Muốn nhận phần dễ

Lê Anh Đức 26/05/2017 09:15

Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp trước khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực chỉ ra rằng, có tới hơn 10.000 văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành không đảm bảo tính pháp lý, xung đột với hệ thống pháp luật. Việc có tới gần 30% tổng số văn bản ban hành không đảm bảo tính pháp lý quả là chuyện “xưa nay hiếm” đối với một hệ thống pháp luật.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo các chuyên gia luật thì nổi cộm vẫn là do các cơ quan công quyền ban hành văn bản (hoặc tham mưu ban hành văn bản) bằng cảm tính, không chịu lắng nghe nguyện vọng của các đối tượng chịu tác động, quan trọng hơn cả là muốn nhận phần dễ cho mình và đẩy việc khó cho dân.

Chính bởi vì thế mà rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật bị “chết yểu” từ trong trứng nước, tức là sau khi ban hành không thể áp dụng vào đời sống vì thiếu tính khả thi, tệ hơn nữa là phải rút lại, hoặc tạm dừng thực hiện...

Nhà nước pháp quyền thực thi quyền lực dựa trên nền tảng pháp luật được ban hành theo thủ tục Hiến định, nhằm bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân và công lý.

Đây có thể coi vừa là khái niệm, nhưng cũng chính là “kim chỉ nam” trong công tác xây dựng hệ thống luật pháp và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà không quan tâm, hoặc không đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết thì văn bản đó sẽ không có sức sống, thiếu tính khả thi, thậm chí vi hiến, phạm luật...

Có thể đơn cử ngay một ví dụ điển hình về việc ban hành quy định “trên trời”. Chả là các cơ quan chức năng đã ban hành một văn bản quy phạm pháp luật rằng, những người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị xử phạt hành chính.

Văn bản cho thấy, cơ quan soạn thảo văn bản trên có sự quan tâm với người dân và “lo” nếu không có quy định trên thì người dân sẽ gặp nguy hiểm nếu không may xảy ra TNGT.

Song, cái sự quan tâm đó lại không đồng bộ nên nó khó thực hiện trong thực tế. Khi mà đến lực lượng chuyên ngành như QLTT còn không phân biệt được mũ bảo hiểm đạt chuẩn bằng mắt thường, thì sao người dân có thể biết thực giả ra sao?

Nếu chỉ căn cứ vào tem hợp chuẩn dán trên mũ thì không ổn, bởi bằng cách nào đó những cơ sở sản xuất mũ rởm, những cửa hàng kinh doanh mũ nhập lậu vẫn có ê hề tem hợp chuẩn để dán vào những chiếc mũ không đạt chuẩn của họ, rồi bán cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp này, nếu muốn xử phạt được người dân, muốn họ nghiêm chỉnh tuân thủ quy định của pháp luật, thì trước hết cơ quan chức năng phải giải quyết được tận gốc rễ vấn đề hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Còn nếu các cơ quan quản lý nhà nước bất lực trước vấn nạn trên thì ra quy định xử phạt liệu có phải đang đẩy việc khó cho người dân không?

Nhà nước pháp quyền có nghĩa vụ bảo đảm bằng pháp luật các quyền tự do, dân chủ của nhân dân và công lý. Các cơ quan công quyền không được có những hành vi hoặc quyết định hạn chế hay tước quyền tự do, dân chủ và tiếp cận công lý của người dân mà không dựa trên những cơ sở chắc chắn của pháp luật.

Ấy vậy nhưng lâu nay có không ít bộ, ngành, địa phương vô tư ra các văn bản quy phạm pháp luật mà nếu thực thi thì sẽ hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Đơn cử như việc Hà Nội lấy lý do “đặc thù” ra quy định mỗi công dân chỉ được đăng ký 1 xe máy, hay khi đăng ký phải mua biển cao gấp nhiều chục lần so với các tỉnh, thành phố khác.

Hay như mới đây, nếu không có sự phản biện của công luận, Hà Nội sẽ lại tiếp tục có văn bản quy định thu hồi xe máy cũ gây ô nhiễm môi trường, trong khi chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thế nào là xe máy đạt chuẩn hay không đạt chuẩn khí thải.

Hiến pháp đã quy định rất rõ về quyền con người và quyền công dân, Bộ luật Dân sự cũng đã quy định rõ về quyền sở hữu tài sản của công dân. Vậy thì những văn bản quy định trên của TP Hà Nội chẳng phải là vi hiến hay sao? Một văn bản quy phạm pháp luật mà không dựa trên lợi ích của người dân, vi hiến thì liệu có tính khả thi, có thể đi vào cuộc sống được hay không?

Còn nữa, bản thân pháp luật là hệ thống các quy phạm, tức là các chuẩn mực. Giá trị của pháp luật chính là tạo ra các chuẩn mực cho các chủ thể khác nhau trong đời sống xã hội.

Nếu pháp luật không chứa đựng các chuẩn mực thì ý nghĩa của nó trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội không lớn, nếu như không muốn nói là không tồn tại.

Khi xây dựng hệ thống pháp luật phải có tính nhất quán, thể hiện ở chỗ các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực, hoặc trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều phải bảo đảm thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể, không thể có sự chồng chéo, hay “đá nhau” để rồi phát sinh tranh cãi đúng - sai.

Nhiều chuyên gia luật khẳng định nguyên nhân tất yếu dẫn đến việc có tới gần 30% văn bản quy phạm pháp luật lại phạm luật là do các nhà nghiên cứu, cơ quan xây dựng, ban hành văn bản phần lớn đưa ra theo ý chí chủ quan của mình sao cho có lợi cho ngành mình, thâu tóm quyền lực, tạo cơ chế xin - cho, đẩy khó khăn về phía đối tượng áp dụng, đưa thuận lợi về phía cơ quan quản lý.

Do vậy, không ít cơ quan soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bỏ qua việc khảo sát ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp mà ở đây là người dân. Nhiều quy định được đưa ra không phù hợp với thực tiễn, bất khả thi, thậm chí vi hiến, phạm luật buộc phải thu hồi.

Vậy nên, chỉ khi các bộ, ngành, địa phương thực sự tôn trọng nền tảng lập pháp khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là để phục vụ người dân, vì lợi ích của nhân dân thì thực trạng “văn bản treo” mới không còn.

Và chỉ khi không còn hiện tượng thích nhận phần dễ, đẩy việc khó cho dân thì tỷ lệ văn bản thiếu tính pháp lý, thiếu tính khả thi trong thực tiễn mới có thể chấm dứt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn nhận phần dễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO