Mùa này, Mù Cang Chải

Thế Quang 14/10/2021 18:46

Mùa thu, một điểm đến được du khách trong và ngoài nước ao ước đặt chân tới đó là Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Mù Cang Chải được ví như một viên ngọc nằm sâu trong thung lũng, phủ đầy những bậc thang màu ngọc lục bảo.

1. Nằm cách Hà Nội hơn 300 km, huyện vùng cao Mù Cang Chải là điểm đến không còn xa lạ với khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do dịch Covid-19 ảnh hưởng khắp toàn cầu, nên du khách chỉ có thể nhìn ngắm Mù Cang Chải qua phim, qua ảnh.

Mù Cang Chải sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch với nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, thung lũng Nậm Khắt, di tích bãi đá cổ mới được phát hiện ở xã La Pán Tẩn và Lao Chải, đỉnh Lùng Cúng với độ cao hơn 2.900 m... Cùng với đó là những nét văn hóa riêng, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Thái… Du lịch huyện Mù Cang Chải đã từng bước đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, nổi bật và thu hút khách du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch khai thác cảnh quan ruộng bậc thang.

Cuộc sống bình dị của người dân Mù Cang Chải trong ống kính một nhiếp ảnh gia.

Hiện huyện Mù Cang Chải đang tiến hành Đề án “Xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án được xây dựng với mục tiêu chung là “Phát triển du lịch xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Mù Cang Chải; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, trở thành huyện du lịch và là một trong những điểm đến hàng đầu của vùng Tây Bắc.

2. Đến Mù Cang Chải vào bất cứ thời điểm nào trong năm du khách đều có thể bắt gặp vẻ đẹp tráng lệ của di sản ruộng bậc thang - một kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước do chính bàn tay và trí tuệ của bà con dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây kiến tạo từ hàng trăm năm trước. Ước tính ruộng bậc thang bao phủ hơn 2.200 héc ta đất ở Mù Cang Chải, trong đó 500 héc ta được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di sản quốc gia.

Nếu đến đây vào dịp tháng 4, tháng 5 - đó là thời điểm gieo mạ, cày ải, cấy lúa… Lúc này, du khách sẽ bắt gặp những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô mùa nước đổ và những hoạt động nông nghiệp của bà con bản địa nơi đây, trong đó chủ yếu là người Mông.

Đèo Khau Phạ hùng vĩ.

Còn nếu đến đây vào dịp tháng 10, tháng 11, du khách sẽ choáng ngợp trước sắc vàng của lúa chín cùng những nghi thức nông nghiệp rất đặc trưng. Ở Tây Bắc nhiều nơi có ruộng bậc thang, nhưng Mù Cang Chải được coi là nơi nhiều ruộng bậc thang đẹp nhất.

Các nhà dân tộc học chỉ ra rằng, lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn liền với lịch sử cư trú của tộc người Mông - tác giả của những thửa ruộng bậc thang, chủ nhân cư trú đầu tiên tại vùng đất này.

Theo các nhà nghiên cứu địa chất, Mù Cang Chải là địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất đai chủ yếu là đất feralit vàng đỏ. Điều này, giải thích vì sao người Mông không thể trồng lúa theo phương thức nương rẫy mà thay vào đó, họ phải tận dụng những quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải, tận dụng được cả nước mưa và nước suối dẫn từ độ cao tràn xuống ruộng thấp để hình thành ruộng bậc thang.

Trải qua thời gian, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, người Mông đã kiến tạo nên hàng trăm héc ta ruộng bậc thang, trải dài qua nhiều quả đồi, qua nhiều thung lũng khắp Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Khau Phạ... Và bây giờ, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành một di sản văn hóa, một “tác phẩm điêu khắc” khổng lồ, một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Yên Bái…

Nụ cười mùa thu hoạch lúa.

3. Đến Mù Cang Chải, du khách không chỉ ngây ngất với vẻ đẹp của ruộng bậc thang bốn mùa khác biệt mà còn có dịp trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch khác nhau, cũng như thưởng thức những món ăn hấp dẫn.

Khám phá đèo Khau Phạ là trải nghiệm đáng nhớ. Khau Phạ có nghĩa là “sừng trời” - cung đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Người Mông đã dùng từ “sừng trời” để miêu tả Khau Phạ như chiếc sừng chọc lên trời xanh, cũng nhằm chỉ mức độ hiểm trở. Đèo Khau Phạ dài chừng 20 km, thường quanh năm mây phủ, chỉ những ngày nắng đẹp thì đứng trên đèo mới nhìn rõ được hết thung lũng phía dưới.

Khi dừng chân sau hành trình khám phá đèo Khau Phạ, xôi nếp Tú Lệ là một món ăn gây nhớ. Xôi nếp Tú Lệ hạt to tròn, màu trắng tinh khôi, được nấu từ thứ gạo được chính bà con người Mông trồng trên những thửa ruộng bậc thang mỗi năm một vụ. Khi đồ hay nấu lên, dẻo và thơm ngào ngạt...

Bên cạnh đó, món châu chấu rang Mường Lò cũng là một đặc sản ở Mù Cang Chải. Món ăn này chỉ có vào mùa lúa chín. Những con châu chấu to béo vàng ươm được ngâm với chút giấm hoặc măng chua rang lên có mùi thơm khó cưỡng. Ngoài ra, còn có các món lạp xưởng, nhộng ong rừng, thịt lợn kẹp cây rừng nướng, gà đen, cua suối rang muối, pa pỉnh tộp…

Năm 2020, Mù Cang Chải được lọt vào danh sách điểm du lịch hàng đầu thế giới.

Mùa lúa chín thường thu hút du khách đến với Mù Cang Chải.

La Pán Tẩn như một điểm cao giữa bốn bề là ruộng, vì thế đứng từ đấy dõi mắt ra bốn phía đều thấy ruộng, xa hơn nữa là những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại. Được ví như vân tay của trời, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa này, Mù Cang Chải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO