Mùa cam Lục Ngạn

Đức Thọ 11/01/2017 19:00

Trong tiết trời se lạnh của những ngày Đông, chúng tôi có dịp trở lại thăm xã vùng cao Tân Mộc. Đây là mảnh đất Anh hùng có bề dầy lịch sử truyền thống trong chống giặc ngoại xâm, đồng thời cũng là vùng đất năng động nhất trong 12 xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là cây cam.

Gia đình chị Nguyễn Thị Chiếm tập trung thu hoạch cam lòng vàng Lục Ngạn.

Trang trại cam đầu tiên chúng tôi vào thăm là của gia đình anh Bùi Đình Hậu. Với diện tích vườn rộng gần 4 ha, anh Hậu quy hoạch trồng 2 loại cây ăn quả chính là cam lòng vàng và cam đường Canh, ngoài ra còn một diện tích nhỏ anh trồng khảo nghiệm bưởi Da xanh. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt nên 5 năm gần đây, vườn cam nhà anh luôn được mùa cho thu hoạch từ 50 – 65 tấn quả/vụ, giá trị thu về đạt từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm.

Riêng vụ cam năm 2016, anh Hậu ước tính thu hoạch khoảng 70 tấn quả. Hiện cam lòng vàng Lục Ngạn đã chuẩn bị được thu hoạch, tiểu thương ở Hà Nội đã đến thăm đặt mua cả vườn với giá chốt hơn 20 nghìn đồng/kg.

Nhờ được chăm bón chủ yếu bằng nguồn phân bón hữu cơ đã qua xử lý nên vườn cam nhà anh Hậu rất xanh tốt dù cây được trồng trên đất đồi khô cằn tưởng chừng như cây cỏ cũng không lên được. Cũng bởi cây cam lòng vàng được trồng trên đất đồi thoát nước, cộng với kỹ thuật chăm sóc hiệu quả nên cho chất lượng quả ngon hơn so với ở miền xuôi.

Quả cam đường Canh chín đỏ đẹp, ăn ngọt lịm; còn cam lòng vàng có kích thước to hơn, chín vàng, ăn có vị ngọt dịu mát và hương thơm đặc trưng nên được khách hàng ưa chuộng, nhất là khác ở các tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Cứ đến vụ thu hoạch tiểu thương lại đánh ô tô đến tận vườn thu mua đỡ nhiều công vận chuyển.

Nhờ hiệu quả kinh tế từ vườn cam mang lại, gia đình anh Hậu không chỉ xây dựng được căn nhà kiên cố, mua sắm được trang thiết bị phục vụ sinh hoạt đắt tiền mà năm 2014 vợ chồng anh đã mua được chiếc xe ô tô Fortuner sang trọng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, việc trồng và chăm sóc thành công các giống cam đã giúp vợ chồng anh Hậu trở thành tỷ phú trên vùng quê vốn được coi là heo hút và nghèo khó này.

Tuy nhiên, nhắc đến tỷ phú cam ở Đồng Quýt không thể không nhắc đến người có công đầu tiên trong việc đưa cây cam về địa phương trồng thành công trên đất đồi trọc. Đó là vợ chồng anh Bùi Xuân Sinh, chị Nguyễn Thị Chiếm. Ngay từ đầu năm 2003, gia đình chị Chiến đã cất công đi đến tỉnh Hưng Yên mua cây cam giống và học tập kinh nghiệm về trồng trên đất đồi rừng.

Tuy nhiên ngày vợ chồng chị quyết định phá bỏ cả mẫu đất với hàng trăm cây vải thiều đi để trồng cam, ai thấy cũng ngán ngẩm cho là gàn dở. Bởi từ trước đến nay mọi người đều biết cây cam đường Canh là cây ăn quả khó tính, trồng ở đồng bằng còn khó được ăn huống chi là đưa lên đồi. Quả thật cũng phải nếm trải mất 3 năm thất bại, đến năm thứ 4, gia đình chị mới làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam trên đất vườn trên đồi.

Giờ đây gia đình chị đã trở thành tỷ phú nổi tiếng của huyện Lục Ngạn với 4 vườn trồng cam Lục Ngạn và bưởi Da xanh (ở các xã Tân Mộc, Quý Sơn và Nam Dương) với tổng diện tích gần chục ha, trong đó có 3 vườn trồng cam lòng vàng Lục Ngạn và cam Canh đã được thu hoạch, còn vườn bưởi Da xanh rộng 5,8 ha mới được đầu tư năm 2015.

Riêng vụ cam năm 2016 , chị Chiếm dự kiến thu khoảng 60 tấn cam. Với giống cam lòng vàng có đặc điểm cây càng già quả ăn càng ngon nên tiểu thương ở khu vực Hà Nội đã đến đặt mua cả vườn với giá 22 – 24 nghìn đồng/kg.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa cam Lục Ngạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO