Mùi hương

Trang  Thanh 01/08/2021 20:00

Những mảnh vườn quê ngày ấy, bốn mùa đều ủ hương thơm, giờ đây còn ủ trong ta là mùi men của ký ức.

Những trái thị vàng ươm.

Hương cau đầu hè dắt ta đến với cội nguồn thiêng liêng và trong trẻo, khi sớm mai một chùm hoa theo tay mẹ nâng niu thành kính đặt lên bàn thờ tổ tiên. Mùi ổi thoang thoảng cuối vườn, ríu rít gọi đám trẻ dắt nhau đi tìm quả chín. Những hương ngâu, hương thị, hương nhài… nơi tha thiết, lúc nồng nàn, khi dịu dàng tỏa theo gió sớm, tắm gội những tâm hồn non thơ vô tư chân sáo trên những mảnh vườn mà chúng đi qua…

Nơi góc vườn, cụm nhài sum suê như đã xanh như thế từ đời ông bà cụ kỵ. Tôi hỏi bố cây nhài có tự bao giờ? Bố cười bảo, khi bố còn bé tí đã thấy cụm nhài ở đó. Mỗi khi tôi bị ấm trán, mẹ lại ra vườn tuốt một nắm lá nhài to, rửa sạch đem giã lấy nước cốt, hòa chút muối chút đường vào để tôi uống, còn bã lá thì bọc vào chiếc khăn mùi xoa, đắp lên trán một lúc là hạ sốt. Nửa đêm trăng sáng, con vện sủa khẽ, nghe bước đi qua sân lẹ làng lách vào vườn, mẹ lại thở dài, chắc có đứa nào bị sốt…

Buổi sáng tinh khiết hương nhài. Tôi rửa bộ ấm chén sạch sẽ, úp vào trong lòng mỗi chén một bông hoa. Bố tráng chè bên hiên nhà li ti chấm nắng. Chờ mươi lăm phút là chiếc ấm tích nặng tay đã thơm ấm hương lá xanh tươi vừa được hái ban sáng trong vườn chè còn ẩm ướt sương đêm. Bố se sẽ rót nhẹ nước trà ấm nóng lên chén, hương chè quyện với hương nhài se sẽ bay lên, và như vậy là đã có món trà hoa nhài.

Mùa hoa nhài nở cũng là mùa của hoa ngâu. Ấy là những cây thân gỗ không lớn nhưng có tán rộng, có khi để mọc tự nhiên thành cây bóng mát, lại có khi được công phu cắt tỉa thành một quả cầu diệp lục tròn xoe. Dù ở dáng hình nào, về mùa hè, cây ngâu cũng đều chi chít hoa vàng. Cụ bà hàng xóm tóc trắng lòa xòa, đeo kính gọng đồi mồi, tay cầm chiếc rá đi quanh quả cầu để hái hoa ngâu. Chúng tôi giúp cụ phơi hoa trong chiếc nia lớn đặt trên mặt bể nước. Nụ ngâu vàng lốm đốm đậu từng hạt trên mái tóc của cụ. Nụ ngâu cũng đùa nghịch cù trong áo chúng tôi, đôi khi có cả con sâu đo hay những chú kiến bé xíu cù theo làm chúng tôi nhột quay cuồng cười khóc.

Nụ ngâu phơi qua một nắng khô se màu vàng nâu. Những hạt cườm ngâu tí hon xâu lên tuổi thơ chiếc vòng hoa ngâu lọt kẽ ngón tay, giữa những màn đếm ngâu ỏm tỏi vì cứ đếm lại rơi, mãi rồi cũng không thể chính xác. Lúc ấy, có đứa khóc to lắm đấy, hờn lâu lắm đấy, mà bây giờ ngồi nhớ, chỉ còn trong ký ức là những trận cãi thơm tho. Cãi chán rồi bỏ đi nhặt hoa cau to hơn để đếm cho dễ. Đếm hoa cau để rồi cũng xâu lại thành chiếc vòng xinh đẹp và thơm tho cài lên tóc, đeo lên cổ và tay, làm công chúa và tổ chức đám cưới, hoặc đơn giản là treo đâu đó, để nó tự khô đi trong gió rồi lại quên nó đi rất nhanh, nhưng bây giờ thì những mùi hương ấy, nôn nao là nhớ…

Nhớ cả những buổi trưa trốn ngủ lần theo mùi hương mà đi. Đi khắp làng trên xóm dưới, ngõ ngách nào cũng qua, nhà nào cũng vào. Đi để xin hoa móng rồng, hoa ngọc lan, hoàng lan, lan tiêu - hồi đó được coi là những thứ hoa quý, trong làng, nhà nào giàu sang cầu kỳ lắm mới trồng. Ấy là những mùi hương để thưởng thức, để ngửi, để chơi, để xuýt xoa tò mò, mùi hương của những khám phá đơn sơ nhưng rất đỗi ngọt ngào tuổi nhỏ.

Từ giữa hè trở sang đến đầu thu, là hương ổi, hương mít và hương thị…, những mùi hương của ngon ngọt thảo thơm cây trái vườn nhà. Là mùi hương được ủ giấu suốt từ mùa xuân với nụ với hoa và quả non, của bao nhiêu xuýt xoa, đợi chờ phấp phỏng và bây giờ thì đã đến mùa quả chín. Khi chơi với hương ngâu hương cau là chúng tôi đã không quên thỉnh thoảng đi đếm mít, bấm ổi và ngắm thị trên cây. Đôi khi quá thèm thì ăn thử cả quả xanh sin sít. Những vết bấm móng tay đã thành sẹo trên quả ổi, như một vành trăng con con, như những nụ cười mủm mỉm, như vành mi con gái…

Khi những quả ổi đào chín vàng thơm lựng trên cây cũng là lúc mùa thu chớm, đã nghe những dòng mưa đi xiên ngang trời, rơi lộp bộp lá súng mặt ao. Mẹ và chị sẽ hái ổi về đầy cả thúng. Ổi mỡ, ổi đào, ổi Vân Nam, ổi Bo, ổi thóc, ổi găng… Tôi nhớ bấy nhiêu tên chắc là chưa đủ, nhưng ổi găng, ổi mỡ, ổi đào là chúng tôi thích nhất. Bởi nó xinh xinh thơ bé. Nó chín vàng, đẹp óng mỡ màng, thơm tha thiết, và ăn thì, ôi chao, ngọt lịm. Mỗi đứa chúng tôi sẽ giấu mấy quả ổi trong túi áo túi quần, theo cánh diều ra đồng chơi.

Mùa thu quả thị chín vàng. Bố dạy tôi đan quang cho thị. Quang thị treo ba bốn cái lên cột hay tường nhà, mùi thơm lựng ra từ đầu ngõ. Mẹ tôi đi làm về, chân còn lấm bùn, áo đẫm mồ hôi, khát khô cổ, lại “vấp phải” mùi thị nồng nã trong khi đứa con gái cứ ngồi đó mân mê cái quang thị mới, không lấy nước cho mẹ. “Giời ơi là giời, đã nóng nực thì chớ, thị với chả thị, có vứt hết đi không thì bảo!”. Mẹ tôi ngồi phịch xuống với đầy vẻ thất vọng và mỏi mệt. Tôi hãi quá vơ vội mấy quang thị đem treo giấu ở chái bếp. Nhưng chỉ đến chiều thôi, tôi quên ngay, và hương thị lại thơm nồng nàn khắp nhà. Và mẹ tôi ngày mai cũng quên ngay cái cảm giác mỏi mệt trong nóng nực đến như muốn kiệt sức khi ấy. Ngày mai mẹ sẽ đi qua nhà bà bác ở cuối làng, cây thị nhà bác to và sai quả lắm. Thể nào mẹ cũng xin về cho tôi mấy quả, từ xanh đến chín, cho nó thơm dần lên, để cả tuần tôi có thị mà chơi. Trong nhà, bố làm quang thị cho tôi, còn thị thì chính là mẹ mang về. Mẹ luôn biết đứa con gái út ít của mẹ thích những thứ dịu dàng thơm tho ấy!

Tuổi thơ cứ thế đầy ắp hương thơm của ngày tháng, của mùa, ẩn giấu trong từng tàng cây, tán lá. Những hương sắc ngọt ngào của đồng quê, được chưng cất từ mồ hôi cha mẹ, đã theo chân tuổi thơ đến những thanh xuân đẹp đẽ, và cứ thế, sẽ còn đẹp và thơm mãi trong mỗi bước chân cuộc đời.

Khi tuổi trẻ, người ta thường có xu hướng khao khát ra đi, để hiện thực hóa những giấc mơ của đời mình. Rồi ai cũng sẽ có lúc ngẫm ngợi, bồi hồi thương nhớ những mảnh vườn, những dải làng xanh ảo vọng, nơi đã ủ giấu hương đất hương cây, ủ giấu cả những mơ mộng thơm tho của một thời bé dại. Ấy là lúc, hương xưa vườn cũ, những mùi hương lay thức tự trong sâu thẳm ngọn nguồn, thôi thúc những bước chân đã muốn trở về…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùi hương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO