Mua bán hoá đơn khống đang diễn ra như thế nào?

Hồ Hương 12/09/2020 09:09

Việc Phát “dầu” vừa bị bắt với tội danh mua bán hoá đơn trái phép một lần nữa cho thấy thực trạng mua bán hoá đơn khống hiện nay khá phức tạp. Ngân sách nhà nước đang bị thiệt hại rất nhiều.

Nhiều DN “ma” ra đời với mục đích cung cấp hóa đơn cho những DN, cá nhân có nhu cầu hợp thức hóa dòng tiền.

Doanh nghiệp “ma” tự xuất hoá đơn

Theo Cục Thuế Hải Phòng, có 14 doanh nghiệp tại Hải Phòng liên quan đến vụ in hóa đơn chứng từ của ông Ngô Văn Phát (Phát “ dầu”) trong đó có 13 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc ngừng hoạt động mà chưa làm các thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Chỉ có 1 doanh nghiệp hoạt động là Công ty TNHH xăng dầu Phát. Hiện doanh nghiệp này cũng không phát sinh nợ thuế.

Trước đó, ngày 9/9/2020, nhiều cơ quan truyền thông đã đưa tin, Công an TP.Hải Phòng vừa bắt giam đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát cùng hàng loạt người liên quan vụ mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Danh tính của 6 cá nhân gồm: Nguyễn Thị Loan, Vũ Văn Bảy, Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Thúy, Mai Thị Nhài, Lương Văn Giao. Các đối tượng đều có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng và Thái Bình.

Qua quá trình điều tra, Công an huyện Thủy Nguyên xác định đối tượng Ngô Văn Phát (sinh năm 1964, trú tại số 60 Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng, Hải Phòng đã lập nhiều công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thủy Nguyên đã ra Quyết định khởi tố vụ án về tội “Mua bán bán trái phép hóa đơn” theo Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thực tế thời gian qua, phía Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phát hiện ra nhiều đường dây mua bán hoá đơn trái phép. Cuối tháng 7 vừa qua, Công an TP Hải Phòng cho biết Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP đang điều tra nhóm buôn bán hóa đơn “ma” với giá trị tới 5.000 tỉ đồng.

Chưa hết, cùng thời điểm Công an tỉnh An Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thế Hải (sinh năm 1964) và Nguyễn Hoàng Sơn (sinh năm 1985). Theo đó hai đối tượng này đã thành lập các công ty “ma”, mua bán hoá đơn, ghi khống hàng hóa có giá trị nhiều định mức để làm đầu vào và bán 387 hóa đơn GTGT khống cho 23 đơn vị trong và ngoài tỉnh An Giang, thu lợi bất chính gần 2 tỷ đồng.

Để xảy ra những vụ buôn bán hóa đơn trái phép này là do cơ quan Thuế đã giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc tự in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đây được coi là bước “đột phá” trong công tác quản lý thuế nhưng song hành với đó những hành vi gian lận cũng nảy sinh nhiều hơn.

Phần trăm tuỳ từng loại

Hiện có nhiều doanh nghiệp chọn cách mua hóa đơn để bù trừ và cân đối giữa thuế đầu vào, đầu ra, hạn chế số thuế GTGT phải nộp. Do đó, nhiều DN “ma” ra đời với mục đích cung cấp hóa đơn cho những DN, cá nhân có nhu cầu hợp thức hóa dòng tiền

Theo tìm hiểu của PV, hiện trạng mua bán hoá đơn diễn ra khá sôi nổi. Nếu là hóa đơn thanh toán cho việc ăn uống (tiếp khách) thì doanh nghiệp thường tìm đến các khách sạn, cũng như nhà hàng và chịu phí phần trăm (%) từ 8 -10% giá trị hợp đồng (thể hiện trên tờ hóa đơn); còn hóa đơn thanh toán các loại dịch vụ hay mua hàng hóa khác như vật liệu xây dựng, vận tải, chụp ảnh, quay phim… sẽ tìm đến các công ty cùng hệ với phí 3 - 6% giá trị hợp đồng mua bán. Nếu số tiền ghi trên hóa đơn trên 20 triệu đồng, thông thường doanh nghiệp yêu cầu bên cung cấp tách ra 2 tờ hóa đơn để không phải chuyển tiền qua ngân hàng. Bởi theo quy định, thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải chuyển qua ngân hàng mới được coi là hợp lệ.

Vậy, tại sao nhà hàng, khách sạn hay các công ty vận chuyển có hoá đơn bán? Thực ra, hiện nay, phần lớn người dân, khách lẻ khi đi mua hàng hay sử dụng các dịch vụ tương tự không lấy hoá đơn. Phần này sẽ được mua bán lại để kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, đáng bàn hơn là có những doanh nghiệp lập ra, không có hoạt động gì, chỉ thực hiện mua – bán hoá đơn để kiếm lợi. Sau một thời gian, các công ty này sẽ tự đóng các thông tin lại.

Việc mua bán hóa đơn như vậy không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, mà còn tạo môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Giới luật sư cho rằng, cần tăng chế tài đối với hình thức mua bán hoá đơn. Việc tiến tới áp dụng hoá đơn điện tử với 100% doanh nghiệp chắc chắn sẽ là một biện pháp để chặn việc mua bán hoá đơn khống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua bán hoá đơn khống đang diễn ra như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO