Mưa lớn kéo dài, lũ lên nhanh

Nhóm PV 11/10/2020 06:19

Ngày 10/10, mưa lớn tiếp tục trút xuống các tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh tới Quảng Ngãi. Lượng mưa lớn tập trung tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam khiến nước sông khu vực này lên nhanh. Nước lũ tràn vào nhiều khu dân cư, khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Lượng mưa lớn khiến nước sông lên nhanh.

Đợt mưa lớn kéo dài đã hơn 3 ngày khiến nhiều tỉnh miền Trung ngập lụt, một số tỉnh Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng từ đợt mưa này. Trong ngày 10/10, hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, theo cơ quan khí tượng thủy văn, do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang mạnh lên nên sẽ xuất hiện một đợt mưa tiếp theo, kéo dài tới ngày 17/10.

1. Sáng 10/10, mực nước trên sông Bồ tại Trạm Phú Ốc (Thừa Thiên-Huế) dự báo lên mức 5,4 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,22 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai tăng từ cấp 2 lên cấp 3.

Đến trưa cùng ngày, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế tiếp tục lên nhanh, lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Kiến Giang và sông Thạch Hãn tiếp tục lên.

Trên sông Ngàn Sâu (tỉnh Hà Tĩnh) tại Trạm Chu Lễ, mực nước đã ở mức báo động 2. Mực nước trên sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình) tại Trạm Lệ Thủy ở mức báo động 3. Mực nước trên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) tại Trạm Thạch Hãn trên báo động 3 là 0,7 m; trên sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên-Huế) tại Trạm Phú Ốc lên mức 5,4 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,22 m. Mực nước trên sông Hương tại Trạm Kim Long lên mức 3,5 m, ở mức báo động 3.

Ngay trong sáng 10/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu công ty cổ phần thủy điện Bình Điền và Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 vận hành điều tiết hồ Bình Điền và hồ Tả Trạch.

Cụ thể, hồ Bình Điền được điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, từ 500-1.500 m3/giây; đồng thời thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Cùng thời điểm, mực nước hồ Bình Điền là 79,0 m, lưu lượng đến hồ 4.000 m3/giây.

Với hồ Tả Trạch được điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, từ 900-1.500 m3/giây. Cùng thời điểm, mực nước hồ Tả Trạch là 38,64 m, lưu lượng đến hồ 3.775 m3/giây.

Cứu giúp người dân vùng ngập lụt ở Huế. Ảnh: Lê Hiếu.

Tại thành phố Huế, trong ngày 10/10, mực nước sông Hương, sông Bồ đã lên mức trên báo động 3. Còn trong phạm vi tỉnh có 24.520 ngôi nhà bị ngập trên dưới 1 mét. Ngập sâu nhất là thị xã Hương Trà với 9.455 nhà bị ngập; Quảng Điền với 6.550 nhà bị ngập; huyện Phong Điền có 4.348 nhà bị ngập từ 0,3-1,8 m; 2.865 hộ với 8.360 khẩu ở vùng bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất đã phải di dời đến nơi an toàn.

Tính tới chiều 10/10, mưa lũ đã làm 2 người chết, 6 người bị thương, 25.000 nhà dân ở các vùng thấp của tỉnh Thừa Thiên-Huế bị ngập. 2 nạn nhân bị thiệt mạng do lũ là ông Dương Phước Hải, 31 tuổi, ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền bị lật thuyền mất tích vào lúc 21h ngày 7/10, đến chiều tối 9/10, đã tìm thấy thi thể. Người thứ 2 là anh Phạm Văn Long, 25 tuổi ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, bị lật thuyền sáng 10/10, tử vong.

Tại trung tâm thành phố Huế, trong đêm 9/10, nước lên nhanh khiến nhiều khu vực ngập từ 0,3m đến 1m. Các phố Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Chí Thanh, Nhật Lệ, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế… không đi lại được.

Nhà dân xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bên sông Vu Gia bị ngập sâu.

2. Tại Quảng Nam, mưa lớn trong đêm 9/10 vắt qua hôm sau khiến mực nước sông Vu Gia lên nhanh trở lại, gây ngập nhiều khu dân cư ở huyện Đại Lộc. Các xã ven sông Vu Gia như Đại Đồng, Đại Hưng, Đại Lãnh, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nước ngập nhiều khu dân cư, có nơi ngập sâu từ 0,5m-1m.

Còn trong phạm vi toàn tỉnh, các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, Tam Kỳ bị ngập nặng, các phương tiện rất khó lưu thông.

Ngập nặng nhất là huyện Đại Lộc. Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ông Nguyễn Hữu Vũ, cho biết mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến nước sông Vu Gia lên cao, trên báo động 3. Nhiều xã trên địa bàn huyện Đại Lộc đã bị nước lũ chia cắt, nhà dân bị ngập nặng. Tính tới chiều 10/10, 34 hộ sống tại khu vực thấp trũng ở xã Đại Phong và Đại Minh đã phải di dời đến nơi an toàn.

Mưa lớn kéo dài khiến hầu hết các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia đều ở mức trên mực nước đón lũ. Cả 3 thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đều phải xả nước điều tiết lũ xuống hạ du. Chiều 10/10, Thủy điện A Vương xả qua tràn xuống hạ du 425 m3/giây; Thủy điện Sông Bung 4 xả qua tràn lên đến 1231 m3/giây; Thủy điện Đak Mi 4 xả qua tràn 25 m3/giây. Lượng nước 3 thủy điện xả về sông Vu Gia hơn 1.890 m3/giây.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, mực nước lũ chiều ngày 10/10 là 1,52 m, bằng báo động 2. Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện thủy điện Sông Tranh 2 chưa tích đầy nước nên không quá lo ngại nước từ thủy điện đổ về sông Thu Bồn. Tuy nhiên, lượng mưa ở phía dưới thủy điện đang rất lớn.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 11 đến 13/10, lũ trên sông Thu Bồn có khả năng tương đương đỉnh lũ năm 2013 là 2,69 m - trên báo động 3 là 0,69 m. Đáng lo ngại đối với đô thị cổ Hội An là thuỷ triều lớn ban đêm diễn ra khi có gió chướng nên lũ có thể lớn hơn và rút chậm.

Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 2 ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to đến mưa rất to. Tổng lượng mưa trong 24 giờ qua (từ 7 giờ ngày 9/10 đến 7 giờ ngày 10/10) tại các địa phương vùng núi phía Nam phổ biến từ 90 - 180 mm, vùng núi phía Bắc và vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 200 - 300 mm; có nơi trên 435 mm.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngày 10/10, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chuẩn bị khẩn trương các phương án đối phó với mưa lũ. Cũng trong ngày 10/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện hàng loạt giải pháp để phòng chống lũ. Nhóm PV

Ngày 10/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành Văn bản số 428/VPTT gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ Thủy điện Hòa Bình.

Theo đó, lúc 12h ngày 10/10, hồ Thủy điện Hòa Bình sẽ mở một cửa xả đáy với tổng lưu lượng xả dự kiến tới hạ lưu khoảng 3.900 m3/s.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản; rà soát phương án phòng, chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là các trọng điểm đê điều, khu vực sạt lở bờ sông tại tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa lớn kéo dài, lũ lên nhanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO