MTTQ TP. Hà Nội và công tác hòa giải cơ sở Bài cuối: 'Bệ đỡ' hóa giải nhiều khúc mắc

Tuệ Phương 10/05/2021 06:30

Tận dụng khả năng tuyên truyền, thuyết phục, nhiều cán bộ Mặt trận trong tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giúp nhiều gia đình hóa giải những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống.

Nhiều gia đình “gương vỡ lại lành” nhờ những hòa giải viên nhiệt tình, mẫn cán giúp họ tháo gỡ những mâu thuẫn.

Với tài hòa giải của mình hơn 20 năm nay ông Nguyễn Văn Bộc (77 tuổi), tổ trưởng Tổ hòa giải của Tổ dân phố số 8, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ không nhớ nổi mình đã hòa giải thành công bao nhiêu vụ việc. Ông đã giúp cho nhiều gia đình hóa giải được những khúc mắc phát sinh, nhiều vụ việc nổi cộm xảy ra trong cuộc sống. Nhờ đó, bà con nhân gọi ông bằng cái tên trìu mến " ông Bộc hòa giải”.

Trong hơn 20 năm làm hòa giải của mình, có lẽ vụ việc khiến ông mãi không thể nào quên đó là câu chuyện xảy ra tại một gia đình làm trong ngành ngoại giao, anh em mâu thuẫn và tranh chấp đất đai do bố mẹ để lại. Người em kiện anh lên phường rồi từ đó mâu thuẫn cứ lớn dần lên theo năm tháng mà khó hóa giải được. Thấy được điều đó, ông Bộc đã đến từng nhà lắng nghe những khúc mắc mà hai anh em đang gặp phải, từ đó tìm phương án tháo gỡ. Bản thân ông cũng phân tích thiệt hơn về kinh tế, về thời gian nếu cả hai đưa nhau ra tòa. Thế rồi, sau những lần trao đi đổi lại như vậy, hai anh em đã ngồi lại được với nhau cùng ký vào biên bản hòa giải, người em lên phường rút đơn, chấm dứt kiện cáo kéo dài. Người anh đưa ra phương án hỗ trợ kinh tế để người em chuyển đi nơi khác.

Ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, ông Nguyễn Sỹ My, Trưởng ban Công tác Mặt trận KDC số 14 cũng được mọi người tôn vinh là “người mát tay” với công tác hòa giải. Những vụ việc mà ông tham gia đều được hòa giải thành công với tỷ lệ cao. Chia sẻ bí quyết hòa giải thành công, ông My cho rằng, điều quan trọng là phải biết lắng nghe, biết thấu hiểu từ hai phía để từ đó phân tích cho họ hiểu đúng, sai và luôn giữ thái độ khách quan trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân của mâu thuẫn, vướng mắc.

Những ngày này, ông Nguyễn Hữu Số, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 3 phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng luôn tất bật với công tác hoa giải. Mỗi lần đi hòa giải ở đâu đó, ông luôn kết hợp với tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng và bà con thân thích cùng vào cuộc vận động, hòa giải theo phương châm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Với cách làm này, trong năm qua, ông đã hòa giải thành công 14 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, khu dân cư không có đơn thư vượt cấp. Với những vụ việc nhỏ, tổ hòa giải đến từng gia đình để giải thích, thuyết phục. Những vụ việc phức tạp, có đơn thư, tổ hòa giải mời các bên đến nhà văn hóa để tổ chức hòa giải. Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể, nhiều vụ tranh chấp đất đai đã được hòa giải thành công, nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đã được giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân khẳng định, đến nay, mạng lưới tổ hòa giải đã được thành lập ở 100% khu dân cư trên toàn thành phố Hà Nội. Thành phần tổ hòa giải gồm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, trưởng các đoàn thể, các chi hội, người có uy tín. Năm 2019, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 4.055 vụ, trong đó hòa giải thành công 3.284 vụ việc, đạt 80,98%. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các cấp đã hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo phong trào sâu rộng trong quần chúng Nhân dân. Tổ hòa giải hoạt động ngày càng hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực về an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng; kịp thời biểu dương, nhắc nhở để các hòa giải viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát các quy ước, phong tục tập quán tiến bộ để hòa giải viên vận dụng trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp nhận 4.596 vụ việc hòa giải (giảm 467 vụ việc so năm 2019). Trong đó, đã tiến hành hòa giải thành công 3.615 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,7%, 226 vụ việc đang tiến hành hòa giải… Đến nay, thành phố có 5.043 tổ hòa giải với 31.773 hòa giải viên. Đáng chú ý, Hà Nội đã có 2.447 hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    MTTQ TP. Hà Nội và công tác hòa giải cơ sở Bài cuối: 'Bệ đỡ' hóa giải nhiều khúc mắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO