Mỹ lại dọa áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc

Khánh Duy 07/06/2019 08:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/6 lên tiếng đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế đối với lượng hàng trị giá “ít nhất” là 300 tỷ USD của Trung Quốc, nhưng thêm rằng cả Trung Quốc và Mexico đều muốn đạt được thỏa thuận thương mại với nước Mỹ.

Mỹ lại dọa áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc

Lượng hàng xuất khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc có thể sắp bị áp thuế. Ảnh: AP.

Đe dọa áp thuế

Căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lên tới mức đỉnh điểm kể từ khi các vòng đàm phán thương mại nhằm giải quyết bất đồng sụp đổ hoàn toàn hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Trong hôm 6/6, ông Trump nói rằng các vòng đàm phán với Bắc Kinh vẫn đang diễn ra, nhưng không hề có một cuộc gặp trực tiếp nào giữa phái đoàn đàm phán hai nước được tổ chức kể từ hôm 10/5 - ngày mà ông Trump ra quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng 200 tỷ USD của Trung Quốc, khiến nước này đáp trả - đến nay.

“Các vòng đàm phán của chúng tôi với Trung Quốc có nhiều điều thú vị khác đang diễn ra. Chúng ta hãy chờ xem điều gì xảy ra tiếp theo… tôi có thể áp thêm thuế đối với lượng hàng ít nhất là 300 tỷ USD của Trung Quốc và tôi sẽ làm điều đó vào đúng thời điểm” – ông Trump nói trước báo giới trong hôm 6/6, mà không đưa thêm chi tiết liệu các loại mặt hàng nào sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh áp thuế sắp tới.

“Nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng muốn đạt một thỏa thuận, và cả Mexico cũng muốn có một thỏa thuận thương mại” - ông Trump nói trước khi lên chiếc chuyên cơ Không lực Một tại sân bay Shannon, Ireland để tới Pháp.

Cũng trong hôm 6/6, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng nước này sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp đáp trả cần thiết nếu như Washington đơn phương gia tăng cẳng thẳng thương mại, và rằng sức ép mà Mỹ gây ra đã khiến cho các vòng đàm phán thương mại đi thụt lùi.

Trước đó, hôm 5/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng, những lời đe dọa áp thuế đang làm giảm niềm tin của giới doanh nghiệp vào thị trường, và có thể khiến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến sẽ có cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang vào cuối tuần này nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản. Đây sẽ là cuộc gặp trực diện đầu tiên giữa hai nhà đàm phán chủ chốt của hai nước trong gần 1 tháng qua.

Giới chức Mexico và Mỹ cũng dự kiến sẽ nối lại các vòng đàm phán của họ ở Washington nhằm mục đích đảo ngược quyết định áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa của Mexico mà chính quyền Trump đưa ra trước đó.

Dự báo tăng trưởng ảm đạm

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống còn 6,2%, từ mức 6,3% đưa ra trước đó, sau khi kết thúc chuyến thăm của tổ chức này đến Trung Quốc trong khoảng hai tuần qua.

“Căng thẳng thương mại đã có tác động đáng kể, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, cho đến nay vẫn chưa thể hiện hết mức độ ảnh hưởng” - Kenneth Kang, Phó Giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng đoàn khảo sát, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư.

“Căng thẳng thương mại thay đổi sang những hình thái mới là nguyên nhân khiến cho báo cáo toàn cảnh của chúng tôi có thể chưa nhìn thấy hết tác động từ các rủi ro, tính bất định đối với nền kinh tế này... Tôi nghĩ chúng ta cần phải chờ thêm một vài tháng nữa mới có thể dự đoán chắc chắn hơn” – ông Kang nói.

IMF cũng dự báo ​​tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại tới 6% trong năm tới và 5,5% vào năm 2024.

Trong một báo cáo phát hành ngày thứ Ba tuần này, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cũng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống còn 6,4%, từ dự báo tăng 6,5% trước đó. Morgan Stanley cũng cắt giảm triển vọng đối với kinh tế Mỹ và thế giới, với lý do tranh chấp thương mại.

“Sự gia tăng trở lại đáng báo động của căng thẳng thương mại đã dập tắt triển vọng phục hồi tăng trưởng toàn cầu trong nửa cuối năm 2019” - báo cáo cho biết - “Theo dự đoán, tăng trưởng toàn cầu sẽ trì trệ và dưới mức tiềm năng trong phần còn lại của năm. Với dự báo căng thẳng thương mại tiếp diễn trong một chu kỳ leo thang, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ nghiêng về phía bi quan”.

“Nếu mức độ nghiêm trọng của căng thẳng thương mại tăng lên, hoặc tác động kéo dài” – theo các nhà phân tích kinh tế của Morgan Stanley – “ thì tăng trưởng toàn cầu giảm sút, thậm chí suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ lại dọa áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO