Mưu sinh trên lòng hồ Bản Vẽ

Điền Bắc 03/05/2017 08:35

Để xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (320 MW), từ năm 2007-2009, hơn 2.120 hộ dân ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã rời quê cũ đến nơi ở mới tại huyện Thanh Chương sinh sống. Vậy nhưng, nơi ở mới thiếu thốn từ đất sản xuất, nước, thổ nhưỡng đều không phù hợp. Trước điều kiện sống khó khăn, hàng nghìn người đành bỏ khu định cư mới về lại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mưu sinh. Trên mặt hồ mênh mông nước ấy có một xóm ngụ cư với nhiều cảnh đời trôi nổi, một bến đò với hàng chục con thuyền ngược xuô

Những người lái đò trên lòng hồ đều chưa có giấy phép.

Cách đây gần chục năm, ở nơi núi rừng sâu thẳm thuộc huyện Tương Dương (Nghệ An), một công trình thuỷ điện lớn nhất Bắc Trung Bộ được khởi công. Đó cũng là thời điểm hàng nghìn hộ dân sống bên dòng Nậm Nơn phải di dời, nhường đất cho công trình trọng điểm này. Song thực tế cuộc sống của đồng bào tại nơi ở mới không như mong đợi buộc nhiều gia đình phải “tìm về” chốn cũ, sống cảnh đời sông nước lênh đênh.

“Xóm nổi” tự phát

Để xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (320 MW), từ năm 2007-2009, hơn 2.120 hộ dân ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã rời quê cũ đến nơi ở mới tại huyện Thanh Chương sinh sống. Vậy nhưng, nơi ở mới thiếu thốn từ đất sản xuất, nước, thổ nhưỡng đều không phù hợp. Trước điều kiện sống khó khăn, hàng nghìn người đành bỏ khu định cư mới về lại lòng hồ thủy điện bản Vẽ mưu sinh. Trên mặt hồ mênh mông nước ấy có một xóm ngụ cư với nhiều cảnh đời “trôi nổi”, một bến đò với hàng chục con thuyền ngược xuôi mỗi ngày nhưng chưa được cấp phép.

Bám trụ từ nhiều năm nay để thu mua những sản vật của người dân vùng lòng hồ, bà Liên Vinh cho biết: “Từ khi lòng hồ tích nước, nhận thấy nhu cầu mua bán, trao đổi của người dân khá sôi động, hai vợ chồng tôi xây dựng bè nổi này làm nơi trông giữ xe, buôn bán đủ các mặt hàng dân thượng nguồn cần”.

Gia đình anh Lương Văn Mằn (35 tuổi) trú tại bản Vẽ, xã Yên Na gắn với lòng hồ từ ngày thuỷ điện tích nước. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng anh phải lăn lộn lên rừng chặt nứa, đóng thành bè nuôi cá lồng trên lòng hồ. Hàng ngày, với con thuyền gỗ, hai vợ chồng lại lên rừng làm rẫy, kiếm cỏ về nuôi cá. Riêng việc nuôi cá, sau khi trừ hết các loại chi phí, bình quân mỗi năm mang về nguồn thu nhập từ 15-18 triệu đồng.

“Sống ở lòng hồ kiếm kế mưu sinh rất nguy hiểm, mỗi khi xảy ra mưa bão, nước lớn không chỉ tài sản đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm mà còn đe doạ tới tính mạng con người. Biết khó khăn, vất vả nhưng không còn lựa chọn nào khác”, anh Mằn chia sẻ.

Bà con cư trú trên lòng hồ cho biết, bến lòng hồ nằm tại Bản Vẽ được hình thành sau khi thuỷ điện tích nước. Tiếp đó, hàng chục hộ dân di cư đã quyết định hồi hương lập nên xóm nổi tổ chức buôn bán tấp nập. Ngoài xóm nổi này, rải rác khắp cả lòng hồ, có rất nhiều nhà nổi mọc lên theo năm tháng. Bà con biết là đang cư trú bất hợp pháp trên lòng hồ nhưng cũng cần phải xem xét lại vì sao chúng tôi phải rời nơi tái định cư quay về chốn cũ.

Hiểm hoạ lái đò

Cuộc sống mưu sinh của người dân xóm nổi chủ yếu diễn ra vào thời điểm ban ngày. Khi màn đêm buông xuống, lòng hồ sẽ được nhường lại cho những người lái thuyền ngược xuôi. Cũng vì cuộc sống khó khăn anh Lương Văn Hoan (44 tuổi) trú tại bản Nọng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương và vợ đã quay trở lại quê cũ bản Mà, xã Kim Tiến mưu sinh. Khu đất ở của gia đình anh đã bị nước nhấn chìm, nhưng vẫn còn đó những mảnh rẫy khai hoang từ trước nên anh Hoan quyết định đóng thêm con thuyền đánh cá, phục vụ sản xuất, chở khách qua lòng hồ kiếm thêm thu nhập.

“Ngày ấy, cũng như bao gia đình khác, nhà tôi di dời nhường đất cho thuỷ điện tích nước. Nhưng rồi cuộc sống ở Thanh Chương thiếu thốn đủ bề, năm 2010, vợ chồng kéo nhau về lại đây đánh bắt con cá, con tôm, chăn nuôi con bò, lợn, ai thuê gì làm đó mới có đủ tiền trang trải cuộc sống”- anh Hoan tâm sự. Cũng thuộc diện về định cư tại Thanh Chương, anh Lữ Văn Đại, người dân tộc Khơ Mú trú tại bản Hồi Xén, xã Yên Na chia sẻ: “Nghe những người về trước bảo khó khăn, nên tôi không di cư nữa mà ở lại đây luôn. Giờ vợ chồng quay lại bản cũ Xộp Vy làm rẫy và chăn nuôi. Ngoài ra, hàng ngày chạy thuyền chở khách kiếm thêm thu nhập”. Cũng theo anh Đại, chạy thuyền chở khách ngược xuôi lòng hồ rất khó khăn, tính từ xã gần nhất cũng phải mất hơn 1 giờ, chạy vào các xã xa hơn phải mất nửa buổi. Vậy nhưng nguồn thu nhập mang lại không đáng là bao, bởi ngày càng có thêm nhiều người sắm thuyền kiếm sống.

Anh Lương Văn Bù, trú xã Hữu Khuông, người có thâm niên 10 năm chạy thuyền ngược dòng Nậm Nơn tâm sự: “Thuỷ điện hình thành, đồi núi, nương rẫy bị nhấn chìm, nghĩ mãi không biết làm gì, vợ chồng tôi mượn tiền đóng con thuyền và chở khách hơn chục năm nay. Giờ khách ít, thuyền nhiều, ngày kiếm chả được là bao”. Thống kê của UBND huyện Tương Dương cho thấy: Hiện có 270 hộ dân với 1.000 nhân khẩu trở lại lòng hồ dựng lán trại, bè, cư trú bất hợp pháp. Đa số những hộ dân này từ các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương quay trở lại khu vực thủy điện Bản Vẽ mưu sinh và có một số hộ chưa di dời khỏi khu vực lòng hồ. Ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Việc người dân quay lại quê cũ làm ăn cũng chỉ vì nơi ở mới quá khó khăn, đất sản xuất thiếu, cằn cỗi. Biết là bất hợp pháp nhưng rất khó vận động bà con quay về nơi ở mới, bởi đằng sau đó là cuộc sống, là chuyện miếng cơm, manh áo của rất nhiều người.

Cũng theo ông Hải, một lý do mà người dân quay lại lòng hồ mà vẫn có đất sản xuất là vì hiện còn có hơn 800 sổ đỏ của người dân chưa được nhà nước đền bù, về nguyên tắc đó vẫn còn đất của họ, việc họ về sản xuất trên đất của mình là chính đáng. Song từ thực tế cho thấy, việc chở khách tự phát ngược xuôi trên lòng hồ đang tiềm ẩn hiểm nguy khó lường. Xóm nổi đang tồn tại ngoài vòng kiểm soát của pháp luật, đặt ra câu hỏi về an ninh, trật tự có được đảm bảo? Đây là vấn đề cần được các ngành chức năng tỉnh Nghệ An xem xét. Cần có phương án đảm bảo ổn định việc làm cho người dân lòng hồ nhưng cũng phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng đối với những người tham giao thông trên cung đường thuỷ này và được quản lý bởi pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh trên lòng hồ Bản Vẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO