Mưa to gió lớn, nhiều tỉnh miền Trung thiệt hại

B.Nguyên-T.Thành-C.Đại 14/09/2016 07:05

Bão số 4 khi vào bờ đã thành áp thấp nhiệt đới nhưng tại nhiều địa phương miền Trung thuộc các tỉnh/thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi- sự thiệt hại vẫn không nhỏ. Đặc biệt, đối với những cánh đồng lúa và hoa màu, thiệt hại là khá nặng nề. Tại một số nơi, gió lớn tạo thành lốc, tàn phá nhà dân. Một số điểm miền núi, do mưa to nên đất bị sạt lở, giao thông gián đoạn.

Lốc dữ thổi bay nhiều nhà dân Quảng Trị

Sáng 13/9, một cơn lốc xoáy kéo dài khoảng 5 phút xuất hiện ở 4 huyện Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong và Cam Lộ (Quảng Trị) làm tốc mái hàng loạt ngôi nhà.

Cơn lốc chỉ kéo dài khoảng 5 phút, nhưng gió cực mạnh khiến hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ hoàn toàn. Tại thôn Tân Hòa (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ), lốc xoáy làm 12 nhà tốc mái, 3 nhà đổ sập hoàn toàn, 4 người bị thương, nhiều diện tích sắn, cao su… cũng bị gãy đổ. Tại xã Hải Trường (huyện Hải Lăng), lốc xoáy xuất hiện vào sáng sớm khiến nhiều nhà tốc mái. Cây cối ở đường vào các thôn xóm ngã đổ nhiều hướng.

Bình Nguyên

Do ảnh hưởng của bão số 4, trong đêm 12/9 và sáng ngày 13/9, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm. Mặc dù công tác chuẩn bị phòng chống đã được triển khai, nhưng cuộc sống người dân vẫn bị ảnh hưởng, sinh hoạt bị xáo trộn.

Kể từ chiều 12/9, UBND TP.Đà Nẵng đã lưu ý các cấp, các ngành, UBND các quận, huyện tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương chuẩn bị đối phó với áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, đổ bộ vào khu vực miền Trung, trong đó có Đà Nẵng.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng ban hành 2 công điện số 15 và 16, yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn hoạt động trên biển...

Sở GTVT được yêu cầu khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng; tỉa cành cây có nguy cơ ngã đổ; phòng, chống ngập úng ở các khu dân cư do công trình đang thi công dang dở. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương, đơn vị quản lý các hồ chứa thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn công trình.

Thông báo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà nẵng ngày 13/9 cho biết, Đà Nẵng không có thiệt hại về người. Về ngập, có 145 hộ với 571 nhân khẩu ở Hòa Vang. Ngoài ra, ngập cục bộ tại một số tuyến đường nội thị. Bão cũng làm 1 nhà tại thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang tốc mái; 2 tàu bị chìm và 1 tàu vận tải bị hỏng, mắc cạn.

Cụ thể, tàu của ông Lê Văn Sang, công suất 400CV và tàu ĐNa 20524, công suất 24CV của ông Phạm Tấn Kim bị chìm tại khu vực biển Thành Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Về nông nghiệp, có 42,5 ha lúa, rau, hoa bị ngập; 3,5 tấn cá trê lai bị cuốn trôi, 300 con gia cầm bị cuốn trôi, chết.

Bão số 4 cũng đã làm gãy 25 biển báo, trụ tên đường, sạt lở 25m2 vỉa hè, sạt lở 100m đường bê-tông dân sinh tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, sạt lở gây bồi lấp 200m đường ĐT 601.

Theo ông Đặng Đức Thứ- GĐ Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng, toàn TP có hơn 500 cây xanh nghiêng, bật gốc mặc dù không nằm trong tâm bão số 4.

Sáng 13/9, tài xế Lê Đức Điểu (SN 1975), trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng điều khiển taxi mang BKS 43A-163.80 của Hãng taxi Đà Nẵng chạy từ Đà Nẵng lên huyện Nông Sơn để trả khách. Đến khi chạy về tới địa phận thôn Lộc Trung, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn thì bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi xuống ruộng. May mắn, tài xế Điểu đạp cửa bơi ra ngoài nên thoát chết.

Thu hoạch vội do nước ngập quá sâu. (Ảnh: C.Đại-T.Thành).

Tại Quảng Nam, bão số 4 đã gây ra các điểm sạt lở miền núi. Ngày 13/9, ông Hồ Văn Dư- Bí thư Đảng ủy xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, 2 tuyến đường liên thôn của xã bị sạt lở, khiến cho các phương tiện lưu thông khó khăn.

Còn ông Hồ Đắc Vinh- Chủ tịch xã Ch’ơm, huyện Tây Giang xác nhận, do đợt mưa lớn kéo dài trên địa bàn xã nên tuyến đường qua xã Ch’ơm bị đất núi sạt lở, chia cắt đường. Người dân lưu thông tuyến đường này chỉ đi bộ, chưa thể đi xe được.

Tại Quảng Ngãi, 2 ngày qua, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoạt động của bão số 4 nên trời mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Tuy khi vào đất liề--n báo số 4 đã trở thành áp thấp nhiệt đới nhưng mưa lớn đã nhấn chìm ruộng lúa, hoa màu của người dân địa phương.

Dọc theo các tuyến đường từ đường Nguyễn Văn Trỗi, phường An Phú, TP Tam Kỳ đến các đường liên xã ven biển của Quảng Nam, Quảng Ngãi, rất nhiều cánh đồng chìm ngập trong biển nước. Người dân tại An Hà Trung, phường An Phú, Tam Kỳ cho biết, mưa lớn quá, bà conkhông kịp trở tay. Những thửa ruộng trồng rau khoai phải cắt vội để bán và cho lợn ăn vì nếu để ngâm nước lâu thì phải bỏ. Còn với lúa, phải chờ nước rút mới cắt được.

Tới thời điểm hiện tại, trên các cánh đồng ở vùng ven TP Tam Kỳ và các huyện lân cận trong tỉnh Quảng Nam, nhiều diện tích hoa màu của người dân chưa kịp thu hoạch bị ngập đã chìm trong biển nước. Hiện rất đông người dân đã ra đồng gặt lúa, cắt rau khoai, bẻ bắp và nhổ khoai sắn, vớt vát những gì còn lại. UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, trước cơn bão số 4 toàn tỉnh hiện còn 4.500 ha lúc vụ hè thu chưa kịp thu hoạch.

Còn về tàu cá, theo ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi thì do công tác thông tin, cập nhật diễn biến hướng di chuyển của cơn bão số 4, cũng như kêu gọi các tàu thuyền vào bờ trú ẩn; vì thế, mà các tàu thuyền trên địa bàn xã Bình Châu không thiệt hại gì về tài sản và tính mạng của ngư dân.

Tuy nhiên cũng đã xảy ra một số sự cố với tàu thuyền.

Cụ thể, tính đến sáng ngày 13/9, tại tỉnh Quảng Bình đã mất tích một thuyền viên trên tàu cá QB 33250 TS/06. Ở Thừa Thiên- Huế, tàu QNg 0279, thuộc Công ty Mạnh Cường trên đường di chuyển từ cảng Chân Mây vào Đà Nẵng đã bị sóng đánh chìm, Bộ Chỉ huy BĐBP đã phối hợp với đơn vị liên quan cứu được 3 người trên tàu, hiện nay sức khỏe 3 thuyền viên ổn định.

Tại tỉnh Quảng Ngãi đã có 2 tàu hành nghề giã cào bị sóng đánh mắc cạn tại Cửa Đại. Đó là tàu QNg 44627 TS/03 LĐ và tàu QNg 92936 TS/03 LĐ, 6 ngư dân trên tàu được đưa vào bờ an toàn.

Quảng Bình,165 ngôi nhà bị tốc mái

Trong hai ngày 12 và 13-9, tại Quảng Bình có mưa to kèm theo gió giật mạnh. Đã có 165 ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm ha lúa hè- thu bị gãy đổ. Cụ thể, tại huyện Quảng Ninh, mưa, gió đã làm 65 nhà dân bị tốc mái, chủ yếu ở các địa bàn: Hàm Ninh, Vĩnh Ninh, Hải Ninh; 8 người bị thương (Hàm Ninh: 5 người, Hải Ninh: 3 người), trong đó có 3 người bị thương nặng phải vào viện cấp cứu; 500 ha lúa hè - thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều diện tích bị gãy đổ, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Ninh, Lương Ninh, Hàm Ninh và Vĩnh Ninh; hồ Troóc Trâu bị xói lở phần đập dâng; Trường THCS Hàm Ninh bị lốc toàn bộ phần cửa...

Tại thị xã Ba đồn, đã xảy ra lốc xoáy tại thôn La Hà Tây và thôn La Hà Đông, (xã Quảng Văn) làm trên 100 nhà dân bị tốc mái, 3 người bị thương phải đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Xuân Thi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa to gió lớn, nhiều tỉnh miền Trung thiệt hại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO