Mưu sinh bên 'Dòng sông Mẹ'

Đơn Thương 12/02/2017 07:15

Sông Hồng – con sông huyền thoại được coi là sông Cái – “sông Mẹ” này gắn với bao huyền thoại, nhất là với dân kinh kỳ kẻ chợ Thăng Long. Dòng sông đỏ nặng phù sa này đã tạo ra những bến bờ mướt mát, một thời được coi là nơi phát tích mưu sinh của hàng triệu dân, đấy là chỉ tính đoạn chảy qua Hà Nội mà thôi. Nhưng vật đổi sao dời, nay huyền thoại và trầm tích này đang ngày một biến mất!

Đánh bắt cá – Nghề truyền thống một thời của Bắc Biên, Ngọc Thụy nay dần đi vào dĩ vãng.

Ngôi làng tôi tìm đến định cư có tên là Bắc Biên, nay đã đổi thành những tổ dân phố trực thuộc phường Ngọc Thụy. Chỗ tôi ở gần cây cầu trăm tuổi do Toàn quyền Đông Dương có tên Paul Doumer kiến tạo và do công ty Daydé & Pillé thi công. Sử liệu cũ cho biết, khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết định kiến tạo cây cầu này để nối nhịp Hà Nội với các vùng phụ cận, không để Hà Nội thành ốc đảo đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ người dân nước Pháp.

Quan điểm và kĩ thuật ngày ấy cho rằng, đây là một ý tưởng “hết sức điên rồ” vì khó ai có thể chinh phục được một dòng sông Cái mênh mông đến như vậy bởi một cây cầu có dáng hình uốn khúc của một con rồng trên ý tưởng liên quan Thăng Long.

Cây cầu hoàn thành đã gánh một trách nhiệm trọng đại của mình. Ngoài nối nhịp với trung tâm, nó còn là nơi để dân cư tìm đến và khai sinh ra rất nhiều làng ven sông trong đó có các làng nay đã lên phố như Bồ Đề, Bắc Biên, Bắc Cầu…

Ngày ấy, bãi bồi rộng đến cả vài chục ha này là nơi mưu sinh cho không ít những người nông dân nay đã trở thành lão phố, trai phố. Đất đai chưa đắt, dân chưa có nghề, thế là họ ra bãi chia và nhận đất với chính quyền.

Mùa Hạ, nước lên, cả bãi sâm sấp nước, phù sa mạn ngược có điều kiện nhập điền, láng tráng những lớp đất màu mỡ, chả thứ phân bón nào bằng. Đậu ngô, khoai sắn cứ thế tốt bời bời, hàng ngàn hàng vạn dân đã ấm bụng bằng công lao động và những thứ trời cho từ dòng sông Mẹ này.

Cũng ngày ấy, sông Hồng còn rộng mênh mông, kéo theo nghề canh tác thì các làng như Bồ Đề, Bắc Biên, Bắc Cầu còn có hàng trăm hộ gia đình học nghề thuyền chài kiếm sống.

Cầu Long Biên và sông Hồng thế kỷ trước.

Ông Nguyễn Phú Ân, năm nay đã gần trên 80 rồi, giờ mỗi sáng ra sông không kìm nén được những âu lo và suy tính. Ông Ân bảo, ngày ấy, môi trường chưa bị xâm hại, nước sông Hồng còn sạch, nhiều khi dân còn ra gánh nước về dùng cho sinh hoạt chả thấy sao.

Ấy thế mà nhoằng cái, chưa đầy vài chục năm sau, từ thuở tóc xanh, nay tóc bạc đã thấy dòng sông thay đổi nhiều quá. Bãi giữa đã bị nước và những con tàu hút cát ngoạm mất. Sông chuyển dòng, từng lưỡi sóng thúc bờ, đất đai sụt lún, người dân cứ chạy mãi vào bên trong.

Nhiều người dân cao tuổi ở đây vẫn hoài niệm về một thời chưa xa dòng sông đã cưu mang, cho gia đình, họ hàng và xóm làng của mình. Ngày ấy, bãi giữa còn và rộng, ngoài các loài hoa mầu thì cá mú đánh bắt dưới sông cũng một thời thêm đạm, thêm chất để nuôi cho thanh niên làng lớn lên. Theo lời các cụ cao tuổi của làng, ngày ấy cá tôm trên dòng sông Hồng chảy qua Bắc Cầu, Bắc Biên, Bồ Đề nhiều vô kể.

Vào mùa chính, ngoài đánh bắt, dùng không hết người ta còn phơi khô để bán dần trong năm. Ngay như loài cá ngạnh – một trong những thứ đặc sản nay chỉ tìm các nhà hàng hơn 30 năm về trước vốn là món bình dân của những người dân nơi đây. Anh Nguyễn Văn Đạo, một dân gốc của làng hồi tưởng: Ngày ấy, cá ngạnh trên sông Hồng rất dễ đánh bắt.

Nhất là vào mùa Hạ, khi nước lên cao nhấn bãi, lúc đấy cũng đúng cữ loài cá này sục vào bãi để kiếm ăn, bồi bổ cho cơ thể sau những ngày giá lạnh. Nước lên, những tổ mối, tổ kiến, gốc ngô, gốc đỗ bị nước nhấn, mối kiến vỡ ổ là lúc loài cá này tìm lên. Nhiều lúc, chúng đi từng đoàn, say mồi, quẫy đuôi tung tóe mà chẳng chú ý đến con người.

Ngày ấy, anh Đạo và nhiều thanh niên đồng lứa trong làng chỉ cần cầm chụp ra sông mà chụp. Theo lời anh , có lúc gặp đàn cá ngạnh say ăn, chỉ cần một nhát chụp là có thể mang về nhà cả yến cá ngạnh. Bán không hết. Nhưng tất cả những cái đó, giờ đã trở thành hoài niệm, đã trở thành chuyện kể đêm khuya của người dân trong làng.

Ông Nguyễn Văn Đông, cũng một dân gốc làng, khi kể chuyện sông Hồng đoạn chảy qua làng mình cũng lại buồn. Ông bảo, thủy điện chồng thủy điện ở thượng lưu, nhà máy, nhà hàng rồi nước thải ở các khu phố xả ra nữa! Dòng sông Mẹ, dòng sông Cái, dòng sông có tên huyền thoại Nhĩ Hà – sông Hồng không bị bức tử, không bị chết mới lạ.

Sông chuyển dòng, người cũng chuyển đời và chuyển nghề. Sông thoi thóp, các bãi bồi mất, những người nông dân kiêm thuyền chài mất nghề đồng loạt lên bờ gác mái. Mấy trăm hộ dân chiều tối kí cách con thuyền nan mà tay lưới tay hom của các làng như Bắc Cầu, Bắc Biên nay đã đều gác chèo.

Trên mạn Bắc Cầu, trước rất nhiều gia đình làm nghề đánh cá khai thác thủy sản để mưu sinh trên dòng sông Mẹ nay đã bỏ nghề vì sông Hồng bị bức tử. Hiện chỉ còn vài gia đình, trong đó có gia đình một chị mà mỗi khi đánh bắt được thứ gì đều tìm đến bán cho gia đình tôi. Chị bảo, nhớ nghề, không có việc gì, lại muốn có thêm thu nhập nên bố con thằng cu vẫn tý toáy nghề này.

Sông Hồng còn ít phù sa, sông Hồng còn ít cá và sông Hồng đang khát nước vốn là một thực tế của hiện nay. Đôi chục năm trước, sông Hồng đoạn chảy qua Ngọc Thụy rất ít khi gặp cảnh tắc luồng, tắc lạch.

Ấy thế mà nay, đoạn sông trù phú chảy qua cây cầu trên trăm tuổi có tên Long Biên tàu bè ùn ứ suốt ngày và trở thành nỗi khiếp sợ cho những người làm nghề vận tải đường thủy nơi đây. Nhà tôi gần đền Rừng, sát sông, đối diện với bên kia là Hồ Tây đầy huyền thoại. Thế mà về đây ở trên chục năm, vào mùa nước cạn, lúc nào tôi cũng phải chứng kiến đến vài chục lượt tàu nằm lại để chờ con nước mà khéo léo mướn trớn đi qua.

Năm cuối, ngày một cận kề, Hà Nội dạo này cũng kiệm mưa. Để có nước tưới cho ít cây và hoa đón Tết, vợ chồng ông Nguyễn Văn Khải lại bắc ống xuống sông Hồng để bơm nước. Máy đã thay, ống cứ nối dài mãi nhưng nước lên vẫn tong teo. Ông Khải lại lắc đầu ngao ngán, cứ tình trạng này, chỉ đôi chục năm nữa thôi, không có lẽ người ta sẽ đi bộ được sang sông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh bên 'Dòng sông Mẹ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO