Một trái tim suốt đời đập vì dân

Lục Bình (ghi) 12/08/2015 09:35

Viết về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có những vần thơ: ”... Tôi nhìn bác, người anh, người đồng chí/Hiền từ như đồng đất quê tôi/ Ấy trái tim không già, ấy trái tim trung thực/Suốt một đời chỉ đập vì dân”.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với báo Đại Đoàn Kết.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cả cuộc đời của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã luôn gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân…

2 bám, 4 nắm, 1 di

Người con trai Hà Nội ấy đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 và bị thực dân Pháp bắt vào năm 1941 rồi kết án 10 năm tù giam ở nhà tù Hỏa Lò. Ông đã từng giữ nhiều cương vị khác nhau như: Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Đông, Hà Nam; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị và là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương khóa VII-VIII.

Một trong những thành công hàng đầu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không thể không kể đến việc ông góp phần mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng, tổ chức chỉ huy những trận đánh lớn vang dội giữa lòng thành phố Hải Phòng.

Đối với chiến trường Nam Bộ, ở giai đoạn quyết chiến và quyết định, ông trong Ban Chỉ đạo chi viện cho tiền tuyến huy động được sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đóng góp không nhỏ vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Thư ký của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thời kỳ chống Pháp, ông Vũ Trọng Nam cho biết: Khi còn làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tả ngạn sông Hồng. Ông đã có nhiều chiến lược, sách lược quân sự độc đáo. Ông yêu cầu các đơn vị bộ đội tập trung phải phát huy tinh thần tiêu diệt địch, không diệt được đơn vị to thì diệt đơn vị nhỏ, không diệt được toàn bộ thì từng bộ phận, không diệt được địch ở nơi địch càn thì luồn ra ngoài vùng địch càn mà tìm diệt.

Chỉ có như vậy thì lực lượng của ta mới ít bị tiêu hao, mới chuyển thế bị động của ta thành thế chủ động, đẩy địch sang thế bị động. Nhiệm vụ của đội quân ở tả ngạn sông Hồng là vừa đánh, vừa tiêu diệt để tiêu hao lực lượng của địch bổ trợ đắc lực cho bộ đội chủ lực tấn công trực diện kẻ thù.

Ông rất quan tâm nắm tình hình địch, tăng cường bảo mật, phòng gian, không để tin tức lọt vào tay địch. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng hoạt động ở địch hậu Tả ngạn được ông tóm gọn trong 6 chữ: “2 bám, 4 nắm, 1 di”.

2 bám là, bám dân, bám đất; 4 nắm là, nắm chắc tình hình địch, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, nắm vững cán bộ và nắm chắc lực lượng vũ trang; 1 di là luôn di động, không chốt lâu ở một điểm. Nhờ những chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, mặt trận Tả ngạn sông Hồng đã làm nên những chiến công vang dội, góp phần làm nên chiến thắng.

Đầy tớ của dân

Luôn bận rộn trăm công ngàn việc nhưng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn dành những tình cảm đặc biệt tới nhân dân, nhất là những người dân đi khiếu nại. Công việc hàng ngày của ông vào lúc 6h sáng khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) đó là, đọc đơn khiếu nại của dân. Rất nhiều câu chuyện cảm động về người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp dân, lắng nghe dân nói để rồi giải quyết đến cùng kiến nghị của dân dân.

“Có một lần, một anh nông dân huyện Hoài Đức, Hà Nội đi chiếc xe đạp thồ đến thẳng Phủ Thủ tướng kêu la ầm ĩ vì bị chính quyền địa phương lấy đất… Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã trực tiếp tiếp người dân này đồng thời mời Bí thư Thành ủy Hà Nội lên cùng nghe xem có oan sai gì còn giải quyết ngay cho dân”.

“Một lần khác Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thấy một đoàn khoảng 60 người đứng ngoài cổng cơ quan, thái độ căng thẳng, buổi tối họ ngủ ngay trước cửa Phủ Thủ tướng. Sau khi biết đây là những người dân của huyện An Lão, Hải Phòng oan ức đi kiện, ông đã yêu cầu Chủ tịch TP Hải Phòng lên cùng giải quyết thấu đáo đồng thời cho xe của Văn phòng đưa bà con về tận xã” - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Dương Văn Phúc cho biết.

Bài học về dân chủ ở cơ sở

Lúc còn đương chức, Tổng Bí thư Đỗ Mười đặc biệt quan tâm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Khi về Hải Phòng chỉ đạo việc thực hiện quyền làm chủ của dân, lãnh đạo TP Hải Phòng mời ông về Thành ủy nghe báo cáo, ông nói: “Để tôi nghe dân nói trước rồi nghe các anh nói sau”.

Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - ông Phan Trọng Kính - cho biết: Năm 1997 nhân dân ở một số xã ở Thái Bình phản đối một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng. Trước tình hình đó, ông Đỗ Mười đã về Thái Bình gặp gỡ các Bí thư xã và các cụ lão thành trong tỉnh để nắm tình hình và thấy rằng để xảy ra sự việc nghiêm trọng như vậy là do cán bộ lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Chính quyền làm việc gì, hầu như dân không được biết, được bàn.

Thấu hiểu tình hình, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng, sự việc này xảy ra ở Thái Bình có nghĩa ở địa phương khác cũng có thể xảy ra. Ông đã họp với các ngành liên quan, cho đi kiểm tra các địa phương, cơ quan, trường học…và sau đó ban hành Chỉ thị số 30-CT về “Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Quy chế này, sau khi ra đời đã phát huy hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.

Đổi mới không đổi màu

Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đối mặt với những thăng trầm trong tiến trình phát triển của đất nước, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười còn là người có vai trò đặc biệt trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước.

Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước nhà rơi vào trạng khủng hoảng kéo dài, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã cùng với nhiều vị lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh, khai thác mặt tích cực của thị trường, tạo điều kiện giải phóng sức sản xuất, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

Trong nhiệm kỳ công tác của mình, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đối ngoại. Dấu ấn nổi bật của ông chính là quyết định gia nhập ASEAN, bước đầu mở ra quá trình đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Cuối năm 1991 đầu năm 1992, sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, đồng chí Võ Văn Kiệt lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước ta thăm các nước ASEAN. Sau khi về nước ông giao cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc đó là ông Nguyễn Mạnh Cầm báo cáo với Tổng Bí thư.

Sau khi nghe báo cáo, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Tình hình đã thay đổi so với mấy năm trước. Lúc này ta gia nhập ASEAN là thích đáng. Gia nhập ASEAN sẽ làm tăng thêm sức mạnh của ta, tăng thêm vị thế của ta”...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một trái tim suốt đời đập vì dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO