Muốn xuất khẩu, gạo Việt phải tránh tiếng 'hàng rẻ'

Thanh Giang 24/02/2016 07:00

VFA yêu cầu, doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Do cơ cấu xuất khẩu gạo hiện nay theo xu hướng gạo cao cấp, gạo ngày càng tăng chứ không phải là gạo trắng hoặc gạo cấp thấp.

Gạo Việt đang dần vươn xa ra thị trường thế giới.

Xuất khẩu gạo năm 2016 của Việt Nam được dự báo tiếp tục chịu tác động của diễn biến khó lường của thị trường gạo thế giới. Muốn chiếm lĩnh thị trường gạo Việt chỉ còn cách nâng cao chất lượng, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến 31/1/2016, xuất khẩu gạo cả nước đạt 416.770 tấn, tăng 88,03% số lượng và tăng trị giá tăng 70,99% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2015 khá ổn định nhưng VFA cũng tỏ ra lo ngại khi hàng loạt rào cản trước mắt đang trực chờ buộc ngành lúa gạo phải vượt qua.

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA nêu khó khăn, sản xuất trong nước bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, xâm nhập mặn đang lan rộng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long – vực lúa lớn nhất cả nước. Ngoài ra, sự lớn mạnh của các nhà xuất khẩu lớn từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia, Myanmar… đang tạo ra áp lực lớn đối với gạo Việt. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo không chỉ cạnh tranh về số lượng mà còn cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu, giá cả.

Thực tế chứng minh, từ trước đến nay gạo Việt Nam chủ yếu bằng xuất khẩu với giá thấp. Tuy nhiên, thời gian tới ưu điểm này không còn là lợi thế, bởi tồn kho gạo của Thái Lan rất lớn. Song song đó, lợi thế về địa lý đang tạo điều kiện cho gạo Ấn Độ và Pakistan phát triển mạnh.

Thị trường xuất khẩu đang yêu cầu, muốn phủ sóng gạo Việt tại thị trường nước ngoài đòi hỏi gạo Việt phải đạt về mọi mặt. Bàn về giải pháp tối ưu tạo lợi thế cạnh tranh VFA yêu cầu, doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Do cơ cấu xuất khẩu gạo hiện nay theo xu hướng gạo cao cấp, gạo ngày càng tăng chứ không phải là gạo trắng hoặc gạo cấp thấp.

Nói về việc “lấy lòng” người tiêu dùng các nước bằng cách nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, đại đa số ý kiến đều mong muốn, doanh nghiệp xây dựng tốt thương hiệu để tạo lập nên giá trị khác biệt. Từ đó tránh tình trạng gạo Việt “chen chân” vào thị trường các nước rất nhiều nhưng người tiêu dùng lại không biết gạo Việt Nam. Đặc biệt, chặn đứng hình thức trá hình hoặc “đội lốt” gạo Việt ở thị trường các nước.

“Tại thị trường Trung Quốc – một trong những quốc gia nhập khá lớn gạo Việt Nam, tuy nhiên éo le ở chỗ chưa có túi gạo nào trong siêu thị có xuất xứ Việt Nam. Nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhưng không có người tiêu dùng nào biết đến thương hiệu này. Đây chính là vấn đề mà doanh nghiệp xuất khẩu và hiệp hội cần xem lại”, Bùi Huy Hoàng thắc mắc.

Quan ngại cho chất lượng và thương hiệu gạo Việt, ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Vinafood 2 khẳng định, thị trường Trung Quốc mua hàng theo tên gọi của giống. Song hàng hóa nhập về doanh nghiệp không vội bán ngay mà đem gạo Việt trộn với gạo trong nước. Mục đích của hình thức “đội lốt” này nhằm tăng tính cạnh tranh cho gạo bản xứ.

Nhìn vào những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, gạo là mặt hàng ưu tiên trong cơ cấu hàng xuất khẩu nên các Thương vụ, các cơ quan xúc tiến cần uu tiên hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2016 và những năm tới, Hiệp hội lương thực cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc làm đầu mối kết nối thông tin cho các tham tán thương mại. Về phía doanh nghiệp, phải chủ động hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại cũng như lên kế hoạch xây dựng thương hiệu gạo tại các thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn xuất khẩu, gạo Việt phải tránh tiếng 'hàng rẻ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO