Mùa xuân trên biển

04/02/2016 00:14

Một mùa Xuân mới đến với những ngư dân của Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khi mà những ngày áp Tết này con tàu vỏ thép đầu tiên đóng theo Nghị định 67 đã được bàn giao cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh, Lý Sơn. Với việc bàn giao tàu cá vỏ thép này, ngư dân sẽ yên tâm bám biển bám ngư trường dài ngày tại các ngư trường xa bờ vừa làm kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mùa xuân trên biển

Tàu cá vỏ thép đầu tiên của Lý Sơn.

Đây không phải là “con tàu 67” đầu tiên được bàn giao cho ngư dân. Sau một năm thực hiện Nghị định 67/CP, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước đã phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng tàu mới, trong đó có 421 tàu vỏ thép, 50 tàu vật liệu mới và 481 tàu vỏ gỗ. Số tàu có công suất từ 400 đến dưới 800 CV có 376 chiếc. Tàu từ 800 đến dưới 1.000 CV có 512 chiếc và trên 1.000 CV có 64 chiếc. Các tỉnh phê duyệt tàu vỏ thép với số lượng cao gồm Tiền Giang, Nam Định và Quảng Nam.

Như vậy tính đến ngày 31-10-2015 cả nước đã có 52 tàu đóng mới và nâng cấp được hạ thủy. Trong đó Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi tỉnh có 1 chiếc; Nghệ An có 8 chiếc; Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên mỗi tỉnh có 4 chiếc; Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi mỗi địa phương có 3 chiếc; Bình Thuận có 10 chiếc; Tiền Giang có 7 chiếc và Kiên Giang có 2 chiếc... Cũng trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã ký kết 222 hợp đồng tín dụng với các chủ tàu tiếp tục cứng hóa đội tàu để giúp ngư dân yên tâm bám biển trong thời gian tới.

Đất nước ta có chiều dài bờ biển trên 3.260 km, với nguồn hải sản dồi dào, sản lượng khai thác ở giới hạn cho phép khoảng 2,2 triệu tấn/năm, trong đó, nguồn lợi hải sản xa bờ được dự báo còn nhiều tiềm năng khai thác với trữ lượng 1,5 triệu tấn/năm. Việc cứng hóa đội tàu, hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ là điều cấp thiết.

Thế nên, nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để họ yên tâm, vững dạ ra khơi đã được triển khai từ nhiều năm nay. Ngay cả Nghị định 67 được mệnh danh là một trong những nghị định được nhanh chóng xây dựng kịp thời hỗ trợ cho ngư dân cũng đã được sửa đổi nhiều lần để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Tất nhiên, không chỉ chờ cho đến khi Nghị định 67 ra đời, ngay từ khi chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được ban hành, Nhà nước đã bố trí nhiều nguồn lực đầu tư và có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất như: Đầu tư xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão; hỗ trợ đóng tàu và cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp việc khai thác hải sản; hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân; tổ chức cho ngư dân sản xuất theo mô hình tổ, đội sản xuất; thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giải quyết khó khăn, nâng cao đời sống cho ngư dân…

Có thể nói, các chính sách triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả, đã phần nào hỗ trợ doanh nghiệp và ngư dân bảo đảm việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản được ổn định, từng bước tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn chưa được như mong đợi, cuộc sống của ngư dân vẫn khó khăn. Đặc biệt, nếu không có tàu lớn được trang bị đầy đủ các điều kiện về an toàn thì trước những trận cuồng phong của biển, ngư dân không thể chống chọi được.

Gỡ khó cho ngư dân tức là hiện thực hóa ước mơ vươn khơi, giầu mạnh lên từ biển của Việt Nam từ bao đời nay, vì vậy thời gian tới Nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực tiềm năng này như đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá, khu dân cư ven biển và trên các đảo. Ưu tiên phát triển kinh tế biển đúng với tiềm năng, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo. Đồng thời cần nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng đặc thù để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của ngư dân đảm bảo ngư dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và có điều kiện trả vốn vay hợp lý. Đặc biệt, các cơ quan hữu quan cần tổ chức nghiên cứu về nguồn lợi ngư trường ở các vùng biển xa, từ đó có định hướng và tạo điều kiện để các địa phương tổ chức các đội tàu khai thác với công suất phù hợp và các đội tàu dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá trên biển hợp lý để khai thác có hiệu quả, giảm bớt chi phí và rủi ro cho ngư dân.

Có thể khẳng định, tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển của nước ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó, nguồn lợi hải sản có ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến đời sống của ngư dân. Từ bao đời nay, dẫu phải luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng bà con ngư dân vẫn vươn khơi, bám biển không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước thì câu chuyện ngư dân gặp rủi ro trên biển sẽ lùi vào dĩ vãng thay vào đó là những vụ cá bội thu, những mùa xuân ấm no hạnh phúc.

Lục Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa xuân trên biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO