MTTQ Hà Tĩnh luôn 'sát cánh' cùng người nghèo

Hạnh Nguyên 12/07/2019 08:30

Ở mảnh đất “gánh hai đầu đất nước” – Hà Tĩnh, những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh trở thành “đầu kéo” trong công tác giảm nghèo. Hàng nghìn ngôi nhà tạm bợ giột nát của người nghèo bị xóa bỏ thay vào đó là những ngôi nhà nhân ái, nhà Đại đoàn kết, nhà vượt lũ khang trang. Mặt trận không những tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo mà còn trực tiếp đỡ đầu cho những hoàn cảnh khó khăn.

MTTQ Hà Tĩnh luôn 'sát cánh' cùng người nghèo

Công đoàn MTTQ tỉnh Hà Tĩnh nhận đỡ đầu cháu Bùi Thị Kim Oanh. (thôn Hợp Tiến, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên).

Tạo sinh kế cho người nghèo

Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ được MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm, thực hiện lồng ghép chặt chẽ trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Với nhiều cách vận động sáng tạo, hiệu quả, mỗi năm quỹ “Vì người nghèo” tỉnh huy động được nguồn lực lớn. Từ nguồn quỹ đó, các cán bộ Mặt trận triển khai nhiều biện pháp giúp người nghèo vươn lên tạo dựng cuộc sống, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo.

Với quan điểm “trao cần câu hơn con cá”, thông qua việc tạo ra sinh kế hiệu quả, các cán bộ Mặt trận Hà Tĩnh từng bước tác động làm thay đổi nhận thức và hành động của người nghèo. Ở vùng rừng núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), cái nghèo, cái khổ bám riết nhiều gia đình nơi đây. Gia đình ông Trần Huy Quý (thôn 6, xã Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) là một trong những hộ có gia cảnh như thế. Một mình ông phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học cùng người mẹ già đau ốm triền miên. Cả gia đình chỉ sống nhờ vào 1 ha đất đồi khô cằn.

Sau khi rà soát, MTTQ Hà Tĩnh nhận thấy cần hỗ trợ gia đình ông Quý gây dựng cơ sở để sớm thoát nghèo. Nói là làm, năm 2016, MTTQ Hà Tĩnh trích quỹ “Vì người nghèo” mua bê (trị giá 10 triệu đồng) trao tặng gia đình hộ nghèo Trần Huy Quý với mong muốn gia đình ông sớm vươn lên ổn định cuộc sống. “Nhận được con bê do MTTQ tỉnh hỗ trợ, gia đình tôi có thêm động lực để tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi. Tôi mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng của ngân hàng theo chế độ hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo để mua cây cam về trồng. Nhờ vậy gia đình tôi đã sớm thoát nghèo, cuộc sống dần khấm khá” – ông Quý chia sẻ.

Với cách làm như thế, MTTQ Hà Tĩnh đã chắp cánh cho hàng nghìn hộ nghèo vươn lên. Ngoài hỗ trợ con giống, MTTQ hỗ trợ cây trồng, hướng dẫn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xây nhà Đại đoàn kết. Đơn cử như xã Sơn Thọ (Vũ Quang) đã được MTTQ tỉnh hỗ trợ 7 con bê giống cho 7 hộ nghèo, hiện nay đàn bê phát triển tốt và đã có 3 hộ thoát nghèo; xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh), trong 2 năm (2018-2019), MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ 5 con bê cho 5 hộ nghèo trên địa bàn xã. Sau khi được hỗ trợ bê, đã có 3 hộ từ hộ nghèo lên cận nghèo và chỉ trong thời gian ngắn nữa, khi đàn bê phát triển, sinh sôi, chắc chắn những hộ này sẽ thoát nghèo. Cũng tại xã Kỳ Tiến, 5 năm qua (2014-2019) có 17 hộ được MTTQ các cấp hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết, đến nay đã có 7 hộ thoát nghèo.

Những trường hợp được Mặt trận hỗ trợ hầu hết đều thoát nghèo, chỉ trừ những hộ già cả, neo đơn, tàn tật. Với những hộ bất khả kháng như vậy, hằng năm đều nhận được sự quan tâm đặc biệt, thông qua sự kết nối giữa Mặt trận với các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê, 5 năm qua, quỹ “Vì người nghèo” Hà Tĩnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 5.210 nhà cho hộ nghèo, trị giá gần 80 tỷ đồng; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 1.467 hộ nghèo với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã tặng quà, hỗ trợ đột xuất, khám chữa bệnh và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi cho 129.484 lượt đối tượng với số tiền gần 48,5 tỷ đồng. Hàng năm, thăm hỏi tặng quà tết cho 100% các hộ nghèo nhân dịp Tết nguyên đán.

Bên cạnh đó, là địa phương thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lụt hoành hành, MTTQ các cấp từ tỉnh tới cơ sở đã tập trung kêu gọi ủng hộ Quỹ Cứu trợ. Chỉ tính riêng từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 667 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vùng thường xuyên bị thiên tai, ngập lụt với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Hỗ trợ 844 hộ nghèo làm nhà tránh lũ theo Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số tiền gần 4 tỷ đồng và kịp thời hỗ trợ đột xuất cho các gia đình bị thiên tai, bệnh hiểm nghèo...

Đỡ đầu những hoàn cảnh khó khăn

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo thông qua vận động, tuyên truyền, huy động quỹ “Vì người nghèo”, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh còn trực tiếp đỡ đầu cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây cũng là một trong những việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cách mà những cán bộ Mặt trận học tập và làm theo gương Bác.

Em Bùi Thị Kim Oanh (12 tuổi, trú thôn Hợp Tiến, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có một hoàn cảnh hết sức éo le. Mẹ mất khi em lên 6 tuổi, 1 năm sau đó bố cũng ra đi. Bà nội cũng mất đột ngột, những năm qua Oanh sống với ông nội và người cô bệnh tật. Để có tiền ăn học, Oanh phải phụ giúp ông công việc chăn nuôi, đồng áng hằng ngày.

Trăn trở với hoàn cảnh côi cút của Oanh, sợ em thất học, từ năm 2018, công đoàn cán bộ MTTQ tỉnh Hà Tĩnh quyết định mỗi ngày dành dụm một ít, gom tiền, hỗ trợ Oanh, mỗi quý được khoảng 3,5 triệu đồng. Trong đó, trích 1 triệu đồng tiền mặt gửi ông nội để ông chủ động chi tiêu cho Oanh, còn lại gửi tiết kiệm. “Mỗi người một tay, chúng tôi sẽ tích góp, hỗ trợ cháu Oanh đến khi cháu tròn 18 tuổi, đến lúc đó sẽ giao sổ tiết kiệm để cháu học nghề hoặc lấy vốn làm ăn. Hằng tháng, quý và các ngày lễ, Tết đại diện lãnh đạo, công đoàn MTTQ tỉnh đều đến nhà động viên cháu Oanh cố gắng học tập, vượt qua hoàn cảnh để xứng đáng với kỳ vọng của mọi người” – bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Những năm qua (2013-2019), MTTQ Hà Tĩnh còn đỡ đầu cho 7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, gồm xã Khánh Lộc (huyện Can Lộc), Trường Sơn (huyện Đức Thọ), Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân); Sơn Thọ, Đức Bồng (huyện Vũ Quang), Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh), Sơn Diệm (huyện Hương Sơn). Trong số 7 xã này đến nay đã có 6 xã đáp đích nông thôn mới; riêng xã Sơn Diệm phấn đấu cuối năm 2019 đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kinh phí đỡ đầu gần 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hằng năm, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh còn hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thiện về tiêu chí nhà ở cho hộ nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ từ 2013-2018 lên đến 48.428,5 tỷ đồng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Mặt trận “bao” tiêu chí nhà ở, ngoài ra còn hỗ trợ phát triển sản xuất, thiết chế văn hóa, hệ thống bảng biển tuyên truyền, công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, xử lý rác thải môi trường...

Trong vai trò “cầu nối”, năm 2017, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức Habitat Việt Nam đã đưa Dự án “Làng Samsung C-T” về triển khai trên địa bàn 2 xã Cẩm Thạch và Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên). Dự án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cho 70 nhà có khả năng chống chịu bão và xây mới 44 công trình nước sạch vệ sinh môi trường. Dự án cũng hỗ trợ các trường học địa phương xây dựng 2 công trình nước sạch cho hai trường của xã Cẩm Thạch và 2 phòng học cho trường mầm non tại xã Cẩm Duệ.

Đồng thời, từ dự án, hơn 1.500 giáo viên và học sinh thuộc 2 xã hưởng lợi được tham gia vào các chiến dịch nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Samsung C-T cũng tài trợ một chương trình quan trọng khác của dự án như hỗ trợ cộng đồng ứng phó với thiên tai bằng việc xây dựng Trung tâm Cộng đồng chống bão kèm theo cung cấp thông tin về cách phục hồi sau thiên tai, quản lý rủi ro do thiên tai và vấn đề vệ sinh nước sạch cho hơn 600 hộ dân, chính quyền địa phương.

Với cách làm sáng tạo, sâu sát, hiệu quả, MTTQ Hà Tĩnh từng bước “kéo” tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh, từ 8,17% hộ nghèo, 12,25 % hộ cận nghèo (năm 2014) nay chỉ còn 5,82% hộ nghèo, 5,91% hộ cận nghèo. Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để giảm nghèo hiệu quả, MTTQ tỉnh lựa chọn, triển khai những giải pháp hữu hiệu nhất cho người nghèo. “Bên cạnh đổi mới cách thức vận động quỹ Vì người nghèo, chúng tôi đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo. Một mặt phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các ngành liên quan, đoàn thể chính trị - xã hội phân công nhiệm vụ hỗ trợ hộ nghèo có địa chỉ, đa dạng hình thức hỗ trợ hộ nghèo để có phương án thoát nghèo bền vững như: Làm nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ vốn để hộ nghèo làm ăn, sinh kế và nhất là tăng cường hướng dẫn người dân bằng các mô hình cụ thể, thiết thực. Từ đó, phong trào “Chung tay Vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng lan tỏa sâu rộng” – bà Nguyễn Thị Mai Thủy nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    MTTQ Hà Tĩnh luôn 'sát cánh' cùng người nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO