Mỹ củng cố cam kết đảm bảo an ninh tại châu Á

02/02/2017 19:45

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 2/2 đã đặt chân tới Hàn Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, gửi đi tín hiệu về việc giữ vững các cam kết bảo đảm an ninh tại khu vực châu Á của chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) tại căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc hôm 2/2. (Nguồn: Reuters).

Bộ trưởng James Mattis đã bắt đầu chuyến công du châu Á trong tuần này - chuyến công du đầu tiên của một thành viên Nội các của chính quyền Tổng thống Donald Trump - chỉ chưa đầy hai tuần lễ kể từ khi ông Mattis tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành ông chủ quyền lực của Lầu Năm Góc.

Sau khi đặt chân tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ông Mattis đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của nước này, trong đó có ông Hwang Kyo-ahn, Tổng thống lâm thời. Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc, gây nên bởi vụ bê bối gây chấn động nước này, khiến cho Tòa án Hiến pháp đang phải cân nhắc xem có luận tội Tổng thống Park Geun-hye hay không.

Phát biểu trước báo giới trước khi tới Hàn Quốc, ông Mattis đã nói rằng ông sẽ tận dụng các cuộc nói chuyện ở Seoul - và sau đó là ở Tokyo, Nhật Bản - để làm rõ quan điểm của lãnh đạo hai nước này về việc làm thế nào để đối phó với mối đe dọa đến từ CHDCND Triều Tiên. “Cùng đồng lòng, chúng ta sẽ đối mặt với vấn đề Triều Tiên”, ông Mattis nói.

Chuyến công du lần này phản ánh rõ quan ngại ngày càng tăng về cái mà ông Mattis mô tả là những “hành động khó lường” của Triều Tiên. Hồi đầu năm nay, Bình Nhưỡng từng mập mờ về khả năng sẽ sớm thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), khiến cho việc tạo một đòn tấn công nhằm vào Mỹ trở nên khả thi.

Triều Tiên tính đến nay đã thực hiện 5 cuộc thử nghiệm hạt nhân - lần gần đây nhất là vào tháng 9 năm ngoái - khiến Mỹ lo ngại về khả năng tấn công của nước này. Hồi tháng trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ashton B. Carter đã nói rằng Mỹ sẽ bắn hạ ICBM từ Triều Tiên chỉ trong trường hợp nó đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ của họ.

Đến nay, người ta vẫn chưa rõ về cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong khi ông Trump từng khẳng định rằng khả năng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên tấn công lãnh thổ Mỹ là điều “sẽ không xảy ra”, ông vẫn đưa ra một số bình luận theo chủ nghĩa biệt lập và còn nói rằng các nước phi hạt nhân nên được phép phát triển vũ khí hạt nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis không đưa ra bình luận về các hành động phản ứng thêm mà Mỹ có thể đưa ra nhằm trừng phạt Triều Tiên, tuy nhiên đề cập tới việc triển khai hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với giới chức Hàn Quốc.

“Nếu không vấp phải những hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên, chúng ta đã không cần phải có THAAD ở đây” - ông Mattis nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Hàn Quốc có khả năng cao sẽ phải tổ chức bầu cử để bầu ra Tổng thông mới trong năm nay và Trung Quốc liên tiếp thể hiện sự phản đối của mình đối với việc lắp đặt THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, tương lai của hệ thống tên lửa tối tân này là chưa rõ ràng.

Dưới thời chính quyền Obama, Washington và Seoul đã nhất trí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để bảo vệ Hàn Quốc khỏi các tên lửa từ Triều Tiên. Nhưng động thái này đã khiến Trung Quốc nổi giận, cho rằng hệ thống này đe dọa an ninh của Trung Quốc và “vượt quá xa sự phòng thủ mà bán đảo Triều Tiên cần đến”.

Mỹ hiện có 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc, trong khuôn khổ một thỏa thuận hậu chiến. Hàn Quốc chi trả khoảng 900 triệu USD hàng năm cho việc triển khai này. Sau Hàn Quốc, ông Mattis sẽ tới Nhật Bản để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada.

Với tư cách một cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung ương của Mỹ, ông Mattis đã bỏ ra phần lớn sự nghiệp của mình tập trung vào các vấn đề quân sự ở Trung Đông và ông nói rằng chuyến công du đầu tiên của ông sẽ nhằm giúp ông hiểu rõ hơn về các thách thức an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự ủng hộ của ông Mattis đối với khối đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản được nhận định là sẽ sớm trải qua sóng gió; trong bối cảnh chính quyền Washington còn mới vào guồng quay và Tổng thống Trump từng đặt ra nhiều câu hỏi về các quan hệ đối tác quân sự ở khu vực châu Á. Ông Trump cũng đã ký quyết định rút khỏi một thỏa thuận thương mại tự do lớn với các đồng minh châu Á sau khi tuyên thệ nhậm chức.

Chuyến công du của ông Mattis cũng diễn ra trong bối cảnh chính sách ngoại giao của nước Mỹ đang có nhiều xáo trộn, khi Tổng thống Trump và các cố vấn của ông tuyên bố sẽ đặt Iran “vào tầm ngắm” và Mỹ bất đồng trong mối quan hệ với một số nước đồng minh khác như Mexico.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ củng cố cam kết đảm bảo an ninh tại châu Á

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO