Mỹ đối mặt với viễn cảnh 'no Police'

Đình Tú 13/06/2020 08:20

Việc cảnh sát giết hại người đàn ông da màu George Floyd đã thổi bùng lên ngọn lửa biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ và đòi giải tán toàn bộ lực lượng cảnh sát. Một số bang của nước này đang tính đến một viễn cảnh: “No Police” (nói không với cảnh sát) trong việc đảm bảo trị an.

Mỹ đối mặt với viễn cảnh 'no Police'

Người biểu tình Mỹ đòi cắt giảm ngân sách cho lực lượng cảnh sát.

Thành phố tiên phong

Ngày 10/6, trong một diễn biến chưa từng có, Hội đồng thành phố Minneapolis, bang Minesota tuyên bố sẽ giải thể lực lượng cảnh sát địa phương. “Họ cam kết thay thế bằng mô hình trị an mới để thực sự mang lại an toàn cho cộng đồng”- CNN đưa tin.

Bà Lisa Bender, Chủ tịch Hội đồng thành phố cho biết, chính quyền Minneapolis cam kết giải thể Sở Cảnh sát nhưng vẫn sẽ duy trì lực lượng này trong thời gian ngắn. Ông Jacob Frey-Thị trưởng Minneapolis, đã bác bỏ việc giải thể Sở Cảnh sát thành phố nhưng 9 phiếu của các thành viên còn lại trong Hội đồng thành phố đủ để áp đảo quyền phủ quyết của ông Frey.

Theo bà Bender, ngân sách cho lực lượng cảnh sát sẽ được điều chuyển cho mục đích khác và Hội đồng thành phố sẽ thảo luận về cách thức thay thế Sở Cảnh sát hiện nay. “Không còn bộ phận cảnh sát nữa và đây chắc chắn không phải là ý tưởng nhất thời. Một bộ phận cảnh sát sẽ chuyển hướng sang các hoạt động cố vấn sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện ma túy”- bà Bender khẳng định.

Để có quyết định này, ngày 8/6, một số nhóm vận động của thành phố đã đưa ra các khuyến nghị riêng cho Minneapolis. Trong đó đề nghị tạo ra một cơ quan độc lập để điều tra và truy tố các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến cảnh sát, kiểm tra tâm lý bắt buộc cho các sĩ quan cảnh sát…

Khi việc giải tán lực lượng cảnh sát Minneapolis được thực hiện, đây là thành phố thứ 2 của nước Mỹ “nói không với lực lượng cảnh sát”. Cách đây 7 năm (2013), thành phố Camden, bang New Jersey đã từng làm điều này.

Với gần 80 ngàn dân và từng là được coi là “khu chợ ma túy” ở Mỹ với nhiều loại tội phạm bạo lực Camden là thành phố nguy hiểm với khoảng gần 50 vụ giết người trung bình mỗi năm.

Tuy nhiên, Hội đồng thành phố cho rằng vấn nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát lại là nguyên nhân nguyên nhân chính. Truyền thông Mỹ cho rằng các vụ kiện nhằm vào Sở Cảnh sát Camden thường bị một số sĩ quan ngụy tạo bằng chứng, làm giả báo cáo và khai man trước tòa. Trước tình trạng tham nhũng ăn sâu trong lực lượng cảnh sát, giới chức Camden đã không tính đến việc cải tổ lực lượng cảnh sát nữa mà đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch giải tán Sở Cảnh sát để thay mới toàn bộ.

Theo kế hoạch này, năm 2013, Sở Cảnh sát thành phố Camden bị giải thể và được thay thế bằng lực lượng mới với tên gọi Sở Cảnh sát hạt Camden. Toàn bộ nhân sự của sở cảnh sát này là những người hoàn toàn mới. “Sau khi giải tán Sở Cảnh sát cũ, tỷ lệ tội phạm ở Camden đã giảm gần một nửa. Cảnh sát tổ chức tiệc ngoài trời cho người dân và gõ cửa từng nhà để giới thiệu bản thân. Camden giờ đây khác hẳn 10 năm trước”- CNN đưa tin.

“Không thể xóa sổ”

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không có chuyện giải tán cảnh sát sau những lời kêu gọi trong các cuộc biểu tình phản đối cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd đang lan rộng khắp nước Mỹ. Theo Đài ABC, ông Trump đã phát đi một thông điệp rõ ràng khi dự cuộc gặp bàn tròn tại Nhà Trắng với các thành viên lực lượng thực thi pháp luật: Cảnh sát vẫn đang làm một công việc tuyệt vời.

Cũng trong những ngày qua, một số nghị sĩ đảng Dân chủ, do một nhóm các nghị sĩ da màu dẫn đầu, đã công bố dự luật nhằm chống lại tình trạng sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát, cũng như chống nạn phân biệt chủng tộc.Dự luật sẽ tạo thuận lợi cho việc truy tố những cảnh sát có hành vi sai trái và vi phạm quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Dự luật cũng cho phép các nạn nhân cùng gia đình yêu cầu cảnh sát vi phạm phải bồi thường thiệt hại về mặt tài chính.

Tuy nhiên, Karen Bass- Chủ tịch nhóm các nghị sĩ da màu ở Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng khẩu hiệu “xóa sổ cảnh sát” có thể bị lợi dụng để làm chệch hướng cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của người da màu, dù bà ủng hộ ý tưởng các cộng đồng dân cư cần được đầu tư hơn nữa. “Bạn không thể xóa sổ cảnh sát, đó là ý tưởng điên rồ, ngu ngốc và bất cứ ai đòi làm việc đó đều không biết suy nghĩ. Xã hội cần có lực lượng này để trị an”-Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ đối mặt với viễn cảnh 'no Police'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO