tóc đen cặp một, mặc áo hoa chéo, áo xanh sĩ lâm, hay áo hoa đào đứng đo vải hay đưa hàng cho khách. Cô nào cũng mặt hoa da phấn, miệng cười thân thiện.

Trước cửa hàng bách hóa thường là một sân bãi rộng, thừa thãi cho người làng sở tại và người các làng bên về bán hàng hóa phiên chiều. Buôn có bạn, bán có phường, bán hàng ở đây hơn đứt gốc cây nơi ngã ba ngã bảy, vợt khách vãng lai. Thế nên dù có phải đi xa người đi giậm kiếm cá tôm vẫn về đây để bán cho được giá. Chưa kể, người làng bên bán chục trứng, gánh rau ít quả đầu mùa, mớ cà trái vụ cũng đều về sân bách hóa bán buổi chiều có khi nhanh hơn mời khách đứt lưỡi ngoài chợ làng vẫn chê ỏng eo.

Cửa hàng bách hóa lớn có mặt tiền đến vài chục mét, cao lừng lững, tường vôi vàng, hiên tây với hàng chữ đắp nổi “Cửa hàng bách hóa vải sợi” như dấu mốc quan trọng để người ta tìm đường về những làng xã khác trong vùng.

Những cánh cửa chớp xanh, chốt sắt chắc chắn khiến cho những mặt hàng trong cửa hàng càng trở nên quý hiếm. Cùng với đó, hiên cửa hàng rộng đến hơn 1 mét, trải cái chiếu lọt thỏm không chỉ khiến cho những người bán hàng trong làng yên thân ngồi bán hàng kiếm cơm mà còn là nơi ngụ cư lý tưởng cho những phận người bám phố kiếm ăn.

Bách hóa có đôi cánh cổng gỗ để ô tô tải đi chở hàng vào sân sau, mỗi lần có hàng về người trong cửa hàng lại phải ra nhờ mấy người bán hàng dẹp chỗ cho xe vào. Hàng về bất kể giờ, đội bốc vác có khi làm việc đến khuya, khi thì đường sữa, lúc lại vải vóc, đồ dùng nồi niêu xoong chảo, phụ tùng xe đạp. Dù không ai vào ngó xem nhưng phải nói không chỉ cánh bán hàng trong sân mà cả người phố cùng hóng xem xe hàng kia là gì để có chiến lược mua được khi lên quầy.

Mậu dịch viên luôn là tâm điểm của nhiều câu chuyện từ xã đến huyện cho đến phố làng, chợ tổng.

Có cô xinh, ăn nói xởi lởi, nhưng đừng tưởng cô dễ dàng ban phát hàng cho người muốn mua. Cô nói rõ ngọt ngay cả khi hàng chất đầy trong tủ, thường là cái câu: “Cháu cũng muốn bán cho các bác lắm, nhưng mà chưa có lệnh”.

Quầy hàng bách hóa quây ba bề. Dãy chính diện chia làm ba. Bên phải quầy bán hàng tạp hóa, bánh kẹo, đường kính, mì chính theo mùa vụ tết nhất hay khi có hàng, rồi đồ dùng học tập những bút bi, bút mực, nhãn vở, thước kẻ, giấy tập, vở học sinh, bìa trắng, bìa đen cũng có. Loại hàng này thường về từ dịp hè để phục vụ khai giảng. Cô bán hàng này kiêm luôn quầy bên tay phải từ ngoài vào với những lủng củng phụ tùng xe đạp, chiếu cói, có khi thêm ít bao tải đay.

Chính giữa quầy mặt tiền là vải vóc, vải chéo, vải bông, xô màn, quần áo, chủ yếu là áo may ô, quần áo trẻ con may sẵn từ vải tiết kiệm. Vải pô pa lin cũng xuất hiện, nhưng ít khi. Quầy có xà phòng 72 nhập, xà phòng kem đựng trong hộp nhựa màu, dán nhã. Trong quầy cũng có những nồi niêu xoong chảo lớn nhỏ, của Liên Xô hay hàng do nhà máy Việt Nam sản xuất. Có cả những cái chậu nhôm to hay những cái ca men xanh, trắng hay hoa. Bát của Nhà máy Sứ Hải Dương thường về loại 2, những bát đĩa méo hay có chút lỗi cứt ruồi nhưng cũng vẫn hơn đứt thứ bát gia công, giòn, dễ vỡ nên cứ hết vèo vèo. Nhiều khi quầy trống còn đôi chục để làm mẫu người không biết cứ hỏi, cô mậu dịch viễn cáu bẳn trả lời chứ không chịu đề vào đấy mấy chữ “Hàng mẫu không bán”.

Những họa tiết hoa thị hay đường kỷ hà trên chiếc bát sứ Hải Dương trắng, tròn trịa luôn đem đến niềm vui cho những người được suất mua hay cạy cục mà mua được. Nhất là có bộ ấm chén này đặt trong chiếc khay men thì sang cả gian phòng khách chứ đừng nói rất hợp với bộ sa lông gỗ sà cừ kê giữa nhà.

Quầy bên trái từ ngoài vào thường là các sản phẩm điện máy. Mậu dịch viên này cũng kiêm luôn quầy đầu hồi trái. Hàng trong quầy này thường là quạt 35 đồng, đồng hồ để bàn, bếp dầu và phụ tùng xe đạp: Xích, líp, pêđan, gácđờbu, gácđờxen, đũa xe, nan hoa. Quầy này rất ít khi ngập hàng, tủ kính trống hoác. Còn mấy cái giường thiếu dát, thiếu chân chỏng trơ, thi thoảng xuất hiện vài cái xe đạp nữ hay xe đạp nam ở đó. Xe ấy bán vào tay ai cũng luôn là ẩn số, rất có thể nó lại chạy sang cửa hàng hợp tác xã mua bán bên kia đường không có giá đề và ai đó mua đi xã khác, huyện khác có khi.

Thời bao cấp, hàng về hàng đi theo chuyến chẳng theo giờ hành chính bao giờ.

Bên trong một cửa hàng Bách hóa Tổng hợp. Ảnh tư liệu.

Có những đêm, nước mắm từ miền Trung ra bốc mùi sực cả góc phố. Nước mắm thời bao cấp quý thì quý thật nhưng đúng là mùi gắt đến khiếp. Những xã bên sông cũng lại đưa mật về kho thực phẩm của huyện.

Những tảng mật mía vàng, mật đen ngửi mùi vừa ngọt vừa chua nồng cũng được đưa vào chum vào bể trong kho.Vì đặc tính cơ bản của mặt hàng này mà mật mía, mắm tôm lại không bán ở bách hóa mà bán ở quầy riêng, chỗ khác. Có khi hàng là đường, mật hay bột mì lại được đưa sang “Cửa hàng ăn uống” để bên ấy duy trì mấy món bánh rán, bánh ngọt và đôi bát mì sợi cho khách vãng lai.

Còn chất đốt, chủ yếu là dầu hỏa thì thủ kho thường xuất luôn tại kho cách xa. Bố trí thế để tránh hỏa hoạn, cũng phải.

Đấy, cả phố huyện hay phố làng cứ xoay quanh mấy cửa hàng ấy đến mấy chục năm. Dân có suất hàng các dịp lễ tết đưa về bên hợp tác xã mua bán cả, quầy bên ấy còn có cả hàng hóa của nông cụ hay hàng trao đổi ở các địa phương ngoài huyện, nhưng có lẽ dân không tin bằng hàng mậu dịch quốc doanh, thành thử cứ phải mua được hàng Bách hóa mới yên lòng.

Thế rồi, có ngày công ty cấp 3 đơn vị chủ quản của cửa hàng Bách hóa Vải sợi Tổng hợp, chịu thua cơ chế thị trường. Sổ gạo bỏ, tem phiếu bỏ, hàng hóa về đến phố theo con đường nhanh nhất. Đúng là mơ, đúng là chỉ thiếu hàng tiền để mua, lại còn được mời chào hẳn hoi chứ không phải nói khó với ai nữa. Những tấm biển mika, chữ vi tính thay dần những tấm bảng gỗ, bảng sắt sơn xanh, sơn nâu cũ kỹ. Phố làng, phố huyện đã mang diện mạo khác.

Người làm Bách hóa, người làm lương thực đã về hưu. Người về làng nhận lương hưu dưỡng già, người theo con ra thị xã, ra tỉnh thành người thị thành. Bách hóa xưa đã bị xóa sổ, nhà dân đã xây hết trên nền đất ấy.

Cả một chặng đường dài mấy mươi năm chỉ còn loáng thoáng trong câu chuyện của người già và đám trung niên, đám trẻ nghe mãi vẫn chưa hiểu gì ngoài khái niệm “Bao cấp là phân phối, đồ dùng ít và xấu”. Chúng tò mò và chụp đôi kiểu ảnh với những vật dụng cũ xưa chắc là chỉ để làm vui, còn bảo để tìm hiểu thì chỉ đôi đứa thích kiểu vintage - khơi gợi những cái đẹp của quá khứ, mà thôi.

Biết làm sao... Bao cấp cũng vậy, mấy chục năm rồi, bình tĩnh mà nói dẫu có thế nào thì sau tất cả những khó khăn, tình người vẫn là điều còn lại...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một thuở… bách hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO