Mua bán sáp nhập doanh nghiệp hút vốn ngoại

Thanh Giang 27/09/2018 08:30

Được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động đầu tư, vì vậy doanh nghiệp ngoại không ngừng đổ vốn vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A). Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chế biến, bất động sản, bán lẻ luôn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.

Mua bán sáp nhập doanh nghiệp hút vốn ngoại

Chế biến thực phẩm làm một trong những ngành thu hút vốn ngoại.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng năm 2018 cả nước có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm 2017. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều sự quan tâm với tổng số vốn đạt 10,72 tỷ USD, chiếm 44% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2%. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 7,6%.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các thương vụ M&A trong lĩnh vực thực phẩm trong giai đoạn 2016 – 2017 có thể kể như: Kido Group (của Việt Nam) mua 65% cổ phần (CP) của công ty CP Dầu thực vật Tường An; CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% CP của công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% CP của công ty CP Thực phẩm Đức Việt;…

Theo dữ liệu của Nielsen Việt Nam, ngành thực phẩm là 1 trong 3 nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017. Doanh số của ngành hàng thực phẩm trong năm 2017 tăng trưởng 7% so với năm 2016, đóng góp 16,3% vào tổng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Tương tự, đối với ngành bất động sản, Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản Savills Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm lĩnh vực này thu hút lượng vốn cao kỷ lục 4.971 tỷ USD. Một số dự án lớn đã thu hút dòng vốn ngoại. Điển hình như dự án thành phố thông minh tại Hà Nội, dự án nhà ở kết hợp với thương mại tại quận 2 với giá khoảng 18 triệu USD. Chưa hết, nhiều nhà đầu tư ngoại thâu tóm hàng loạt dự án vàng tại trung tâm TP HCM với giá trị lớn.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) khẳng định, mấy năm nay vốn của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vẫn đổ vào bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu, Việt Nam luôn ổn định về kinh tế cũng như chính trị - xã hội. Sự ổn định về kinh tế kéo theo nhu cầu dịch vụ văn phòng, căn hộ tăng cao. Đây chính là thị trường tốt cho các nhà đầu tư rót vốn.

Trong giai đoạn 2009 – 2018, tổng giá trị thương vụ M&A đạt 48,8 tỷ USD với hơn 4.000 giao dịch, trong đó riêng năm 2017, giá trị M&A đã đạt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD. M&A bùng nổ bởi thị trường có quy mô 100 triệu dân như Việt Nam vẫn là lực hút dòng vốn trên toàn cầu.

Bà Jiun Park - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến M&A Toàn cầu Hàn Quốc cho biết, con số giao dịch M&A từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng nhanh. Năm 2017, tổng trị giá M&A các thương vụ vào Việt Nam chỉ 300 triệu USD, nhưng 6 tháng 2018 đạt 200 triệu USD.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng nhìn nhận, từ khi có thị trường chứng khoán, các hoạt động M&A sôi động hơn. Hiện hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ổn định và hiệu quả.

Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, với tốc độ tăng trưởng 17%/năm, có thể thấy đà tăng rất mạnh mẽ và sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế. Các nhà đầu tư lớn trên thị trường M&A như Nhật Bản, Mỹ, Singapore vẫn tiếp tục giữ phong độ. Các đối tác truyền thống như Đài Loan, Malaysia vẫn duy trì. Đặc biệt các nhà đầu tư mới như Hàn Quốc, Thái Lan,… và cả Trung Quốc cũng bắt đầu bước vào M&A Việt Nam.

Bên cạnh điều kiện thuận lợi về thị trường, kinh tế, chính trị,… động lực cho thị trường mua bán doanh nghiệp còn đến từ những chuyển động chính sách mới của Chính phủ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, khung pháp lý cũng dần hoàn thiện sẽ thúc đẩy nhà đầu tư tham gia vào các thị trường, như: bất động sản, tài chính ngân hàng và khu vực phi ngân hàng trong thời gian tới. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư cần tìm hiểu thêm, bởi sự thay đổi đang diễn ra và điều này vẫn không dừng lại, trong khi đó thị trường M&A tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua bán sáp nhập doanh nghiệp hút vốn ngoại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO