MTTQ và các tổ chức thành viên trực tiếp giám sát môi trường tại Hà Nội

Dạ Yến  Ảnh: Hoàng Anh 24/11/2016 16:30

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, 7 lĩnh vực có nguy cơ xả thải trực tiếp tại Hà Nội cần giao cho 7 tổ chức thành viên của MTTQ chủ trì và theo dõi. Các tổ chức trên sẽ thực hiện cùng các sở, ngành liên quan. Thành phố cấp tiền và kinh phí cho 7 hoạt động này.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.

Ngày 24/11, tại hội thảo khoa học bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay, tầm nhìn đến năm 2025 do Công an TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Toà tổng Giám mục Hà Nội và Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc đồng tổ chức, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chia sẻ bài toán bảo vệ môi trường đối với một siêu đô thị như Hà Nội vào năm 2025.

* Hà Nội tạo cơ chế để người dân bảo vệ và trồng thêm cây xanh

Người đứng đầu Mặt trận cho biết, khi nhận được tin Hà Nội tổ chức hội thảo bảo vệ môi trường cá nhân ông rất vui và ủng hộ sáng kiến này vì đây là lần đầu tiên Công an TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Toà tổng Giám mục Hà Nội và Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc cùng tổ chức một hội thảo bàn về việc bảo vệ môi trường có tầm nhìn đến năm 2025 và cùng nhau ký kết một chương trình phối hợp trong bảo vệ môi trường giai đoạn 2017- 2025.

“Bảo vệ môi trường tầm nhìn đến năm 2025”, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, là một vấn đề rất quan trọng, dù hội thảo diễn ra chỉ trong một ngày và còn ít tham luận đề cập sâu hơn về vấn đề tầm nhìn 2025 nhưng đã cho thấy tính dự báo dài hơi của một quyết tâm chính trị giữa Công an Hà Nội, Mặt trận và một số tổ chức tôn giáo trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, việc quản lý đô thị lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo. Dự báo để thấy trước vấn đề và không để xảy ra vấn đề, thấy trước tiềm năng, thời cơ để chuẩn bị biến nó thành hiện thực một cách sớm nhất.
Hiện nay dân số Hà Nội có 7 triệu người, dự tính, trong năm 2025, dân số Hà Nội sẽ tăng gần 10 triệu khi ấy Hà Nội sẽ trở thành siêu đô thị.

Một siêu đô thị sẽ phải đối diện với dân số tăng nhưng diện tích đất Hà Nội không tăng.

Như vậy, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mỗi người là một nguồn thải chất thải mỗi ngày. Cùng với đó, trong 10 năm nữa, quy mô kinh tế tăng chắc chắn sẽ kéo theo lượng chất thải công nghiệp tăng.

Cần phải có tầm nhìn lớn về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, 5 tổ chức nên bàn với các sở, ngành đưa ra dự báo trong 10 năm nữa có bao nhiêu chất thải rắn, nước thải, khí thải độc hại sẽ đến đâu.

Hiện nay, theo người đứng đầu Mặt trận, Hà Nội có nhiều tiền đề để làm tốt vấn đề bảo vệ môi trường. Đó là các phong trào do các đoàn thể nhân dân mà Mặt trận liên kết phối hợp tổ chức như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Thanh niên, Công đoàn và các tổ chức tôn giáo… đều có hoạt động, địa chỉ cụ thể.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu dự hội thảo.

Cả nước có 40 tổ chức tôn giáo, tổ chức nào cũng có sáng kiến trong việc bảo vệ môi trường. Đây là tiền đề rất quan trọng vì nếu không có các tổ chức của nhân dân tham gia sẽ không có cách nào quản lý được môi trường. Bộ máy nhà nước không đủ sức làm việc này.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ, năm vừa qua, Sở và các ban ngành TP Hà Nội đi kiểm tra 2.003 đơn vị. Hà Nội có 175 nghìn doanh nghiệp nếu chúng ta kiểm tra mỗi doanh nghiệp 1 lần thì mất khoảng 90 năm. Áp lực này không chỉ là việc của Hà Nội, của môi trường mà ở nhiều lĩnh vực khác, Bộ máy nhà nước nói chung và đặc biệt là ngành thanh tra không đủ sức để kiểm soát tất cả các đối tượng.

Chúng ta vẫn nói phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi bị làm giả nhưng không kiểm soát được vì với 70.000 cơ sở bán lẻ trên cả nước trong khi bộ máy thanh tra doanh nghiệp chỉ có trên dưới 1.000 người.

Bài toán đặt ra lúc này là Nhà nước muốn làm nhưng lại không đủ sức. Trong khi số doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng lên 1 triệu doanh nghiệp trong 10 năm tới.

Để giải quyết vấn đề này, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, không có cách nào khác là huy động sự tham gia của nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể để giám sát.

Qua giám sát của nhân dân, phát hiện đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lúc đó thanh tra nhà nước mới vào cuộc.

“Thực tiễn chứng minh rằng, công thức để giám sát môi trường cũng như lĩnh vực khác là: nhân dân phát hiện, đoàn thể giám sát, nhà nước thanh tra”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Thông qua hội thảo, người đứng đầu Mặt trận cũng bày tỏ sự trân trọng đối với các mô hình vận động của các tổ chức đoàn thể. Với lượng xả thải từ 8-10 ngàn tấn/ một ngày thì hơn 7 triệu người Thủ đô là 7 triệu nguồn xả thải. 175 nghìn doanh nghiệp là 175 nghìn nguồn xả thải.

“Muốn giảm ô nhiễm môi trường chúng ta phải xả thải cho đúng” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề.

Theo đó, các tổ chức, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo, cơ quan nhà nước cần vận động mỗi người dân là một người xả thải đúng luật pháp. Mỗi người dân là một giám sát viên về môi trường. Mỗi người dân là một cảm biến xã hội.

“Cần đặt ra vai trò tổ chức của Mặt trận, các đoàn thể. Thông qua đoàn thể, các tổ chức thành viên góp phần tuyên truyền, vận động, giáo dục mỗi người dân trở thành một người xả thải đúng, hợp pháp, không gây ô nhiễm”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Mặt trận, khi nói tới việc bảo vệ môi trường là phải nói đến sự tự giác của mỗi người. Mỗi một giám đốc doanh nghiệp phải là doanh nhân biết tôn trọng và bảo vệ môi trường. Mỗi một gia đình nếu được công nhận gia đình văn hóa cũng phải là gia đình bảo vệ môi trường.

Từ trao đổi của các đại biểu trong hội thảo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội bàn bạc trên các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm chủ yếu, phân công từng tổ chức thành viên theo dõi riêng một lĩnh vực, bàn bạc một cách có kế hoạch, từng năm.

Người đứng đầu Mặt trận nêu ví dụ giám sát việc gây ô nhiễm hoặc xả chất thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp thì nên giao cho Liên đoàn Lao động TP Hà Nội trong 5 năm và có địa chỉ cụ thể. Công đoàn phải là người góp phần giám sát xả thải, gây ô nhiễm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Bởi “Công đoàn chính là người ở cơ sở, họ hiểu vấn đề này hơn ai hết”.

Còn trong sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, các HTX, làng nghề thì Hội Nông dân là người cần đứng ra chủ trì việc giám sát.

Vấn đề chất thải sinh hoạt các gia đình, khu dân cưc cần giao cho Đoàn thanh niên. Thành đoàn Hà Nội cần vận động các đoàn viên giúp giám sát việc xả thải của hộ dân tại các khu dân cư, giám sát các điểm hình thành, tập kết rác, các nơi thu gom rác của phường, HTX. Từ đó Đoàn thanh niên góp phần kiến nghị nơi xử lý rác ở xã, đảm bảo môi trường.

Đối với việc giám sát sự ô nhiễm nước ở các khu vực sông, hồ, ô nhiễm do khói, bụi… Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật chính là tổ chức có năng lực nhất. Đây là tổ chức có rất nhiều thành viên là các nhà khoa học về các lĩnh vực liên quan…

Cũng như vậy, giám sát nước thải bệnh viện, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận Hà Nội nên mời Hội Y học TP Hà Nội phối hợp giám sát hàng chục bệnh viện và mấy trăm trung tâm y tế và bệnh viện vùng.

Về chế biến vật liệu xây dựng, đặc biệt là khai thác cát dưới lòng sông, theo người đứng đầu Mặt trận nên giao cho Hội Cựu chiến binh phối hợp cùng với Công an. Đây là những cơ quan, tổ chức đủ ý chí để làm những công việc giám sát phức tạp này.

Và cuối cùng, Hội Liên hiệp phụ nữ nên đảm nhận giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, các cửa hàng ăn uống.

Trên đây là 7 lĩnh vực có nguy cơ xả thải trực tiếp được giao cho 7 tổ chức thành viên chủ trì và theo dõi. Các tổ chức trên sẽ thực hiện cùng các sở, ngành liên quan. Thành phố cấp tiền và kinh phí cho 7 hoạt động này. Thành phố cũng cần cung cấp cho người dân 7 số điện thoại đặc biệt để phản ánh ô nhiễm trên 7 lĩnh vực nêu trên.

Để tạo cơ chế, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, MTTQ có trách nhiệm phân vai, sau đó từng Sở, mỗi đoàn thể bàn bạc lĩnh vực mình giám sát cần làm như thế nào cho phù hợp.

“Ngay sau hội nghị này, chúng ta bàn và phân vai luôn. Nếu được, đến đầu tháng 1 năm 2017, mỗi tổ chức có một chương trình hành động”, người đứng đầu Mặt trận khẳng định.

Từ hội thảo này, người đứng đầu Mặt trận cũng bày tỏ sự tin tưởng vào một chương trình hành động cụ thể để tạo niềm tin trong sự quyết tâm, đi đầu của Hà Nội về vấn đề bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự hoan nghênh đối với chương trình trồng 1 triệu cây xanh và nhấn mạnh, Hà Nội nên đẩy mạnh việc này, phải làm cho phong trào trồng cây thiết thực hơn nữa. Trong đó, Mặt trận Hà Nội có trách nhiệm triển khai thành cuộc vận động: nhà nước trồng cây, nhân dân trồng cây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    MTTQ và các tổ chức thành viên trực tiếp giám sát môi trường tại Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO